Qua đó, càng yêu quý, biết giữ gìn, phát huy để những giá trị lịch sử luôn tỏa sáng. Đến với loại hình di sản văn hóa phi vật thể thế giới du khách sẽ có những cách tiếp cận, cảm nhận mới về đất và người nơi đây. Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam thực sự là điểm dừng chân lý tưởng của du khách trên hành trình đến với văn hóa cộng đồng 54 dân tộc.
Các hoạt động trong khuôn khổ chương trình du lịch “Hành trình qua các miền di sản” được tổ chức song song với các nội dung; “Không gian di sản Ca trù - Quan họ - Ví, Giặm”, triển lãm ảnh về các loại hình nghệ thuật, di sản nghệ thuật Ca trù; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Quan họ Bắc Ninh; Hoạt động chuyên đề “Gốm truyền thống - Giai điệu từ đất” là những điểm nhấn quan trọng để quảng bá tiềm năng du lịch của “Ngôi nhà chung”.
Với hoạt động điểm nhấn “Không gian di sản Ca trù - Quan họ - Ví, Giặm”: Trình diễn, giới thiệu các loại hình nghệ thuật truyền thống, văn hóa phi vật thể đại diện nhân loại và cần bảo vệ khẩn cấp được UNESCO công nhận tại Việt Nam: Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, Nghệ thuật Ca trù, dân ca Quan họ Bắc Ninh... Biểu diễn loại hình nghệ thuật hát Văn và một số trích đoạn tuồng: Múa cờ, Ông già cõng vợ đi xem hội, Múa Lân mẫu xuất Lân nhi, Ngũ biến, Hòa tấu tiểu nhạc…
Hoạt động trưng bày, triển lãm: Giới thiệu hình ảnh về các loại hình nghệ thuật, di sản nghệ thuật Ca trù; Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh; Quan họ Bắc Ninh… Giới thiệu khoảng 60 ảnh về hành trình đến với di sản UNESCO và việc bảo tồn, phát huy, quảng bá những loại hình văn nghệ dân gian truyền thống của dân tộc.
Hoạt động chuyên đề “Gốm truyền thống - Giai điệu từ đất”: Trưng bày, gới thiệu các sản phẩm gốm thủ công truyền thống, tiêu biểu, đặc trưng gắn liền với đời sống sinh hoạt và văn hóa lúa nước của cư dân tại vùng châu thổ Sông Hồng; Nghệ nhân giới thiệu quy trình làm gốm. Chương trình trải nghiệm “Bạn làm thợ gốm” với các không gian cho du khách được trải nghiệm một số công đoạn làm gốm truyền thống.
Trong khuôn khổ các hoạt động “Hành trình qua các miền di sản” tại Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam cũng sẽ tái hiện các nghi lễ, phong tục truyền thống: Lễ mừng cơm mới (dân tộc Thái); lễ Sen dolta, lễ dâng y Kathina (dân tộc Khmer).
Những hoạt động hàng ngày và vào dịp cuối tuần, tại các làng dân tộc Tày, Mường, Thái, Dao, Khơ Mú, Ba Na, Ê Đê, Khmer thuộc Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có các chương trình biểu diễn văn nghệ ca ngợi tình đoàn kết gắn bó giữa các dân tộc anh em, ca ngợi quê hương đất nước… Cụ thể là các loại hình nghệ thuật dân gian truyền thống tiêu biểu: Múa xòe, nhảy sạp của dân tộc Thái; hát ví, hát dân ca, diễn tấu cồng chiêng của dân tộc Mường; nghệ thuật hát Then, đàn Tính của dân tộc Tày, các điệu múa chuông, múa rùa của dân tộc Dao quần chẹt; diễn tấu cồng chiêng, múa xoang và hát dân ca của dân tộc Ba Na; hát Ay Ray và diễn tấu Đinh Năm của dân tộc Ê Đê; loại hình kịch Rô băm, các điệu múa Rom vông, Lâm lêu, Xa ra van của dân tộc Khmer; Các trò chơi dân gian; Trải nghiệm văn hóa ẩm thực. Chương trình du lịch Homestay “Một ngày bản buôn” tại nhà Mường, Tày, Thái sẽ là những trải nghiệm thú vị của du khách khi đến với Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam.
Được biết, Ban Quản lý Khu các làng dân tộc thuộc Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam đã chủ động, tích cực phối hợp với Cục Di sản văn hóa; Nhà hát Tuồng Việt Nam; Trung tâm xúc tiến Du lịch tỉnh Bắc Ninh; Câu lạc bộ Ca trù Thăng Long; Sở VHTTDL tỉnh Nghệ An, đoàn nghệ nhân Ví, Giặm tỉnh Nghệ An; Nghệ nhân làng gốm Phù Lãng (Bắc Ninh); làng gốm Bát Tràng (Hà Nội) và các nhóm nghệ nhân đồng bào dân tộc đang hoạt động hàng ngày tại “Làng”. Đến nay công tác tổ chức đã được hoàn tất.
(Theo Làng Việt)