Hành trình đến Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia

16/03/2017 14:44

Theo dõi trên

Như thành thông lệ, cứ vào ngày “Tiên giáng” mùng 7 tháng Giêng hàng năm, không chỉ người dân trong xã, trong huyện mà cả du khách thập phương cũng đều đổ về trảy hội đền Mẫu Âu Cơ - xã Hiền Lương, huyện Hạ Hòa. Bắt nguồn từ truyền thuyết kể lại nguồn cội tổ tiên “Tiên - Rồng” của người Việt cùng với truyện Lạc Long Quân và Âu Cơ đẻ ra một bọc trăm trứng, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ ra đời trong tâm thức thần bí để tạo nên mối liên hệ, tình đoàn kết bền chặt, khăng khít của người Việt, vì vừa chung huyết thống, vừa chung một vị thần chủ để tôn thờ, mà hơn nữa vị thần chủ đó lại chính là người Mẹ.



Tế nữ quan tại lễ hội Đền Mẫu Âu Cơ. Ảnh: Phương Thanh

Từ tín ngưỡng này, người dân Hạ Hòa đã lập đền tôn thờ Mẫu Âu Cơ như một vị thánh thần, thủy tổ của người Việt để tỏ sự ngưỡng mộ, ghi lòng tạc dạ công lao của Mẫu Âu Cơ và là cách tốt nhất để lưu truyền cho muôn đời con cháu về sau.  Trải qua hơn 5 thế kỷ tồn tại, ngôi đền 3 lần được các triều đại Nhà nước Việt Nam công nhận là đền quốc tế, tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ luôn được duy trì và ngày càng phát huy giá trị từ một di sản văn hóa đặc trưng với đầy đủ các biểu tượng, huyền thoại, ký ức, giá trị, nghi lễ, truyền thống để trở thành một di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ đã hình thành và phát triển mạnh từ rất lâu trước khi chính thức được vinh danh vào thời Hậu Lê. Các triều đại phong kiến đều rất chú trọng và khuyến khích người dân duy trì Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ và liên tục sắc phong cho đền thờ Mẫu Âu Cơ, miễn thuế và cấp ruộng đất tại khu vực xung quanh đền để người dân canh tác, thu hoa lợi và coi sóc đền thờ. Tuy trải qua một thời kỳ gián đoạn từ 9 năm kháng chiến chống Pháp đến đầu những năm 90 của thế kỷ XX, nhưng từ khi được phục hồi đến nay, việc thực hành tín ngưỡng được tổ chức quy mô hơn và dần trở thành lễ hội lớn của nhân dân địa phương. Có được sức sống đó là do, trong tâm thức nhân dân Hiền Lương việc thực hành đầy đủ Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ luôn là một nhu cầu tự thân, xuất phát từ sự trao truyền giữa các thế hệ về giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng. Thực tế, Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ đã được lưu truyền qua nhiều thế hệ nhân dân Hiền Lương. Các tri thức và kỹ năng liên quan đến thờ cúng Mẫu Âu Cơ được lưu hành, trao truyền, hướng dẫn thực hành bằng hình thức truyền khẩu và cầm tay chỉ việc, thế hệ trước trao truyền cho thế hệ sau trong gia đình và trong làng xóm. Hàng năm, xã Hiền Lương tổ chức tập luyện các nghi thức tế lễ cho Đội tế nữ và những người có liên quan trong vòng trên dưới một tháng. Cách đọc văn tế được chủ tế của những năm trước dạy cho chủ tế năm sau. Thế hệ trẻ và những người cao tuổi ngày càng quan tâm đến việc dạy và học những nghi thức tế lễ liên quan tới Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền.

Có sức sống trường tồn, nhưng cũng cần phải khẳng định để Tín ngưỡng Thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ hòa có được sự lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng là nhờ vào sự quan tâm đặc biệt của các ngành, các cấp cùng các đoàn thể. Từ năm 2001, UBND tỉnh đã quyết định đầu tư 12 tỷ đồng cho dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ. Năm 2006, UBND tỉnh đã ra quyết định thành lập Ban quản lý Khu di tích Đền Mẫu Âu Cơ trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện Hạ Hòa - đơn vị trực tiếp quản lý và tổ chức các hoạt động tại di tích, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa toàn bộ các hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị khu di tích, trong đó có việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ, đi vào nền nếp, chất lượng và hiệu quả. Cùng với sự quan tâm của UBND tỉnh và UBND huyện Hạ Hòa, Ban quản lý khu di tích cùng chính quyền địa phương đã tích cực huy động các nguồn lực khác, với sự đóng góp của nhiều tổ chức, cá nhân, để tiến hành tu bổ, tôn tạo khu di tích và tăng cường cơ sở vật chất cho việc thực hành tín ngưỡng. Mặt khác, công tác tuyên truyền, quảng bá giá trị của khu di tích đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa đã được triển khai khá tích cực và hiệu quả trong những năm qua. Cùng với việc biên soạn, xuất bản (và tái bản) tập sách Khu di tích lịch sử đền Tổ Mẫu Âu Cơ, Ban quản lý khu di tích còn thường xuyên phối hợp triển khai việc tuyên truyền, quảng bá giá trị của di tích và tín ngưỡng trên các báo, tạp chí, các đài phát thanh, truyền hình ở trung ương, địa phương. Bên cạnh đó, Ban quản lý khu di tích còn thường xuyên phối hợp với các trường học trên địa bàn huyện tổ chức đưa nội dung giáo dục về truyền thống lịch sử văn hóa của địa phương, trong đó có nội dung giáo dục về di tích đền Mẫu Âu Cơ và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ vào giáo dục học đường,... Những hoạt động đó đã thực sự góp phần quảng bá ngày càng rộng rãi giá trị của khu di tích và tín ngưỡng này trong nhân dân địa phương cùng công chúng cả nước.

Ngoài ra hàng năm, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và lãnh đạo Huyện ủy, UBND cùng các cơ quan chức năng của huyện Hạ Hòa đều có chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra sát sao công tác quản lý, tổ chức thực hành tín ngưỡng. Nhờ đó, việc thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa ngày càng được tổ chức nền nếp hơn, đảm bảo giữ gìn và phát huy tốt nhất những giá trị tốt đẹp của tín ngưỡng. Những năm gần đây, các hoạt động thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa có được sự chỉ đạo trực tiếp của UBND huyện Hạ Hòa và sự hướng dẫn, hỗ trợ của các cơ quan chức năng thuộc huyện, trực tiếp là Ban quản lý Khu di tích đền Mẫu Âu Cơ. Trong quá trình này, do không gian văn hóa gắn với tín ngưỡng có ít nhiều thay đổi (Khu đình thờ Đức Thánh Cả bị phá trong 9 năm kháng chiến chống Pháp) và do một số nhận thức, biện pháp liên quan đến việc thực hành tín ngưỡng, có những điểm còn hạn chế, nên trong các hoạt động thực hành tín ngưỡng, việc tổ chức lễ hội đã có một số biến đổi. Nhận thức được điều này, với quyết tâm phục hồi và duy trì tín ngưỡng theo nét đẹp truyền thống, cùng với việc Nhà nước quan tâm đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu đền Mẫu, Ban quản lý Khu di tích đền Mẫu cùng chính quyền và nhân dân địa phương đã chủ động, tích cực huy động các nguồn lực để khôi phục thành công khu đình thờ Đức Thánh Cả, đồng thời tổ chức nghiên cứu, xây dựng kế hoạch, tích cực chuẩn bị, để bắt đầu từ năm 2017, lễ hội sẽ được tổ chức với những nội dung, diễn trình và giá trị truyền thống.

Sự ra đời và tồn tại lâu đời của Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa được xem như một trong những đỉnh cao của ý thức tự tôn về nguồn cội dân tộc và đạo lý uống nước nhớ nguồn của  các thế hệ người Việt Nam, mà cộng đồng nhân dân Hiền Lương cùng với nhân dân các vùng miền trên cả nước đã sáng tạo, gìn giữ, vun đắp trong trường kỳ lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc. Việc Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia đã chứng tỏ những giá trị tinh thần được truyền đời qua các sinh hoạt tín ngưỡng chắc chắn mãi còn tỏa rạng trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam, hôm nay và mai sau. Và Tín ngưỡng thờ Mẫu Âu Cơ tại đền Mẫu Âu Cơ ở Hiền Lương, Hạ Hòa là một bổ sung quan trọng vào hệ thống tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương trên vùng Đất Tổ, góp phần làm phong phú và sâu sắc thêm những hình thức tưởng nhớ, tri ân công đức tổ tiên của nhân dân ta.


Kim Thư

Nguồn: Báo Phú Thọ
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình đến Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.