Hành trình bà Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt thân mẫu Hoàng Thị Loan về Nam Đàn (Kỳ cuối)

20/05/2023 17:32

Theo dõi trên

Người mẹ ấy đã đi xa, nhưng trong tâm khảm của mỗi người con đất Việt, bà Hoàng Thị Loan - thân mẫu Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi là người mẹ Việt Nam tiêu biểu cho tấm lòng nhân hậu, đức hi sinh cao cả, đẹp người, đẹp nết và đẹp trí tuệ.

z4351218053321-ef5f810a727e95216258e84fa52b090e1-1684423794.jpg
Mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh. Ảnh: Nguyễn Diệu

Mộ phần trên núi Động Tranh

Sáng tháng 5, cũng phải chừng 20 năm rồi tôi mới quay trở lại nơi này. Tôi lặng người trước phần mộ bà Hoàng Thị Loan trên núi Động Tranh (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn). 

Nắng trải nhẹ trên con đường còn thoảng mùi nhựa đường, tiếng ve râm ran cả một góc di tích, như thúc giục... vẳng lại những thanh âm: “Người mẹ ấy sinh con trong trời đêm/ Giữa bùn đen mà hoa sen thắm nở/ Chiếc võng gai che nghiêng khung cửi lụa/ Mẹ ru con trong tiếng thoi đưa...”

Từ chân núi Động Tranh đi theo lối lên là phần mộ bà Hoàng Thị Loan nằm ở bên trái, cùng phía này còn có mộ bà Hà Thị Hy (bà nội của Bác Hồ), Nguyễn Sinh Nhuận (Xin) - Em trai của Người. Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969), lối xuống bên phải phần mộ có 242 bậc (con số 42 là năm ông Khiêm đưa hài cốt mẹ về đây - 1942). Trước phần mộ xuống sân bia có 33 bậc, ứng với con số 33 là tuổi đời của bà. Phía trên mộ là giàn hoa cách điệu hình khung cửi. Hai cụm cây hoa giấy che mát phần mộ bà được lấy giống từ Huế - nơi bà mất và khu lăng mộ của ông Nguyễn Sinh Sắc ở Đồng Tháp. Khe trước phần mộ trồng nhiều cây quí từ nhiều miền đất nước.

z4351218002560-2fc6a7d13a48eb201ce3c0ab96df589f-1684423880.jpg
Phần mộ bà Hoàng Thị Loan có 269 bậc (con số 69 là năm Bác Hồ mất - 1969)... 

Phần mộ được giữ nguyên theo hình mẫu ban đầu, được thiết kế như một bông sen cách điệu khổng. Có phần đế sen, đài sen và tâm sen. Phần đế sen được làm bằng đá kim sa của Ấn Độ, đài sen được làm bằng đá trắng của Quỳ Hợp, Nghệ An. Tâm sen còn gọi là nhụy được chạm bông lộng hình chữ “Thọ”, theo quan niệm của dân gian là giao thoa âm dương đất trời.

Ngoài ra, bên ngoài phần mộ còn được ốp bằng đá hoa cương, đá cẩm thạch liền khối. Trên mộ được xây dựng theo hình khung cửi cách điệu, gợi nhớ cuộc đời canh cửi vất vả để nuôi chồng, nuôi con thuở sinh thời. Giữa bức phù điêu là hình ảnh đầm sen làm bằng đá trắng nguyên khối của Yên Bái.

Bà Hoàng Thị Loan đã trở về với cõi vĩnh hằng nhưng trái tim của bà vẫn mãi nồng ấm những thương yêu, chở che. Bà đã kịp gửi gắm cả những ước mơ cuộc đời của mình trong sự nghiệp của chồng, tương lai của các con.

image-dki1624297210-1684424086.jpg
Mộ bà Hà Thị Hy (Bà nội Chủ tịch Hồ Chí Minh)

Bằng vốn hiểu biết văn hóa dân gian phong phú, cùng những câu hò, điệu ví, và qua những lời ru ngọt ngào... bà đã truyền tới các con tình yêu quê hương đất nước, lòng nhân ái bao la. Chính trái tim nhân hậu, sự cần cù, chịu thương chịu khó, đức hi sinh cao cả ở bà đã có tầm ảnh hưởng lớn đến đạo đức, phong cách của Nguyễn Tất Thành, Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh. 

Kỷ niệm 133 năm ngày sinh của Người (19/5/1890 - 19/5/2023), ai trong chúng ta đều có chung một suy nghĩ giống như cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã viết khi về thăm viếng mộ Bà: "Tôi xin bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Cụ - người đã có công sinh thành và nuôi dưỡng Chủ tịch Hồ Chí Minh, người đã mang lại vinh quang cho đất nước Việt Nam, người mà mọi người Việt Nam từ thế hệ này đến thế hệ khác sẽ mãi mãi ghi ơn!". 

z4356975620971-e9aca7fa97375f6ccf6777c130513049-1684424298.jpg
Từ mộ bà Hoàng Thị Loan nhìn xuống. Ảnh: Nguyễn Diệu

Bà Hoàng Thị Loan sinh năm 1868 tại làng Hoàng Trù, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An trong một gia đình có truyền thống Nho học. Cả hai gia đình nội, ngoại của bà đều giàu lòng thương người, trọng nghĩa khí, có cách nhìn tân tiến trong cuộc sống, vượt ra ngoài sự ràng buộc của lễ giáo phong kiến đương thời. Chính bởi thế mà ngay từ khi sinh ra đến suốt cuộc đời, bà Loan vẫn khiến người đời ngưỡng mộ bởi tài, đức vẹn toàn.

Lớn lên trong sự bao bọc và giáo dục của một gia đình tiến bộ, lại sống tại vùng quê giàu truyền thống văn hóa, bà Loan tiếp thu các loại hình sinh hoạt văn hóa dân gian rất nhanh, không chỉ thuộc nhiều điệu hò câu ví mà sự am hiểu của bà về các loại hình này cũng không ai bì kịp. Nổi tiếng với dung nhan xinh đẹp, duyên dáng, tình tình luôn nhã nhặn, nết na và cởi mở hết với tất cả mọi người, bà Loan còn được biết đến là một thiếu nữ chăm chỉ việc đồng áng và là một trong ít những thợ dệt lụa có tiếng trong vùng ngày đó.

Vượt lên những quan niệm cổ hủ của xã hội lúc bấy giờ, bà Hoàng Thị Loan đem lòng yêu thương và kết hôn với ông Nguyễn Sinh Sắc - một người mồ côi cả cha lẫn mẹ được cụ tú Hoàng Xuân Đường (thân sinh bà Loan) xin về nuôi từ bé. Nhận thấy tư chất thông minh, chịu thương chịu khó của ông Nguyễn Sinh Sắc, cụ Hoàng Xuân Đường đã tác hợp cho ông bà nên duyên. Từ đó, ông Nguyễn Sinh Sắc được học tập trong tình yêu và sự giúp đỡ hết lòng của người vợ trẻ. Tình yêu, sự đảm đang, tháo vát và sự hy sinh thầm lặng cho gia đình của bà Hoàng Thị Loan là nguồn động viên lớn lao, cơ sở vững chắc trên con đường cử nghiệp của ông.

Nguyễn Diệu
Bạn đang đọc bài viết "Hành trình bà Nguyễn Thị Thanh đưa hài cốt thân mẫu Hoàng Thị Loan về Nam Đàn (Kỳ cuối)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.