Nghệ nhân Quách Văn Thư sinh năm 1939, từ nhỏ tiếng cồng chiêng trong những dịp lễ, tết lại ngân lên khiến cậu bé xứ Mường Cẩm Thủy lại bỏ việc băm rau, thái chuối rủ chúng bạn đến xem hội. Mỗi ngày trôi qua, sự tinh túy của tiếng cồng chiêng cùng với nội dung giàu tính nhân văn, cao đẹp của tiếng hát Séc Bùa đã ngấm vào “da thịt” và đến nay trở thành “duyên nợ” trong suốt cuộc đời ông.
Nói chuyện với chúng tôi, nghệ nhân Quách Văn Thư bộc bạch: Sau mỗi lần xem biểu diễn về, mỗi lúc rảnh rỗi, tôi thường tìm lấy cành cây, gõ vào những đồ vật bằng kim loại khiến cho chúng phát ra âm thanh nghe vui tai, rồi đứng lên nhảy múa như đang được đứng trong đội hình biểu diễn. Nhận thấy niềm đam mê mãnh liệt của con trai với cồng chiêng, cha ông đã xin cho con tập luyện trong đội cồng chiêng của làng. Chỉ mới 15, 16 tuổi, ông đã thuộc và đánh thành thạo khá nhiều bài và được biểu diễn trong những dịp làng có hội.
Kiến thức mà ông tích lũy được qua thời gian về chiêng Mường không hề nhỏ. Bên cạnh đó, bằng tài cảm thụ âm nhạc dân tộc vốn có, ông đã có nhiều cách pha, cách nhấn riêng tạo bản sắc đặc trưng của vùng đất Mường Cẩm Thủy. Ông chia sẻ với chúng tôi về giá trị văn hóa tinh thần của chiêng Mường: Cồng chiêng là nhạc cụ truyền thống đặc sắc gắn bó với người Mường từ khi lọt lòng mẹ đến khi qua đời. Một bộ cồng chiêng hoàn chỉnh có 12 chiếc, ngoài ý nghĩa âm nhạc, 12 chiếc chiêng còn biểu hiện cho 12 tháng trong năm... Theo quan niệm của người Mường, tiếng chiêng là tiếng của lòng người. Chiêng được dùng trong các phường séc bùa đi chúc tụng các gia đình vào dịp đầu năm mới, mừng nhà mới, lễ mừng cơm mới, xuống đồng sản xuất, bảo vệ bản Mường...
Nghệ nhân Quách Văn Thư bên “báu vật” của mình.
Ở Cẩm Ngọc và huyện Cẩm Thủy, tên ông Thư “cồng chiêng” không xa lạ với bất kỳ ai. Ông đã từng tham gia tập luyện cho nhiều chương trình trình tấu cồng chiêng có tầm quy mô lớn cả ở huyện và biểu diễn tại các ngày lễ trọng đại của huyện, của tỉnh. Đặc biệt, trong Hội diễn Văn hóa văn nghệ các dân tộc tỉnh Thanh Hóa tại Sầm Sơn năm 2006 ông đã đạt giải A. Với ông tham gia hội diễn không vì danh hiệu hay tiền bạc mà ông muốn tiếng cồng chiêng của xứ Mường Cẩm Thủy được “vang” xa hơn nữa.
Mong ước tiếng cồng chiêng “sống” mãi
Với NNƯT Quách Văn Thư, được sống và biểu diễn cồng chiêng trong các ngày lễ, tết là hạnh phúc lớn nhất. Vì vậy, ông luôn ý thức rất rõ việc nâng tầm giá trị văn hóa cồng chiêng được “sống” thực trong đời sống hiện đại. Vì thế, những năm gần đây mặc dù sức khỏe giảm sút nhưng ông vẫn hăng say truyền dạy lại cho các thế hệ con cháu biết cách sử dụng thành thạo loại nhạc cụ của dân tộc mình. Tính đến nay, ông đã tham gia truyền bá văn hóa cồng chiêng cho hơn 400 lượt người (bao gồm cả học sinh các trường học và nhân dân trong và ngoài địa bàn), trong đó có 30 người sử dụng thành thạo cồng chiêng.
Lật giở những bức ảnh kỉ niệm từ những lần tham gia biểu diễn khắp nơi, nghệ nhân chia sẻ: “Có những lần đi dài ngày, nhớ nhà, nhớ bà con thôn xóm lắm nhưng nghĩ đến vẫn còn nhiều người thưởng thức âm sắc tiếng chiêng của dân tộc mình nên tôi tự vượt qua nỗi nhớ ấy để biểu diễn hết mình với mong muốn tiếng chiêng sẽ khắc sâu trong tâm trí của người Thanh Hóa nói riêng và cả nước nói chung.
Tuy nhiên, trong khi nói chuyện với chúng tôi, trong ánh mắt của ông vẫn đượm buồn: “Nhiều năm qua, tôi đã đưa đội cồng chiêng của làng tham gia nhiều hoạt động văn hóa ở khắp các xã, các huyện trong tỉnh, kể cả ngoài tỉnh cũng có. Nhưng chính nơi mình sinh sống, thế hệ trẻ chẳng mặn mà với những giá trị truyền thống của ông cha, những hoạt động văn hóa, văn nghệ có vẻ như trầm xuống.
Tuy vậy, tôi vẫn sẽ quyết tâm giữ gìn “báu vật” của ông cha, dạy đánh chiêng cho những đứa trẻ đủ tuổi mong muốn chúng không quên văn hóa truyền thống” - NNƯT Quách Văn Thư quả quyết.
(Theo vanhoadoisong.vn)