Hành hương miền Bảy Núi

21/03/2016 17:15

Theo dõi trên

Không chỉ có thế mạnh thiên nhiên hữu tình, vùng Bảy Núi (An Giang) còn được biết đến là vùng đất tâm linh mỗi năm thu hút hàng triệu người đến chiêm bái. Các chuyến hành hương kéo dài suốt cả năm nhưng nhộn nhịp nhất vào khoảng tháng Giêng kéo dài tới tháng năm âm lịch.

An Giang là vùng đất có địa hình khác biệt trong các tỉnh, thành miền Tây Nam Bộ với hệ thống sông ngòi chằng chịt và là nơi khởi đầu của hai con sông lớn- sông Tiền và sông Hậu- cùng với hệ thống núi non tạo nên vùng bán sơn địa giữa đồng bằng trù phú. Du lịch ở đây đa dạng từ sông nước đến núi non nhưng nổi bật nhất vẫn là du lịch tâm linh. Hằng năm, vùng đất này có nhiều lễ hội ở các di tích, chùa chiền, thu hút đông đảo người dân từ mọi miền đất nước về đây chiêm bái.



Tượng Phật Di Lặc cao 33,6 mét- đạt kỷ lục cao nhất Đông Nam Á- ở Núi Cấm (An Giang).

Nhắc đến An Giang là nhắc đến Núi Sam (phường Núi Sam, thành phố Châu Đốc)- nơi có ngôi miếu Bà Chúa Xứ nổi tiếng linh thiêng cùng với hàng chục ngôi chùa xung quanh cất ven chân núi lên tới đỉnh. Để có được chuyến du ngoạn thú vị, du khách chỉ nên dừng chân lại Núi Sam để chiêm bái rồi đổ bộ vào vùng Bảy Núi thuộc hai huyện Tri Tôn và Tịnh Biên. Nổi bật nhất là Núi Cấm được xem là "nóc nhà" của miền Tây Nam bộ, cao hơn 700 mét so với mực nước biển. Ngọn núi này có người ở từ lâu. Khi xưa có rất nhiều mãnh thú, trong đó có cả hổ trắng hiếm có ở Đông Dương và nhiều người ẩn cư tu luyện trên núi. Từ đó, hình thành nhiều câu chuyện kỳ bí gắn với tâm linh của người Việt. Ngày nay, Núi Cấm trở thành điểm đến của đất An Giang. Ngoài đường đi bộ, xe gắn máy và ô tô lên núi, còn có hệ thống cáp treo đưa du khách từ chân lên đỉnh núi khoảng 15 phút. Những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng trên núi Cấm được xây cất lại hoành tráng và lộng lẫy hơn. Con suối trước đây được cải tạo thành hồ nước rộng mênh mông. Ở đây, người ta còn xây dựng tượng Phật Di Lặc tỏa nụ cười phúc hậu, cao 33,6 mét- đạt kỷ lục cao nhất Đông Nam Á. Trong lòng tượng là cả một tu viện rộng lớn. Quần thể những công trình kiến trúc tâm linh quanh hồ tạo nên một phong cảnh thơ mộng. Ở độ cao này, nhiệt độ cũng dễ chịu hơn. Buổi sáng sớm hoặc xế chiều, ở đây có mây luồn, phong cảnh càng thêm huyền ảo, khiến du khách cứ ngỡ đang lơ lửng trên chín tầng mây của chốn bồng lai tiên cảnh. Trên đỉnh núi còn có hệ thống hang động huyền bí. Có những đoàn cả trăm người đốt đuốc luồn hang như một cách tỏ lòng thành với thần linh năm non, bảy núi. Với người trẻ, luồn hang là một trải nghiệm thú vị để thử sức mình vượt qua những ngóc ngách hiểm trở của thiên nhiên.

Về vùng Bảy Núi, du khách còn tìm về vùng đất biên ải với lịch sử bi hùng. Ở một ngọn đồi của núi Phượng Hoàng có di tích cách mạng nằm giữa núi non hiểm trở. Nhờ địa hình này mà những chiến sĩ cách mạng đã có những chiến thắng vẻ vang, tô điểm cho những trang sử hồng miền Bảy Núi An Giang. Đó là đồi Tức Dụp nằm cách trung tâm thị trấn Tri Tôn khoảng 9km về hướng Tây. Hệ thống hang động ăn thông với nhau tạo thành một căn cứ địa vững chãi trước bom đạn của kẻ thù. Ngày nay, du khách tới đây phải luồn hang để đến với những cứ địa là căn cứ Tỉnh ủy và các cơ quan như Phụ nữ, Mặt trận, Thanh niên... ngay trong lòng núi. Đây là địa chỉ đỏ của du lịch về nguồn. Theo một hướng khác về phía biên giới cách trung tâm huyện chưa đầy 20km là chứng tích tội ác của Pôn Pốt. Người dân ở những ngôi làng sát biên giới bị thảm sát một cách dã man trong thời gian chiến tranh biên giới. Hài cốt được tập kết từ cánh đồng, trên núi và từ những ngôi nhà về thờ chung tại một tháp, người ta gọi là Nhà mồ Ba Chúc- chứng tích của tội ác diệt chủng Pôn Pốt.




Bơi xuồng trong rừng tràm Trà Sư (An Giang).

Ngoài ra, vùng Bảy Núi còn sở hữu một hệ sinh thái đa dạng với rừng tràm Trà Sư. Tràm được trồng thành rừng bao phủ trên diện tích khoảng 850 ha giữa đồng lúa mênh mông trù phú. Dưới tán rừng tràm, mặt nước mênh mông, là nơi sinh sản của cá. Tràm là nơi trú ngụ của những đàn chim, cò và cả loài dơi quạ khổng lồ. Mỗi chiều, chim bay rợp trời về đây trú ngụ sau một ngày kiếm ăn. Chạng vạng, đàn dơi lại túa đi bốn phương cho hành trình kiếm ăn trong đêm. Bơi xuồng dưới tán rừng xanh mát xem chim làm tổ, lướt đi trên những cánh bèo là dịch vụ ăn khách nhất của rừng tràm.

Từ miền Bảy Núi, di chuyển thêm khoảng 70-80km là đến Hà Tiên (Kiên Giang) thập cảnh. Từ đây, có thể đi tàu dạo chơi trên vùng biển Hà Tiên ngắm "Hạ Long của phương Nam" bằng tàu gỗ hoặc thêm khoảng hơn một giờ để đến với thiên đường biển đảo Phú Quốc; nếu làm thủ tục xuất cảnh sang Campuchia, du khách sẽ đến với thiên đường đảo Korong Salem, biển Sihanouk Ville chỉ trong vòng ba giờ di chuyển hoặc lên núi Tà Lơn huyền bí trên đường từ cửa khẩu Hà Tiên đến Sihanouk Ville.

(Theo Báo Cần Thơ)

THÀNH NGUYỄN
Bạn đang đọc bài viết "Hành hương miền Bảy Núi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.