Hai hiện vật văn hoá Óc Eo được công nhận bảo vật quốc gia

11/04/2019 13:40

Theo dõi trên

Cả hai bảo vật này đều được phát hiện tại khu vực Đá Nổi – Khu du lịch Lung Cột Cầu, nơi đây được xác định là trung tâm của khu di tích khảo cổ học.

Ngày 11/4, ông Trần Việt Phường, Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch Cần Thơ, cho biết Bảo tàng TP Cần Thơ vừa công bố Quyết định công nhận 2 Bảo vật Quốc gia là tượng Phật Nhơn Thành và bình gốm Nhơn Thành, hiện được lưu giữ tại Bảo tàng thành phố.
 


Bình gốm Nhơn Thành là di vật tiêu biểu, quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo. Ảnh: Trung Phạm

 
Như vậy, sau đợt công bố bảo vật quốc gia lần này, TP Cần Thơ đã có 3 bảo vật quốc gia được công nhận, gồm: bình gốm Nhơn Thành, tượng phật Nhơn Thành và bộ khuôn đúc Nhơn Thành thuộc dòng văn hóa Óc Eo, có niên đại từ thế kỷ I đến thế kỷ thứ VII, được công nhận vào năm 2017.

“Công bố Bảo vật Quốc gia không chỉ nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền trong nhân dân về giá trị của các di sản văn hóa mà còn mang giá trị đặc biệt về tư tưởng nhân văn, nghệ thuật thẩm mỹ tiêu biểu cho sự phát triển của một giai đoạn lịch sử”- ông Phường cho biết.

 

Tượng Phật Nhơn Thành được chế tác hoàn thiện với dáng sống động, bố cục cân đối, là minh chứng phản ánh diện mạo đời sống văn hóa, xã hội của cư dân Óc Eo. Ảnh: Trung Phạm

Cả hai bảo vật này đều được phát hiện tại khu vực Đá Nổi – Khu du lịch Lung Cột Cầu (thuộc xã Nhơn Nghĩa, huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), nơi đây được xác định là trung tâm của khu di tích khảo cổ học.

Tượng Phật Nhơn Thành (có niên đại thế kỷ IV – thế kỷ VI) được phát hiện vào năm 2016, ở độ sâu khoảng 0,6m so với mặt đất. Tượng được chế tác hoàn thiện với dáng sống động, bố cục cân đối, vững chắc trên khối bệ hai tầng.

Về bình gốm có vòi Nhơn Thành (có niên đại thế kỷ V) được phát hiện vào năm 1994, trong tình trạng nguyên vẹn và tiêu bản duy nhất, độc bản ở các khu vực khảo cổ vùng Đồng bằng sông Cửu Long.

Bình gốm này không chỉ là một di vật tiêu biểu quý hiếm của nền văn hóa Óc Eo mà còn là một sản phẩm vật chất quan trọng, minh chứng cho giai đoạn lịch sử phát triển rực rỡ.

Ông Nguyễn Văn Tời  –  người làm việc lâu năm tại Khu du lịch Lung Cột cầu cho biết: “Trong quá trình đào mương, lên liếp trồng cây khi xây dựng khu du lịch này, nhiều công nhân đã nhặt được một số mảnh sành sứ, ấm chén, tượng đá, mảnh vàng thuộc niên đại văn hóa Óc Eo. Trong đó, nổi bật là bình gốm và tượng Phật còn khá nguyên vẹn nên khu du lịch đã bàn giao lại Bảo tàng thành phố.  Đến những năm 1990, Viện Khảo cổ trung ương đã  cử đoàn khảo sát đến khu du lịch và một số nơi lân cận để tiến hành thăm dò, khai quật nhằm tìm hiểu thêm về nền văn minh cổ của cư dân Phù Nam từng tồn tại cách đây trên dưới 1.500 năm ở đồng bằng sông Cửu Long".

Ngay tại vị trí Khu du lịch Lung Cột Cầu được biết đến là trung tâm kinh tế sầm uất của nền văn hoá Phù Nam tồn tại cách nay hàng ngàn năm, trải qua nhiều biến cố lịch sử nên trung tâm này bị vùi lấp sâu dưới lòng đất.

Tâm Y - Trung Phạm
Theo giadinhvietnam.com

Bạn đang đọc bài viết "Hai hiện vật văn hoá Óc Eo được công nhận bảo vật quốc gia " tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.