Bia Thanh Hư Động. Ảnh: Internet
Hai hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia gồm: Bia Thanh Hư Động được lưu giữ tại Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám (Nghiêm Quang tự), xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.
Bia Thanh Hư Động được đặt ở sân chùa Côn Sơn với chiều cao 165cm, rộng 98cm, dày 17cm, được đặt trên con rùa đá. Mặt trước, trán bia khắc 4 chữ Thể triện lớn theo hai dòng: Long Khánh Ngự Thư, giữa bia đề 3 chữ lớn: Thanh Hư Động, xung quanh diềm bia trang trí hình rồng triện gẫy khúc. Mặt sau bia khắc bài ký "Côn Sơn Tư Phúc tự bi". Đây là một trong những tấm bia quý có niên đại lâu năm trong số những tấm bia được đặt tại chùa Côn Sơn.
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám (Nghiêm Quang tự) bằng gỗ hình lục giác màu cánh sen có 9 tầng, mỗi tầng có 18 vị Bồ Tát ngự và 54 tầng cánh sen nổi, khắc những họa tiết sinh động được lưu giữ tại chùa Giám, xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng. Tòa Cửu phẩm Liên Hoa nặng 4 tấn, có thể xoay vòng tròn nếu đẩy. Được coi là một tác phẩm điêu khắc nghệ thuật bằng gỗ độc đáo nhất trong kiến trúc Phật giáo Việt Nam.
Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám. Ảnh: Internet
Theo Luật Di sản văn hóa, các hiện vật muốn công nhận là bảo vật quốc gia phải đáp ứng yêu cầu: Là hiện vật nguyên bản, là tiêu bản duy nhất thuộc một hoặc nhiều tiêu chí về hình dáng, kích thước, chất liệu, hoa văn trang trí, kỹ thuật chế tác, phương thức sử dụng, nội dung; là hiện vật có hình thức độc đáo, đặc biệt, khác lạ so với những tiêu bản khác…. Sau khi nghiên cứu các tiêu chí và quy định đối với hiện vật được đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, đồng thời thực hiện theo Thông tư số 13/2010 của Bộ VHTTDL quy định trình tự, thủ tục đề nghị công nhận bảo vật quốc gia, UBND tỉnh Hải Dương đã có công văn gửi cho Bộ VHTTDL trình Thủ tướng Chính phủ công nhận bảo vật quốc gia cho 02 hiện vật gồm: Bia Thanh Hư Động được lưu giữ tại Ban quản lý di tích Côn Sơn - Kiếp Bạc; Tòa Cửu Phẩm Liên Hoa chùa Giám (Nghiêm Quang tự), xã Cẩm Sơn, huyện Cẩm Giàng.
Theo Di Sản Xanh