Hai sắc phong cổ quý hiếm nói trên do vua Khải Định năm thứ 2 (1917) và năm thứ 9 (1924) truy phong cho vị anh hùng dân tộc Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn.
Điều đặc biệt, cả hai đạo sắc phong cổ nói trên còn nguyên vẹn. Hai đạo sắc hình chữ nhật, có kích thước 121x50 cm, được làm bằng chất liệu giấy dó mịn, màu vàng đậm. Mặt trước gồm hai phần: riềm sắc phong rộng 4 cm, trang trí văn triện, màu sắc phong vẽ hình rồng ẩn trong mây, kết hợp họa tiết hoa văn hình sóng nước, thân rồng uốn lượn, đầu ngẩng chầu chữ thọ ở giữa sắc phong, đuôi cuộn trong hướng lên trên.
Bốn góc sắc phong là 4 ô hình học, mỗi ô vẽ 5 chữ thọ (kiểu chữ triện), ở giữa ô là hình chim phượng, xung quanh là hoa văn hình học. Mỗi sắc phong có 9 dòng chữ Hán ( kiểu chữ chân), dấu triện “sắc mệnh chi bảo” màu đỏ được đóng đè lên thời gian của niên hiệu. Mặt sau của đạo sắc phong cũng gồm hai phần: riềm in hoa văn kỷ hà và mặt thân vẽ đề tài tứ linh, phía trên mặt thân là hình rồng vờn mây, bên phải là chim phượng, bên trái là hình kỳ lân, phía dưới là hình rùa, phía dưới cùng là hoa văn hình sóng nước.
Theo nghiên cứu của cán bộ viện Bảo tàng Hà Tĩnh, nội dung một trong hai sắc phong tạm dịch nghĩa là: “Sắc thôn Vân Hải, tổng Cổ Đạm, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh, từ trước đã phụng thờ vị thần vốn được phong tặng Thượng đẳng thần trác vĩ dục bảo trung hưng Trần triều nguyên soái Hoàng đệ thân vương uy linh hùng lược Hưng Đạo Đại Vương, bảo vệ cho nước che chở cho dân, tỏ rõ linh ứng. Qua các kỳ lễ tiết đã được ban cấp sắc phong, chuẩn cho phụng thờ. Nay vừa dịp Trẫm mừng đại lễ tứ tuần, đã ban chiếu báu ơn sâu, lễ trọng thăng trật. Đặc biệt chuẩn cho phụng thờ như trước, để ghi nhớ ngày lễ lớn của đất nước mà làm rạng rỡ điển thờ. Hãy tuân theo! Ngày 25, tháng 7, năm Khải Định thứ 9 (1924). Đóng ấn: Sắc Mệnh Chi Bảo”.
Được biết, hiện nay chính quyền và nhân dân địa phương huyện Nghi Xuân đang phục hồi lại di tích này để nhằm tri ân công lao to lớn của vị anh hùng dân tộc đã từ lâu sống mãi trong tâm khảm của người dân đất Việt.
(Theo Dân Sinh)