Hà Tĩnh: Đền thờ Nguyễn Thiếp có nguy cơ biến thành phế tích

23/07/2015 15:03

Theo dõi trên

Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp thuộc xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh ngày càng bị xuống cấp nghiêm trọng và đang có nguy cơ biến thành phế tích...

 
 Đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp – Nguồn: baohatinh

La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp là một nhà tư tưởng, nhà thơ, học giả nổi tiếng, là vị quân sư tối cao của Hoàng đế Quang Trung. Năm 1994, đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp vinh dự được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia. Thế nhưng, trải qua thời gian hơn 20 năm, ngôi đền đã xuống cấp nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành phế tích với cỏ dại mọc um tùm, hàng rào phủ kín rêu xanh. Nền nhà và nền sân đều bị bong tróc, trơ lại lớp đất đá, tường nhà nứt nẻ, mái ngói dột nát. Ngay từ bên ngoài, hàng chữ khắc trên cổng đã bị phai mờ, mọi thứ trong ngôi đền đều cũ kỹ khiến đền thờ La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp giống như một ngôi nhà hoang.. khó ai có thể nhận ra đây là một di tích lịch sử cấp quốc gia.

Nguyễn Thiếp (1723-1804) vốn có tên húy là Minh, tự là Quang Thiếp, sau đổi là Thiếp. Ông còn có rất nhiều tên tự hay tên hiệu, riêng vua Quang Trung gọi ông là La Sơn phu tử, La Sơn tiên sinh. Ông là một trong những danh nhân nổi tiếng và cũng là người đã có công rất lớn trong việc hiến kế giúp vua Quang Trung đánh đuổi quân Thanh xâm lược. Sử sách cũng ghi nhận: Những sự cải cách rộng lớn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội trong triều đại nhà Tây Sơn, phần lớn đều do Nguyễn Thiếp hoạch định. Cảm kích trước tài năng, đức độ của Nguyễn Thiếp, sau này nhân dân đã lập đền thờ ông ở xã Kim Lộc, Can Lộc, Hà Tĩnh. Hàng năm, người dân địa phương và các vùng lân cận đều về đây để dâng hương tưởng nhớ tới danh sĩ.

Đền thờ Nguyễn Thiếp được xây bằng gạch, lợp ngói mũi, gồm hai vì cột, kèo kẻ và hệ thống xà dọc gác vào hai tường đốc tạo thành một nhà có 3 gian khiêm tốn. Ngoài ý nghĩa văn hoá lịch sử đền thờ La Sơn Phu tử Nguyễn Thiếp còn mang một giá trị kiến trúc nghệ thuật qua các hoạ tiết điêu khắc chạm trỗ với các đề tài quen thuộc “long, ly, quy, phượng”, không đồ sộ nhưng mềm mại uyển chuyển, bố cục bài trí của các mảng chạm khắc gỗ hợp lý hài hoà, mang đậm phong cách kiến trúc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Hiện vật gồm có: bát hương sành sứ, lư hương, long ngai thần chủ, mâm gỗ, sắc phong thần, chiếu chỉ, hộp đựng sắc được bài trí trong đền thờ mang dấu ấn của một giai đoạn lịch sử.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết "Hà Tĩnh: Đền thờ Nguyễn Thiếp có nguy cơ biến thành phế tích" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.