Hạ thấp thực lực người khác là đố kỵ

29/08/2021 21:17

Theo dõi trên

Xuất phát từ tư tưởng "Giàu thì ghét, nghèo đói thì khinh, thông minh thì đố kỵ"... đã dẫn tới căn bệnh hạ thấp thực lực của người khác. Đặc biệt, đối với người lãnh đạo, quản lý đã không chịu ghi nhận thành tích của nhân viên, lại còn tỏ ra đố kỵ và cố tình hạ thấp năng lực của họ là những biểu hiện của trù dập cán bộ.

nhan-vien-moi-1496644659420-1630246523.gif
Ảnh minh họa Internet

Hạnh vi đố kỵ thường xuyên xẩy ra trong cuộc sống hàng ngày. Ví như thấy người khác có sự nghiệp hanh thông, thuận buồm xuôi gió, họ nói người ta “đi cửa sau”. Người khác xinh đẹp, họ nói người ta là “bình hoa di động” không có tài cán gì. Thậm chí, thấy những phụ nữ xinh đẹp thăng tiến trong sự nghiệp, họ ác khẩu rằng đi lên bằng “vốn tự có”?. Người khác có thành tích học tập xuất chúng, họ chê là “mọt sách”...

Trong cơ quan, có những người đổi ghế là đổi mồm, cậy mình ngồi ghế cao hơn một chút là tự cho mình cái quyền làm “bố mẹ thiên hạ”, quay lại phán xét, chê bai cấp dưới một cách tùy tiện, vô căn cứ bởi sự đố kỵ... Những người này thường xuyên hạ thấp, coi thường thực lực của nhân viên. Khi họp hành, bình xét, đánh giá về nhân viên, họ không bao giờ đánh giá khách quan những năng lực và kết quả mà chỉ cố tình bới móc những hạn chế, yếu điểm. Mặc dù chín phần là tốt, một phần chưa tốt. Thành tích thì họ nhận hoặc đề cao vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của mình và lờ đi nỗ lực của nhân viên. Ngược lại, có sai sót thì chối tung, đẩy hết mọi nguyên nhân cho cấp dưới.

Làm lãnh đạo, quản lý mà không dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đã không nghĩ được, nhưng người khác nghĩ ra điều mới mẽ, có tính đột phá thì nghi ngờ, không dám cho triển khai. Nếu cho triển khai thì cũng rào trước, đón sau rằng nếu thất bại, gây thiệt hại cho tổ chức phải tự chịu lấy trách nhiệm. Nếu thành công thì trở thành Lý Thông cướp công cấp dưới. Trước mỗi quyết định của mình, họ thường tìm đường “thoát tội” cho mình rằng: “Kế hoạch này có thể thành công, nhưng cũng có thể chưa đạt được kết quả như kỳ vọng, song đây là một chiến lược lâu dài…”. Do vậy, khi quyết định đó sai lầm, thất bại, gây thiệt hại về kinh tế, uy tín cho tổ chức thì họ sẽ viện dẫn đủ mọi lý do khách quan để rủ bỏ trách nhiệm.

Làm lãnh đạo không biết giao việc, trao quyền và tạo động lực làm việc cho nhân viên mà chỉ soi mói xem nhân viên làm sai sót chỗ nào để xử lý, kỷ luật. Quản lý nhân viên chỉ chăm chăm nhìn vào cái đồng hồ xem họ có đi và về đúng giờ quy định hay không, thay vì khuyến khích sự sáng tạo, đam mê, tự nguyện cống hiến hết mình và nâng cao hiệu quả công việc.

Những lãnh đạo, quản lý này không thích nghe ai khen hoặc đánh giá cao về nhân viên của mình, nhất là nhân viên giỏi hơn mình. Họ chỉ muốn cả thế giới này thừa nhận họ là vô địch thiên hạ. Do đó họ cố tình nghĩ cách trù dập và làm lu mờ hình ảnh của người khác.

Do cố che đậy tâm lý tự ti, yếm thế nên những người lãnh đạo, quản lý này luôn thu nhận đệ tử và mở rộng vây cánh để tăng cường thế lực. Đối tượng chủ yếu là những kẻ năng lực yếu kém nhưng cùng có lắm mưu hèn, kế bẩn, sẵn sàng hạ sát những người giỏi, không cùng quan điểm. Hàng ngày, họ tỏ ra thân thiện với cấp dưới, đồng nghiệp như huynh đệ, tâm giao nhưng mỗi khi có xung đột về lợi ích thì họ dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ, nhất là trước mỗi kỳ đại hội, hội nghị, tổng kết... Lúc này họ dùng nhóm vây cánh đánh đòn gió, tung tin thất thiệt, vô căn cứ nhằm hạ thấp năng lực, uy tín và thành quả của người khác. Nếu chờ xác minh được thì hết vạ má cũng sưng. Kết quả người bị hại sẽ thấp phiếu, mất danh hiệu thi đua... mất cơ hội, mất động lực làm việc và cống hiến. Không những thế, họ còn cố tình cài bẫy hoặc chỉ đạo nhân viên làm sai để “nắm gáy”, tạo ra sự lệ thuộc, hoặc ra tay cứu giúp để ban ơn nhằm thu lợi cá nhân…

Làm lãnh đạo, quản lý mà luôn hạ thấp thực lực của nhân viên là một kiểu trù dập cán bộ. Việc hạ thấp nhân viên để đề cao chính mình cũng chính là đang phủ định chính mình. Lẽ sống ở đời có kính nể nhân viên mới là tôn trọng bản thân. Sống ở đời, ai cũng nên cố gắng để tỏa sáng, nhưng tuyệt đối đừng tỏa sáng trên cái nền là dập tắt người khác.

Nhận thức ra được cái mình "không biết", mới là điểm khởi đầu của "biết". Thế gian vạn vật, ai cũng có những sở trường, sở đoản riêng. Quang minh chính đại đối mặt với đối thủ, thắng, thắng cho sảng khoái; thua, cũng thua một cách tâm phục khẩu phục. Tâm lý tốt nhất để ứng xử trên đời là: đừng quá coi trọng bản thân và cũng đừng đánh giá thấp người khác. Mỗi người đều có ưu điểm và khuyết điểm riêng, nếu quá coi trọng bản thân mà cho mình cái quyền coi thướng người khác thì lãnh đạo sẽ tự chuốc lấy rắc rối cho chính mình. Người lãnh đạo có tâm càng rộng rãi thì mắt nhìn đâu cũng thấy điều tốt đẹp, còn ngược lại thì chính là đã thua người khác. Trong cuộc sống, việc quá coi trọng bản thân mà coi thường người khác là điều cấm kỵ nhất.

Để trở thành một lãnh đạo, quản lý có Tầm và có Tâm, luôn giữ thái độ bình tĩnh, điềm đạm và khen ngợi ưu điểm của cấp dưới và đồng nghiệp thay vì bới móc khuyết điểm để chà đạp nhân viên. Đó là cách đúng đắn để làm cho bản thân trở nên hoàn thiện hơn. Tặng nhân viên một tràng vỗ tay, là đang cho mình động lực để tiến bộ, bởi “thần thiêng cốt ở bộ hạ”.

TS. Đinh Văn Tới
Bạn đang đọc bài viết "Hạ thấp thực lực người khác là đố kỵ" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.