Bàn về Tâm và Tầm của người lãnh đạo, quản lý

27/08/2021 15:37

Theo dõi trên

Thế nào là “Tâm” và “Tầm” của người lãnh đạo, quản lý? Theo các nhà khoa học, Tâm là gốc rễ của mọi vấn đề. Nó là ngọn nguồn sức mạnh của "lực hấp dẫn". Và quan trọng hơn, Tâm còn giúp nhà lãnh đạo vững và sâu hơn khi đứng trước những khó khăn. Tâm sáng giống như ánh đèn điện trước những ngọn gió. Gió sẽ không thể thổi tắt được. Vì lẽ đó, dân gian mới có câu "Tâm phục". Tức phục từ Tâm là sự cảm phục cao nhất.

tam-tam-23534563-1630053373.gif
Ảnh minh họa Internet

Chữ Tầm là gốc của cụm từ “tầm nhìn”. Nhà lãnh đạo phải là người có tầm nhìn sâu rộng. Và khả năng này có thể nâng cao theo thời gian cùng với sự nỗ lực. Tầm chính là chiếc kim la bàn trong cuộc sống và công việc.

Một nhà lãnh đạo giỏi không phải là người giỏi hơn tất cả mọi thành viên về chuyên môn. Mà phải là người gương mẫu trong các lĩnh vực và biết sử dụng những người giỏi vào đúng vị trí để họ phát huy hết khả năng. Để thực hiện điều đó, hai chữ Tâm và Tầm đối với nhà lãnh đạo có một ý nghĩa hết sức đặc biệt. Nhất là đối với các nhà lãnh đạo trong bối cảnh xã hội nhiều biến động như hiện nay. Bởi vì, cái tâm và cái tầm là 2 yếu tố cần thiết của một nhà lãnh đạo, mà không phải ai cũng có thể làm được. Một nhà lãnh đạo giỏi thì cần phải đảm bảo được 3 yếu tố: khả năng tạo tầm nhìn, khả năng truyền cảm hứng và khả năng gây ảnh hưởng.

Phàm là con người ai cũng thích chức danh, địa vị, quyền lực. Nhưng câu hỏi đặt ra là bản thân có xứng tầm với vị trí đó hay không? Đừng nghĩ chỉ cần thay ghế là đổi mồm. Mồm mà nhanh hơn não, cạn hơn tâm là mối nguy hại cho tổ chức. 

Uy quyền của người lãnh đạo không phải ở chức vụ do bầu cử hoặc do cấp trên bổ nhiệm. Uy quyền nằm ở Kiến thức - Kỹ năng - Thái độ vốn có của chính người lãnh đạo. Trong quá trình công tác, người lãnh đạo, quản lý phải tận tâm, công tâm..., là tấm gương sáng để mọi người tin tưởng, noi theo, trung thành và cống hiến.

Có người vào thời điểm sắp được lên chức hoặc đang chạy chức thì rất biết lấy lòng cấp trên, đồng nghiệp và nhân viên. Mục đích là tranh thủ sự ủng hộ, tìm kiếm lá phiếu... Và với cơ chế bỏ phiếu như hiện nay, ở một số tổ chức, những người có tâm và có tầm thực sự nếu không có vây cánh thì khó lòng mà qua được các cửa ải tưởng là dân chủ nhưng lại không thực sực khách quan. Tuy nhiên, khi đạt được mục đích rồi thì một số người quay ngoắt 180 độ, thay lòng đổi dạ ngay. Cụ thể là tạo lập vây cánh, sát phạt những người không ủng hộ, theo phe mình, đối xử bất bình đẳng... Có người qua cầu rút ván, trở mặt với người đã từng dìu dắt, nâng đỡ khi người tiền nhiệm đã nghỉ hưu hoặc sắp về hưu... Lãnh đạo như vậy là không có tâm.

Có người cả quá trình làm việc không có sự đóng góp nổi trội cho tổ chức, thậm chí không có kiến thức, kỹ năng về lãnh đạo quản lý nhưng nhờ gặp thời được thăng tiến vùn vụt. Khi ở vị trí lãnh đạo quản lý, những người này thường tỏ ra và tận dụng hết quyền của chức mà mình được đề bạt. Để ý sẽ thấy sự điều hành không có khoa học mà chỉ là việc đọc vội - áp dụng nhanh hoặc điều hành theo cảm tính! Hậu quả là việc điều hành xa rời thực tế, không đem lại kết quả phát triển cho tổ chức. Ngược lại họ lại không tin tưởng vào năng lực của cấp dưới. Hoặc biết cấp dưới giỏi hơn mình thì tìm cách hạ thấp thực lực của họ, không thừa nhận năng lực của họ. Hoặc nghĩ cách cướp công của cấp dưới bằng việc kết quả tốt thì vơ lấy vào mình, sai sót thì thẳng tay trừng phạt, không cho cơ hội sửa chữa, khắc phục. Lãnh đạo như vậy là không có tầm.

Ngoài việc ham thể hiện quyền lực, một số cán bộ lãnh đạo quản lý còn tham thành tích cá nhân. Làm lãnh đạo, quản lý không đưa tổ chức phát triển, thậm chí là không hoàn thành nhiệm vụ thể hiện ở không bảo đảm được việc làm và thu nhập cho cán bộ công nhân viên... nhưng khi bình xét thi đua lại nhận hết mọi danh hiệu cao nhất về mình như chiến sĩ thi đua và bằng khen các cấp, các ngành. Lãnh đạo như vậy được xem là tồi bởi thiếu cả tâm và tầm.

Theo các nghiên cứu từ đại học Harvard và Stanford, một lãnh đạo tồi sẽ đem lại ảnh hưởng xấu đến sức khỏe không kém gì hút thuốc lá thụ động, đồng thời cũng trở thành nguyên nhân chính gây ra căng thẳng, áp lực nhiều nhất trong công việc.

Trong một khảo sát gần đây của Hiệp hội Tâm lý học Mỹ cho thấy, 60% nhân viên thích có một người lãnh đạo mới dễ chịu còn hơn là được tăng lương. Còn khảo sát năm 2017 của Công ty BambooHR thì phát hiện ra rằng 44% những người được khảo sát bỏ việc vì phải làm việc với một vị lãnh đạo tồi.

Như vậy, sự thành bại của một tổ chức phụ thuộc rất nhiều vào người lãnh đạo. Lãnh đạo càng có tâm và có tầm mới có thể khai phá càng nhiều năng lực tiềm tàng của nhân viên, đạt được những thành tựu xứng đáng cho tổ chức.  

TS. Đinh Văn Tới
Bạn đang đọc bài viết "Bàn về Tâm và Tầm của người lãnh đạo, quản lý" tại chuyên mục Diễn đàn. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.