Hà Nội, có một cây cầu và dòng sông

26/01/2023 14:41

Theo dõi trên

Hà Nội trong tôi không chỉ có Hồ Gươm lung linh như một lẵng hoa xinh tươi giữa lòng thủ đô; không chỉ có Hoàng thành cổ kính, uy nghi lưu dấu tích một thủa vàng son của các vương triều phong kiến; không chỉ có “mây trắng” bồng bềnh chốn núi Tổ linh thiêng; không chỉ có mái đình, mái chùa cổ kính với những đầu đao cong vút giữa thiên thanh dọc bên các triền đê hay bên những bờ đầm, bờ hồ mênh mông sóng nước … mà còn có một cây cầu bằng thép nhưng rất mềm mại từng được mệnh danh là “chứng nhân lịch sử” uốn lượn, uyển chuyển tựa như rồng bay ngang qua dòng sông đỏ nặng phù sa: cầu Long Biên.

tac-gia-tren-cau-long-bien-1674718801.JPG
Tác giả trên cầu Long Biên

Kể từ lúc bắt đầu khai móng, ngày 13 tháng 9 năm 1899, khi những viên đá đầu tiên chính thức được toàn quyền Paul Doumer đặt xuống tại mố cầu bên bờ tả ngạn sông Hồng đến nay cầu Long Biên đã có tuổi đời trên một trăm hai mươi năm. Nó vắt qua ba thế kỷ và là cây cầu già nua, cũ kỹ nhất ở Việt Nam còn tồn tại đến bây giờ. Nghe nói để làm cây cầu này người Pháp đã phải tính toán, chuẩn bị khá kỹ lưỡng và làm liền trong ba năm bảy tháng, hoàn thành sớm hơn dự kiến trên một năm. Ở thời điểm khi mới hoàn thành, đây là cây cầu lớn nhất Đông Dương và là cây cầu có chiều dài đứng vào hàng thứ hai trên thế giới, sau cầu Brooklyn bắc qua sông East- River ở Mỹ. 

Bây giờ trên dòng sông “sóng ngầu lên sắc đỏ” ấy đã có biết bao cây cầu vắt ngang dòng sông, to đẹp và hiện đại hơn rất nhiều, chỉ tính riêng ở thủ đô thôi cũng đã có các cây cầu: Thăng Long, Nhật Tân, Chương Dương, Thanh Trì, Vĩnh Tuy. Và rồi sau này nữa sẽ còn có rất nhiều những cây cầu hiện đại và hoành tráng khác được dựng lên để nối đôi bờ. Nhưng phải ở vào cái thời điểm mà Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương) có ý tưởng cùng quyết tâm làm và hoàn thành ý tưởng ấy ta mới thấy được sự vĩ đại của trí tuệ và sức lực của con người trong hoàn cảnh của một nước Việt Nam nửa thuộc địa nửa phong kiến. Đó là những năm cuối thế kỷ XIX, kỹ thuật làm các công trình bằng thép của người Pháp đã có những bước phát triển nhưng ở Việt Nam thì còn rất xa lạ. Bởi thế ý định làm cây cầu bằng sắt bắc qua con sông nổi tiếng với những trận lũ lụt thất thường theo kiểu “năm năm báo oán đời đời đánh ghen” thì đã không ít người cho là “điên rồ”. Người ta bảo, sông Hồng sâu hơn hai mươi mét, mùa lũ nước dâng cao thêm khoảng tám mét. Nó chẳng khác gì cái eo biển trong đất liền. Hơn thế lòng sông lại liên tục thay đổi do phù sa làm bên lở bên bồi nên đặt trụ giữa dòng sông khó như đi lên trời, khi sóng lớn rất khó chống đỡ. Vậy mà cái ý tưởng “điên rồ” ấy đã trở thành hiện thực vào ngày 28 tháng 2 năm 1902.

Có không ít người bảo rằng cây cầu này được thiết kế bởi một kỹ sư tài hoa người Pháp Gustave Eiffel “cha đẻ” của tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp. Ngay cả trong bài bút ký “Cầu Long Biên - chứng nhân lịch sử” được đưa vào trong sách giáo khoa Ngữ văn lớp 6 tác giả Thúy Lan cũng cho rằng Eiffel thiết kế cây cầu. Không hiểu, có phải do sự lắp ghép những thanh thép khổng lồ, hơn một nghìn tấn thành những giàn ngang, giàn dọc rồi giằng chéo, đóng đinh; lồi lên, võng xuống, nhấp nhấp nhô nhô vừa chắc chắn vừa nhịp nhàng, uyển chuyển; đạt tới sự hoàn hảo cả về mặt kỹ thuật cũng như về mặt mỹ thuật, tựa như môn nghệ thuật sắp đặt để tạo nên những cảm xúc tuyệt mỹ cho thị giác dưới mọi góc nhìn khiến người ta liên tưởng cây cầu giống như hình ảnh của một tháp Eiffel đặt ngang trên dòng sông Hồng mà cho rằng đây là tác phẩm sinh đôi của Gustave Eiffel chăng?

Không phải vậy, theo hồ sơ còn lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I, cây cầu Long Biên nổi tiếng này là do các kỹ sư của hãng Daydé & Pillé thiết kế. Và đây cũng là hãng đã trúng thầu và thi công cây cầu. Trong hồ sơ lưu trữ còn có nguyên cả chữ ký gốc của các kỹ sư thiết kế và chữ ký phê duyệt bản vẽ của Toàn quyền Paul Doumer. Nhưng để làm nên cây cầu có một không hai khi đó thì không chỉ có sắt thép và văn minh phương Tây mà còn có cả máu, nước mắt và sự cần cù, tài hoa của biết bao người thợ Việt Nam. Nghe kể, để làm nên cây cầu dài một ngàn tám trăm sáu mươi hai mét, mười chín nhịp dầm thép, đặt trên hai mươi trụ, mỗi trụ cao bốn mươi mét cùng đường dẫn xây bằng đá người ta đã phải sử dụng đến ba mươi nghìn mét khối đá, năm nghìn sáu trăm tấn thép cán, một trăm ba bảy tấn gang, một trăm sáu lăm tấn sắt, bảy tấn trì, hàng vạn tấn vôi, hàng nghìn khối gỗ lim. Và ngoài đội ngũ kỹ sư, chuyên gia người pháp trực tiếp chỉ huy hãng Daydé & Pillé còn phải thuê hơn ba nghìn thợ người Việt để cùng thi công. Thiết kế cây cầu gồm có đường tàu hỏa chạy ở giữa. Hai bên là đường dành cho xe cơ giới và đường đi bộ. Ban đầu, khi mới hoàn thành, cầu được mang tên Toàn quyền Đông Dương khi đó. Đến sau ngày giải phóng Thủ đô, cầu được Đốc lý Trần Văn Lai đổi tên thành cầu Long Biên. Tên gọi ấy tồn tại đến ngày nay.

Lược sử cây cầu như vậy để mọi người có thể hình dung về lai lịch của một cây cầu. Cây cầu ấy soi bóng nước sông Hồng, gắn bó với những thăng trầm của Thủ đô, từng mang trên mình không ít những thương tích bởi một thời đạn bom và giờ đây đã trở thành một trong những biểu tượng của thành phố thân yêu. Và cũng chẳng biết từ bao giờ cây cầu bắc qua dòng sông Mẹ ấy đã trở nên gắn bó máu thịt với biết bao người Hà Nội. Nó là nỗi nhớ của người đi xa; là điểm hẹn của những lứa đôi với biết bao ước vọng; là chốn nương thân cho bao mảnh đời cơ nhỡ … 

Hơn một trăm hai mươi năm đi qua, vắt qua cả ba thế kỷ, mục đích ban đầu của cây cầu có lẽ chỉ nhằm mục đích phục vụ khai thác thuộc địa của người Pháp là chính. Tuy nhiên, hẳn là, với sự tính toán cẩn trọng về mặt khoa học để dựng cầu trên một dòng sông tính tình vốn thất thường, với danh dự của một quốc gia tiêu biểu cho nên văn minh của phương Tây, cây cầu đã được hình thành, sừng sững, ngạo nghễ vắt ngang sông theo cùng năm tháng, thả hồn trên sóng nước Hồng Hà và đã trở thành một biểu tượng văn hóa của Hà Nội tựa như tháp Eiffel, biểu tượng của nước Pháp ở giữa thủ đô Paris hoa lệ, gắn liền với biết bao sự kiện của Hà Nội. Giờ đây, cụ cầu ấy không tránh khỏi sự lão hóa, những dấu vết của sự già nua ấy đang ngày càng hiện diện trên từng dầm thép bay bổng giữa ngang trời; bởi sự tàn phá của không phải chỉ bom đạn của thời chiến tranh mà còn cả sự hủy hoại của những khắc nghiệt do tiết trời miền nhiệt đới. Nhưng dù có thế nào đi nữa những nét phai tàn của năm tháng ấy vẫn không làm mất đi vẻ đẹp quyễn rũ hiện hữu của cây cầu. Trái lại, nó như đem đến cho cây cầu một diện mạo mới với những dáng nét cổ kính, trầm tư làm cho những khối thép khổng lồ không chỉ hiện hữu mà còn nhuận sắc trên từng dáng nét uốn lượn tựa như rồng bay trên dòng sông giữa đôi bờ xanh mướt ngô, khoai. Chẳng thế, trong cái nhìn của kẻ tình si với Hà Nội cây cầu ấy sao lại vừa lãng tử vừa hào hoa đến thế. Cái lãng tử hào hoa như thể được toát lên trên từng đường nét phiêu lãng, bay bổng của những vòm cong uốn lượn trên mỗi nhịp cầu và ẩn sâu trong sắc màu son nâu tựa như nét trầm tư đang nhuốm màu cổ tích trên những thanh thép giữa mây trời gió lộng của sóng nước Nhị Hà.  

Tôi biết và yêu Hà Nội từ những tháng năm sinh viên khi được ăn học ở trên đất trời thủ đô yêu dấu vào những năm đầu thập niên chín mươi của thế kỷ trước, trong đó có ký ức không thể nào quên về cây cầu Long Biên. Có lẽ không phải riêng tôi, với tất cả những ai đã từng một lần ngang qua, chỉ một lần thôi, hình ảnh cây cầu sừng sững với những thanh sắt khổng lồ được kết nối ngang, dọc, xiên chéo làm thành những vòm, nhịp uốn lượn, nhấp nhô như sóng trào, tựa như hình dáng của một con rồng cách điệu đang rướn mình từ bờ đê mạn phía đằng Gia Lâm (nay là Long Biên) sang bờ đê mạn phía đằng quận Hoàn Kiếm để kết nối nhịp sống đôi bờ tả hữu của dòng sông và âm thầm chuyên chở trên mình không chỉ hàng chục những chuyến tàu đi Hải Phòng, Lạng Sơn, Lào Cai, Thái Nguyên xình xịch suốt đêm ngày mà còn nhẫn nại gồng gánh biết bao loại phương tiện giao thông không ngừng không nghỉ từ sớm tinh mơ cho tới tận đêm khuya, từ ngày này sang ngày khác để góp phần làm tạo nên nhịp sống rộn ràng tựa như nhịp thở của Hà Nội phồn hoa. Nhớ lại những chiều cuối tuần, một mình chầm chậm với xe đạp ơi trên cầu để ngắm bờ bãi sông Hồng trong ráng hoàng hôn rực lửa, giữa gió sông lồng lộng mát rượi khiến lòng không khỏi mê mẩn. Đứng bên lan can cầu, nơi giữa dòng sông đỏ nặng phù sa, nhìn ngược theo hướng dòng chảy về mạn Bắc, hình ảnh sông nước huyền ảo xa xăm khiến cho ảo ảnh của sợi khói lam chiều vấn vít mái bếp cứ như thể đang hiện lên trước mắt khiến cho nỗi nhớ quê nhà lại trở nên da diết, cháy bỏng. Nhìn xuống dòng sông, đi trong ánh tà dương dòng đời vẫn không ngừng tấp nập trên những những con thuyền, con tàu, xà lan rộn ràng xuôi ngược; ẩn hiện giữa những bãi bồi khiến cho lòng người không khỏi một chút nhung nhớ bâng khuâng. Lạ thay cái ánh hoàng hôn của buổi chiều hôm đỏ rực như cầu lửa ấy khiến cho bầu trời và mặt nước dòng sông trên cây cầu bỗng trở lên tráng lệ; tựa như nàng thơ kiều diễm khiến cho biết bao ngã săn ảnh như thể bị phải lòng mặt với cây cầu, si mê như bị bỏ bùa yêu. Rồi khi màn đêm buông xuống, từ đầu cầu mạn Bắc nhìn về phía thành phố, Hà Nội hiện lên trong lung linh ánh đèn. Phố phường tựa như sao xa. Đẹp đến mê hồn. Cây cầu khi ấy lại là nơi hò hẹn của biết bao lứa đôi, nhịp cầu nối những bờ vui. Chẳng biết ai bảo nhưng có không ít đôi uyên ương thề non hẹn bể chưa đủ nên còn mang khóa lên cầu khóa lại vào lan can rồi gửi chìa khóa xuống lòng sông với một niềm tin son sắt không bao giờ phải cách xa nhau. Khóa ấy, thời đó gọi là khóa tình yêu. Không biết bây giờ những đôi uyên ương có còn đi khóa tình yêu nữa hay thôi?

Phải thừa nhận, cho đến bây giờ, đã có rất nhiều cây cầu bắc qua sông Hồng nhưng cầu Long Biên vẫn là cây cầu đẹp nhất, chưa có một thiết kế nào vượt qua được sự tài hoa của các kỹ sư hãng Daydé & Pillé. Cái cây cầu rầm chìa bằng thép khổng lồ ấy không chỉ là một sản phẩm của nền văn minh phương Tây (Pháp) mà còn là sự kết hợp hài hòa với đôi bàn tay cần cù, khéo léo của những người thợ Phương Đông (Việt Nam). Hơn một trăm hai mươi năm đã đi qua, mặc dù có cũ kỹ, rêu phong nhưng cây cầu lúc nào cũng toát lên cái nét hào hoa, lịch lãm, duyên dáng vừa cổ điển vừa hiện đại và ẩn chứa trong mình niềm tự hào, kiêu hãnh bởi những dấu ấn lịch sử, văn hóa của vùng đất kinh kỳ Thăng Long - Hà Nội đã từng được in bóng trên mỗi nhịp cầu. Dường như cây cầu đã trở thành máu thịt của Hà Nội. Nó là một địa chỉ văn hóa không thể thiếu trên bản đồ du lịch của thành phố ngàn năm văn hiến. Chẳng thế cây cầu không chỉ có người Hà Nội thường xuyên tìm đến để ngắm nhìn, thổn thức, check-in mà còn có cả rất nhiều người ngoài Hà Nội, du khách nước ngoài cũng tìm về trong một tâm trạng rất hào hứng sôi nổi để được tản bước thong dong trên mỗi nhịp cầu; để được thỏa sức hít thở hương vị trong lành của phù sa sông Hồng loang hương trong gió.  

Lâu lâu không qua là nhớ. Những khi có thời gian, bất kể mùa nào chúng tôi thường lên cầu để hóng gió sông Hồng, ngắm nhìn sóng nước và nhịp sống bình yên của đôi bờ phố thị. Thú thực, ngắm cầu Long Biên và dòng sông Nhị Hà bốn mùa, mùa nào cũng thích, cũng hút hồn người xem. Bắt đầu là mùa xuân. Ra ngoài Giêng, gió lạnh của mùa Đông chưa hết nhưng qua màn sương mỏng hơi ấm của mùa xuân và làn mưa bụi cũng đủ làm cho đất trời bật dậy những trồi non lộc biếc. Đứng trên cầu nhìn sang đôi bờ những bãi bồi của dòng sông bát ngát một màu xanh tươi non. Hình như mưa bụi mùa xuân không đủ sức làm cho nước dâng tràn ngập các bãi bồi. Dòng nước không đỏ đục như màu pha son hay đỏ hồng như màu hoa đào mà phớt hồng tựa như màu má người thiếu nữ. Mùa xuân con nước sông Hồng có vẻ uể oải, chậm rãi, thủng thẳng buông xuôi về miền hạ lưu chứ không xiết chảy, cuồn cuộn như những cơn lũ mùa hạ. Thấp thoáng trên mặt nước dăm ba đám bèo tây hay cành củi mục dập dềnh vô định. Nhìn thế nhưng đừng lầm tưởng là con sông hiền khô. Thực ra mùa này sông lầm lì, phía dưới cái bề mặt lững lỡ kia là xoáy ngầm, sóng cuộn. Cuối thế kỷ trước, vào những đêm mùa xuân, mỗi khi ngang qua cây cầu, nhìn xuống lòng sông, ta dễ dàng trông thấy những ngọn đèn dầu le lói hắt ra từ những khoang thuyền ngư phủ trong thanh âm rả rích không ngớt của tiếng côn trùng, giữa lấp lánh của muôn vàn trăng sao. Hà Nội ơi, khi đó sao yên ả và thanh bình đến thế?  

Chuyển sang mùa hạ, cầu Long Biên và dòng sông Mẹ đẹp nhất là lúc bình minh hoặc hoàng hôn. Mọi người hãy cứ thử đến ngắm nhìn một lần rồi sẽ hay. Vào một hôm sớm hạ, chậm chậm chạy lên cây cầu, hít thở thật sâu, lồng ngực tưởng chừng như được căng mở hết nấc để thâu góp tất cả cái bầu khí thoáng đãng, tươi mới đang được làn gió mát đưa lên từ mặt nước cuồn cuộn, ngầu đỏ phù sa, cứ thế mà mặc sức tận hưởng những dưỡng khí trong lành của một ngày mới. Khi ánh bình minh nhô lên mặt nước sông Hồng mênh mông như được dát vàng lóng lánh. Phía dưới lòng sông, bên những mép nước, thấp thoáng những mái chèo ngư phủ đang khẽ khàng khua nước, tung lưới khiến cho cái biển vàng lóng lánh thơ mộng như thể tan tóe theo những quầng sóng loang ra đến vô cùng. Rồi trong thoáng chốc, vươn mình ra khỏi những đám mây, mặt trời lên cao dần, những tia nắng ban mai cũng hiền như ngọn gió sông Hồng tỏa những tia sáng chùm lên cây cầu sắt khiến khung cảnh trở nên thơ mộng một cách diệu kỳ khiến cho bao tay máy không tiếc thời gian, công sức để rình rập, đợi chờ, săn đón.

Rồi khi thu sang, trong ánh hoàng hôn của ngày tàn, cây cầu thép huyền thoại ánh lên màu nâu duyên dáng gợi lên dáng nét cổ kính, đẹp đến mê hồn. Dọc theo đôi bờ sông Hồng, một màu xanh bát ngát của những ruộng rau, vườn chuối và vô vàn cây trái đang khẽ khàng xao động trong vi vu gió thoảng giữa muôn ngàn tia nắng vàng dịu, nhẹ nhàng, lấp loáng dần buông. Trên làn đường hai bên hành lang cầu, có không ít người kéo nhau lên ngắm cảnh và chụp ảnh. Có những hôm bầu trời đằng Tây rực lên khối tinh cầu loang đỏ, giới trẻ lại nô nức túng hứng trên “nhịp cầu mồ côi” - đoạn cầu phía đằng Đông, nhịp cầu còn lại sau chiến tranh do đế quốc Mỹ ném bom khi leo thang đánh phá miền Bắc để chụp ảnh và tạo thành những khung hình ảo diệu thật thú vị. Những buổi hoàng hôn như thế mặt nước sông Hồng cũng biến ảo diệu kỳ, đang từ màu vàng cam chuyển sang màu đỏ rực loang loáng mặt nước rồi lại từ từ tím sẫm để cho mặt trời lặn xuống ở nơi cuối trời xa. Từ trên cây cầu ta sẽ thấy những sắc màu ấy không đủ để chói chang mà yếu ớt hắt ngược lên những ngàn lau ở các bãi bồi khiến cho cảnh tà dương trên cây cầu trở nên quyến rũ đến nao lòng, làm cho người xem không khỏi ngẩn ngơ, mê mẩn, đắm đuối trong những khoảnh khắc thích thú, lâng lâng.     

Nhưng có lẽ ngắm cầu Long Biên trên sông Hồng đẹp nhất là mùa đông. Mùa đông mang theo cái lạnh từ phương Bắc tràn xuống, trong cái se sắt của tiết trời hanh hao nắng vàng, phóng mắt ra những bãi bồi dọc hai bên sông, ta sẽ mãn nhãn và thích thú, mê mẩn với những thảm lau đang thi nhau kheo sắc với những bông hoa bung nở trắng muốt tuyệt đẹp. Trước mắt ta bỗng hiện lên một bức tranh thủy mặc về sông nước hữu tình giữa những rừng hoa lau trong xôn xao nắng, xôn xao gió cùng những thuyền câu thấp thoáng giống như đang điểm xuyết, trang trí cho một bức tranh để gợi lên trong hồn người một khung cảnh vừa thơ mộng vừa trầm mặc, có cái gì tựa như rất tĩnh lặng, hoang sơ khác hẳn với những cuộc sống mưu sinh cách đó không xa trên đôi bờ với những tấp nập, ồn ào. Ngắm nhìn không gian sông nước cỏ cây mộc mạc ấy ta có cảm giác ngỡ như đang đắm chìm trong cảnh sắc của một Đương thi khiến cho bao ưu phiền âu lo tan biến và thay vào đó bằng những phút giây lâng lâng, rất đỗi nhẹ nhàng để ru hồn về với thế giới ban sơ của thiên nhiên trong lành vô tận.  

Thế đấy, trong tôi, Hà Nội có một cây cầu và dòng sông.     

Đào Thị Thu Hiền
Bạn đang đọc bài viết "Hà Nội, có một cây cầu và dòng sông" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.