Dấu tích của vương quốc Phù Nam xưa tại Gò Tháp được phát hiện đầu tiên bởi ông Silvestre, người Pháp, vào những năm 1869-1878. Những viên gạch đầu tiên của nền văn hóa Óc Eo sau đó được phát hiện bởi học giả Lunet de Lajonquière, trong đó có 8 văn khắc trên đá có niên đại từ thế kỷ thứ V. Nhận định Gò Tháp là trung tâm tôn giáo quan trọng từ thời xa xưa được khẳng định bởi nghiên cứu tiếp theo của ông H. Parmentier, J.Y Claeys, L.Malleret vào những năm 1930-1940. Trải qua chiến tranh, đến sau ngày 30-4-1975, Gò Tháp mới được tiếp tục nghiên cứu khai quật vào năm 1983, sưu tầm được 187 hiện vật. Cuộc khai quật lớn được tiến hành vào những năm 1984-1998, của Viện Khoa học Xã hội vùng Nam bộ chủ trì, đã cơ bản vẽ nên hình dạng của một trong những trung tâm vương quốc Phù Nam xưa tại nhiều địa điểm như Đìa Phật- Đìa Vàng, Khu Gò Mộ, Gò Bà Chúa Xứ, Gò Tháp Mười... Ở đó có nhiều đền thờ tôn giáo xây bằng gạch, các tượng Phật giáo, Hindu giáo cùng hơn 300 mảnh vàng đá quý, thủy tinh. Từ đó, các nhà khảo cổ học xác định đây là di tích thuộc nền văn hóa Óc Eo, nhiều khả năng là trung tâm tôn giáo lớn. Các cuộc khai quật tiếp theo trong các năm 2001-2003, 2009, 2010, 2013 dần khẳng định thêm các đặc điểm cư trú, giao thông, tín ngưỡng… của một vùng văn hóa tồn tại cách đây hàng ngàn năm.
Một trong các di chỉ được khai quật đầu tiên là Đền Thần Vishnu (thần duy trì vũ trụ) ở Gò Tháp Mười. Đền Thần tại Gò Tháp Mười có niên đại từ thế kỷ thứ V đến VII, được khai quật vào năm 1998, có chiều dài 17,3m - rộng 12m. Đến nay một nửa kiến trúc vẫn còn nằm trong lòng đất. Ngay cạnh đền, các nhà khảo cổ còn tìm thấy 2 tượng thần Vishnu. Trên đỉnh Gò Tháp Mười còn có ngôi Tháp Cổ Tự thời Vua Thiệu Trị (1841-1847) do lưu dân khai phá vùng Đồng Tháp Mười xây dựng để thờ Phật. Năm 1956, chính quyền Ngô Đình Diệm dời tòa tháp đi nơi khác để xây dựng Viễn vọng đài cao 26m, còn gọi là tháp mười tầng. Tháng 1-1960, quân ta đánh sập tòa tháp này, bởi đây là điểm quân Mỹ- Ngụy để quan sát, khống chế quân ta.
Đền thờ được khai quật ở Gò Tháp Mười.
Tại Gò Bà Chúa Xứ, được khai quật năm 1984 là Đền Thần Mặt Trời Surya. Những chứng tích tại Gò bà Chúa Xứ cho thấy đền mang những dấu hiệu đặc trưng của Đền thần Mặt Trời trong Ấn Độ giáo. Cũng nằm trong di chỉ này, các nhà khoa học đã tìm được tượng thần Surya bằng đá (được giữ tại Bảo tàng Lịch sử Hồ Chí Minh). Đền có kiến trúc khá đồ sộ, dài 20,9m - rộng 13,4m, thuộc kiến trúc có cạnh bẻ góc cân xứng giữa hai phần bắc- nam, bề mặt được xây thành những ô vuông bàn cờ. Nền móng đền xây dựng từ gạch màu đỏ, nâu hoặc vàng, được các nhà khoa học xác định thuộc các niên đại khác nhau từ thế kỷ IV đến XII, cho thấy đền trải qua ít nhất 3 lần trùng tu tôn tạo.
Tại Gò Minh Sư, có Đền Thần Shiva- vị thần tượng trưng cho sáng tạo- duy trì- hủy diệt, thường được thể hiện qua hình tượng Linga (năng lực nam) và bao quanh bởi Yoni (nguồn sống nữ). Tại đây các nhà khoa học đã tìm thấy những đặc trưng của Đền Shiva là máng dẫn nước thiêng (Somasutra), Yoni… Phía sau Đền Shiva còn có Đền nữ thần Uma (vợ của thần Shiva), Ao Thần (Stepped pond). Kiến trúc ở Gò Minh Sư khá lớn, có tường kè xung quanh, ở giữa được đổ đất và gạch vụn tạo nên một ngôi đền khá cao. Từ các hiện vật tại di chỉ, các nhà khảo cổ học xác định Gò Minh Sư có 3 giai đoạn phát triển từ thế kỷ VI đến XII.
Cho đến nay, các nhà khảo cổ học đã xác định khoảng 10 đền thần ở Gò Tháp. Từ những kiến trúc xây bằng gạch khá đơn giản, đến các đền xây bằng gạch vữa là đất sét trộn cát mịn, và các đền có tường cao bao quanh. Đồng thời, qua quá trình khai quật các nhà khảo cổ học cũng xác định bên cạnh là trung tâm tôn giáo, cư dân cổ ở Gò Tháp cũng có đời sống nông nghiệp phát triển với ngành trồng trọt và chăn nuôi, thịnh vượng với nghề làm gốm, chế tác đá, chế tác gỗ, chế tác kim loại; thể hiện qua những bức tượng các vị thần Ấn Giáo, các linh vật và trang sức đặc trưng, những cấu kiện kiến trúc. Nghề dệt ở đây cũng phát triển với nhiều doi se sợi được tìm thấy. Tất cả cho thấy Gò Tháp là một di chỉ khu vực văn hóa Óc Eo điển hình của vùng đồng bằng trũng thấp, có niên đại từ thế kỷ II trước công nguyên đến thế kỷ XII sau công nguyên.
Gò Tháp – đại bản doanh kháng chiến
"Chiều chiều mây giục gió vần / Cảm thương Thiên Hộ xả thân cứu đời"
Câu ca dao vùng Đồng Tháp Mười đến nay vẫn lưu truyền, khắc ghi một giai đoạn không quên tại Gò Tháp những năm 1862-1866, được hai vị anh hùng Thiên Hộ Võ Duy Dương và Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều chọn làm đại bản doanh kháng chiến chống Pháp. Ngày nay, Đền thờ hai cụ được xây dựng tại Gò Tháp, hằng năm đông đảo nhân dân đến tưởng nhớ vào lễ giỗ diễn ra ngày rằm tháng 11.
Cụ Thiên Hộ Dương sinh năm 1827, là con trai trong một gia đình nông dân ở Bình Định, hưởng ứng chính sách khai hoang của cụ Nguyễn Tri Phương, nên vượt biển cập đất Ba Giồng ven Đồng Tháp Mười. Năm 1859, khi Pháp tấn công Gia Định, ông cùng Thủ khoa Nguyễn Hữu Huân chiêu mộ nông dân đánh Pháp. Gia Định thất thủ, quân đội rút về Biên Hòa, ông ra Huế hiến kế đuổi giặc, nhưng lại được điều đi dẹp loạn ở Quảng Nam và được phong Chánh bát phẩm Thiên hộ vào năm 1860. Năm 1861 ông trở về Nam chiêu mộ nghĩa quân chống Pháp đóng ở Bình Cách, mở nhiều đợt tấn công địch, liên kết với quân của Trương Định ở Gò Công, Trần Xuân Hòa ở Thuộc Nhiêu cùng Đỗ Thúc Tịnh ở Mỹ Quý. Sau đó triều đình ký hiệp ước nhường 3 tỉnh miền Đông (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) cho Pháp vào năm 1862, nhân dân tôn Trương Định làm "Bình Tây đại nguyên soái" đứng đầu nghĩa quân chống Pháp ở Nam kỳ, Võ Duy Dương làm Chánh đề đốc. Pháp dùng mọi thủ đoạn tiêu diệt nghĩa quân, đến năm 1864 thì Trương Định hy sinh, Thiên Hộ Dương vẫn kiên trì duy trì nghĩa quân và rút về Đồng Tháp Mười chuẩn bị cho giai đoạn chiến đấu mới.
Cụ Đốc binh Nguyễn Tấn Kiều, vốn là người miền Trung vào Nam lập nghiệp ở Định Tường, sau khi Gia Định thất thủ năm 1859, tham gia nghĩa quân chống Pháp ở Gia Định, được cử chỉ huy một đội dân công. Năm 1861 đồn Kỳ Hòa mất, ông đem cánh quân của mình nhập vào quân của Thiên Hộ Dương (lúc đó đóng ở Bình Cách), làm phó tướng. Năm 1863, khi nghĩa quân tổn hại sau những đợt càn quét của Pháp, Đốc binh Kiều tham mưu cho Thiên Hộ Dương chọn Tháp Mười làm căn cứ. Năm 1964, nghĩa quân của Thiên Hộ Dương và Đốc binh Kiều đã xây dựng 3 đồn trên những con đường vào Đồng Tháp Mười, gồm Đồn Tiền, Đồn Tả, Đồn Hữu; đồng thời đặt doanh trại tại Đồn Trung (Gò Tháp). Đốc binh Kiều trực tiếp chỉ huy Đồn Tả, ngăn chặn địch từ hướng Cai Lậy- Cái Bè.
Địa thế đặc biệt của Đồng Tháp Mười, kết hợp cùng lối đánh du kích, đã giúp nghĩa quân đánh phá nhiều đồn bót của Pháp ở Cái bè, Cai Lậy, Mỹ Quý, Doi Me và thắng trận Mỹ Trà. Tháng 4-1866, Pháp bao vây Đồng Tháp Mười, Đốc binh Kiều hy sinh. Hài cốt của ông được an táng tại Đồn Trung. Đến nay mộ phần vẫn còn tại đây. Còn Thiên Hộ Dương cho quân rút theo hai hướng: biên giới phía Tây và Cái Bè. Sau đó quân của Thiên Hộ Dương về Cao Lãnh rồi liên kết với các nghĩa quân ở biên giới tiếp tục tấn công các đồn Pháp ở Tây Ninh. Tháng 10 ông gởi mật báo đến Vua Tự Đức và tháng 11 vượt biển về kinh nhưng đến cửa biển Cần Giờ bị cướp biển phục kích giết hại.
Gò Tháp và Đồng Tháp Mười một lần nữa là trung tâm của cuộc kháng chiến chống Pháp khi là nơi Xứ ủy và Ủy Ban kháng chiến Nam bộ đóng tại đây vào những năm 1945-1949. Được chọn là chiến khu vào năm 1945, đến năm 1946, Đồng Tháp Mười là căn cứ địa cho các tỉnh Mỹ Tho, Sa Đéc, Tân An, khu bộ khu 7 và 8. Chính quyền cách mạng ở Đồng Tháp Mười đã có từ quận đến làng xã; cơ quan Xứ ủy và Ủy ban Kháng chiến hành chánh Nam bộ đóng ở kinh Ba Tháp, xã Đốc Binh Kiều. Đồng thời, đóng ở đây có Sở Công an, Sở Quân y, Sở Thông tin, Sở Giáo dục, Đài phát thanh. Xung quanh có Trường quân chính khu 8, Ban Quân lương; Công binh xưởng và Trạm giao liên… Thời gian này, 8 xã từ kinh Nguyễn Văn Tiếp đến sông Vàm Cỏ Tây được lập thành Ban phòng thủ Đồng Tháp Mười.
Suốt những năm kháng chiến chống Pháp, Đồng Tháp Mười được xem là thủ đô kháng chiến ở miền Nam, với sự thành lập của lực lượng vũ trang, xây dựng cơ sở Đảng và phát triển đảng viên, làm công tác dân vận, đoàn kết dân tộc và tôn giáo. Từ chiến khu Đồng Tháp Mười, quân ta đã đánh thắng các trận Mộc Hóa năm 1948, Tầm Vu 1947, Cổ Cò 1947… Tháng 6-1949, sau nhiều lần mở trận càn vào Đồng Tháp Mười, Pháp huy động thủy- lục- không quân và cả xe bọc thép lội nước đánh vào trung tâm căn cứ. Sau trận càn, Xứ ủy nhận định tình hình và quyết định rút về căn cứ U Minh, hoàn tất vào cuối năm 1949.
Gò Tháp ngày nay được quy hoạch thành "Trung tâm văn hóa và du lịch" rộng 300 ha (từ năm 2005), được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt năm 2012. Đến nay khu di tích này đã được đầu tư gần 100 tỉ đồng cho hạ tầng giao thông, bến tàu- xe, đê bao chống lũ, hệ thống chống cháy, điện ngầm nước sạch và cả hệ thống cây xanh phủ mát Gò Tháp.
(Theo Báo Cần Thơ)