Gò Bồi và chuyện “ông đồ nho lấy cô hàng mắm"

26/02/2016 09:28

Theo dõi trên

Thi sĩ Xuân Diệu từng viết về quê mẹ cũng là nơi sinh của mình (vạn Gò Bồi, làng Tùng Giản, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước, Bình Định): “Cha đàng ngoài, mẹ ở đàng trong/ Ông đồ nho lấy cô hàng nước mắm”...

Sông Tân An, một chủ lưu phía Nam của sông Côn, chảy về ngã ba Âm Phù, một nhánh được đặt tên sông Gò Tháp ôm lấy thôn Bình Lâm, hợp lưu với sông Hà Bạc chảy từ Phước Hưng về, hợp thành sông Gò Bồi xuôi ra  biển.



Sông Gò Bồi tưng bừng trong ngày hội đua thuyền ngày xuân.

Từ đầu thế kỷ XVII, đô thị Nước Mặn mà trung tâm là chùa Bà ngày nay, ở thôn An Hoà - Phước Quang, hình thành rồi phồn thịnh. Đến đầu thế kỷ XIX, cửa Thử (Phù Cát) bị lấp, phù sa làm cạn sông Hà Bạc, ghe thuyền không lên được Nước Mặn. Đô thị Nước Mặn suy tàn nhưng nhu cầu trao đổi hàng hoá đến Tây Nguyên và các tỉnh miền Trung lúc bấy giờ đòi hỏi một bến cảng mới thay thế. Và thị tứ, vạn Gò Bồi ra đời từ đó.

Gò Bồi ngày ấy ruộng đồng trù phú, nguồn hải sản từ sông, biển dồi dào vì ở nơi cửa sông ra đầm Thị Nại. Tụ hội về đây có người dân bản địa đến đây khai phá ruộng đồng từ trước; người Minh Hương đến cùng nhiều tiệm buôn từ Nước Mặn; Gò Bồi còn có tiệm buôn của người Ấn Độ đến đây buôn bán. Đặc biệt, ghe thuyền từ Phan Thiết, Khánh Hoà, Phú Yên tấp nập về đây bán cá, mắm và Gò Bồi trở nên nổi tiếng với nghề nước mắm. Thế mới có câu: “Gò Bồi nước mắm thật ngon/ Ăn xong ba bữa còn thơm còn nồng”.



 
Tháp Bình Lâm đang được trùng tu.

Cùng với phố thị đông đúc, hàng quán bán buôn tấp nập người tứ phương, đời sống vất chất phồn thịnh nơi đây kéo dài đến tận đầu thế kỷ XX. “Đi đây đi đó không bằng cái xó Gò Bồi”, người dân bản địa tự hào mà nói vậy.

Quả thật, chợ Gò Bồi ngày ấy dài đến 300m, rộng khoảng 100m. Chợ họp hàng ngày và cứ 5 ngày có một phiên đông vào các ngày 2 - 7 - 12 - 17 - 22 - 27 của tháng âm lịch. Quy mô chợ lớn hơn chợ bây giờ rất nhiều, cho thấy đây là trung tâm thương mại với đủ loại hàng hoá từ các nơi đổ về mà đặc biệt nhất là nước mằm và cá tôm, hải sản vùng sông liền biển.




Những di vật cổ Champa ở tháp Bình Lâm.

Tết đến chợ còn họp đêm, được thắp sáng bằng hàng ngàn ngọn đèn dầu. Gò Bồi một thời còn có chợ Cua chuyên bán cua các loại; có chợ Nhỏ bán hải sản tôm, cua, cá, mực biển và cá sông đến từ các vùng lân cận Tân Giản, Huỳnh Giản, Kim Đông…



Nhà thờ Tân Bình cổ kính bên sông Gò Bồi.

Một cách thật tự nhiên, sự trù phú, đa dạng các loài hải sản, qua tâm hồn người, qua bàn tay chế biến của con người đã trở thành những món ngon, đậm chất văn hoá ẩm thực riêng của Gò Bồi. Những món ngon vùng sông nước nghe kể lại mà thèm: Mắm cơm, mắm thu, mắm ruột cá ngừ có từ xưa và giờ đây vẫn đằm thắm, mỗi loại có hương vị đậm đà riêng… Còn nữa, món nem cá thu, chả cuốn Gò Bồi, món cơm hến đã từng thấm hồn bao thế hệ, để mà “Lấy chồng xa em nhớ ba nhớ má /Nhớ chả Gò Bồi nhớ quá nên mãi về thăm”.

Theo Dân Việt

NGÔ HỒNG SƠN
Bạn đang đọc bài viết "Gò Bồi và chuyện “ông đồ nho lấy cô hàng mắm"" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.