Giữ lấy điệu hát bài chòi!

13/12/2016 14:05

Theo dõi trên

Nghệ thuật hô, hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây quả là điều đáng mừng với những người đam mê loại hình nghệ thuật này, tuy nhiên vẫn còn đó nhiều trăn trở.

Nếu miền Bắc có nghệ thuật chèo, miền Nam có cải lương thì nghệ thuật bài chòi là nét riêng độc đáo, một thời là  món ăn tinh thần của người dân ở nhiều tỉnh miền Trung. Nhà nghiên cứu Trần Hồng cho biết, một thời gian dài, nghệ thuật bài chòi rất thịnh hành ở các địa phương miền Trung như Quảng Nam- Đà Nẵng, Bình Định, Khánh Hòa, Phú Yên hay Quảng Ngãi. "Nghệ thuật bài chòi hình thành đầu tiên ở tỉnh Bình Định, sau phát triển rộng ra các tỉnh thành khác. Từ xa xưa, con người làm chòi canh giữ hoa màu khỏi bị thú rừng phá, để giải trí hằng đêm họ hát những câu hát dân ca cho nhau nghe. Sau này ông Đào Duy Từ mới sáng kiến, bày ra trò chơi bài chòi. Mỗi địa phương lại có một nét đặc trưng và hô hát bài chòi riêng", ông Trần Hồng nói.  Ngày trước, đến ngày Tết là người dân tổ chức chơi bài chòi ở sân đình hay bãi chợ. Ở đây người ta dựng lên 9 cái chòi, chòi trung ương được dựng ở giữa với kích cỡ lớn hơn, các chòi còn lại được dựng theo "bát quái đồ", với các tên gọi là Càn, Khảm, Cấn, Chấn, Tốn, Ly, Khôn, Đoài. Nhiều nơi khác thì dựng 11 chòi, theo hình "Thập can". "Trong bài chòi,  anh Hiệu là người chia bài và ứng biến những câu hát mỗi khi hô tên mỗi con bài. Điệu hô bài chòi ban đầu rất đơn giản nhưng dần dần dân gian sáng tạo, ứng tác  ra những giai điệu hay, hấp dẫn. Cùng một quân bài, nhưng mỗi địa phương lại có cách hô khác nhau. Ví dụ như hát về con Tứ cẳng, ở Bình Định thường hát là "Một hai bậu bảo rằng không/ Dấu chân ai đứng bờ sông hai người", thì ở Quảng Nam - Đà Nẵng lại hát: "Lấy chồng từ thuở mười lăm/ Chồng chê còn nhỏ không nằm với em/ Đến chừng mười tám đẹp xinh/ Em nằm dưới đất chồng rinh lên giường/ Một nói thương, hai nói thương, ba bốn cũng nói rằng thương/ Quớ anh ơi, thương chi hung rứa để bốn chưng giường gãy một còn ba". Bài chòi ở Đà Nẵng có những biến tấu độc đáo như thế", nhà nghiên cứu Trần Hồng chia sẻ.


Nghệ thuật bài chòi biểu diễn tại khu công viên phía Đông cầu Rồng thu hút đông đảo người dân tham gia.

Theo các nhà nghiên cứu, bài chòi tại Đà Nẵng gồm 4 làn điệu chính xuân nữ, cổ bản, xàng xê, hồ quảng. Ngoài ra, có nhiều khác biệt so với các tỉnh thành trong khu vực miền Trung như sử dụng phương ngữ rất thuần thục trong làn điệu, tính dân gian vẫn còn khá đậm nét. Không chỉ vậy, nếu như bài chòi ở Bình Định chỉ có mỗi anh Hiệu dẫn dắt hội bài chòi thì ở Quảng Nam - Đà Nẵng có cả anh Hiệu và bà Hiệu... Với những nét độc đáo như thế nên nghệ thuật bài chòi Đà Nẵng vẫn còn được lưu truyền và gìn giữ, dẫu không được như xưa. Ông Đỗ Hữu Quế - Chủ nhiệm CLB bài chòi Sông Yên (Hòa Vang) cho biết, các buổi biểu diễn của CLB đều được người dân đón nhận và chăm chú theo dõi. "Khi chúng tôi biểu diễn trong những ngày Tết thu hút rất đông người dân đến xem, ai cũng muốn chơi một hội bài chòi để xem vận hên, may đầu năm ra sao. Tôi rất vui khi biết bài chòi Đà Nẵng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hy vọng từ đây nghệ thuật bài chòi sẽ được nhiều người biết đến, nhất là trong giới trẻ", ông Quế tâm sự.


CLB bài chòi Sông Yên biểu diễn tại đình làng để phục vụ người dân ở Hòa Vang.

Theo thống kê, hiện ở Đà Nẵng có 30 nghệ nhân làm "anh Hiệu" trong các hội chơi bài Chòi. Năm 2016, có 5 nghệ nhân bài Chòi được Chủ tịch nước phong tặng nghệ nhân ưu tú gồm Hồ Thanh Châu, Phạm Hồng Thái, Lê Văn Dân, Đỗ Hữu Quế, Võ Thị Ninh. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố có 9 nhóm, CLB bài chòi, phần lớn trong số này được thành lập xuất phát từ sự đam mê nghệ thuật bài chòi, chứ không có sự hỗ trợ nào. Điều đó cho thấy, việc đầu tư, bảo tồn loại hình nghệ thuật này ở Đà Nẵng vẫn còn hạn chế. Ông Hồ Tấn Tuấn, Giám đốc Trung tâm Quản lý di sản thành phố cho biết, thực hiện kế hoạch của UBND thành phố về "Bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi trên địa bàn thành phố giai đoạn 2015 - 2020", trong năm 2016, Trung tâm đã lập hồ sơ và đã được Bộ VH-TT&DL công  nhận Nghệ thuật hô hát bài chòi dân gian ở Đà Nẵng là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Để bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật bài chòi, thời gian đến Trung tâm sẽ tổ chức vinh danh giá trị di sản văn hóa phi vật thể nghệ thuật hô, hát bài chòi; mở lớp tập huấn hô hát bài chòi cho cán bộ phường, xã... Nói về việc bảo tồn nghệ thuật bài chòi ở Đà Nẵng, nhà nghiên cứu Trần Hồng trăn trở: "Cần phải đưa nghệ thuật bài chòi vào học đường, truyền dạy những cái hay, độc đáo của loại hình nghệ thuật này lại cho các thế hệ tương lai, nếu không nó sẽ dần phai mờ. Thực tế, tôi đã dạy nhiều lớp bài chòi cho các cháu học sinh và được các cháu đón nhận rất tốt. Nếu có kế hoạch truyền dạy tốt, tôi tin rằng nghệ thuật bài chòi sẽ được lưu truyền". Cùng với Đà Nẵng, nghệ thuật bài chòi tại nhiều địa phương khác ở miền Trung cũng được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Và loại hình nghệ thuật độc đáo này đã được Bộ VH-TT&DL lập hồ sơ trình UNESCO xem xét, để công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Thế nên cần lắm những chương trình bảo tồn và lưu truyền để giữ lấy điệu hát bài chòi.

(Theo Công An TP. Đà Nẵng)

Hoàng Anh
Bạn đang đọc bài viết "Giữ lấy điệu hát bài chòi!" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.