Giữ gìn và bảo vệ tập quán, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương

16/02/2017 16:25

Theo dõi trên

Theo phân loại của Công ước 2003 về bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội. Đó là những hoạt động thường xuyên của một cộng đồng hay nhóm người cùng tham gia thực hành tạo nên cơ cấu cuộc sống hàng ngày của họ.



Ảnh minh họa

Các hoạt động này có ý nghĩa quan trọng vì chúng khẳng định bản sắc của cộng đồng hay nhóm người đó và xã hội liên quan. Các tập quán này gắn bó mật thiết với thế giới quan, nhân sinh quan, với lịch sử, ký ức của một cộng đồng và cũng thường được gắn với các sự kiện quan trọng.

Chủ thể của "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" là người Việt ở Phú Thọ. Bắt nguồn từ tập quán thờ cúng tổ tiên trong mỗi gia đình, cộng đồng cư dân Phú Thọ đã thờ cúng Hùng Vương - Ông Tổ huyền thoại, coi đó như là biểu tượng về nguồn gốc tổ tiên của họ. Họ sáng tạo truyền thuyết, thực hành các tập quán bày tỏ sự kính trọng, biết ơn và niềm tin vào biểu tượng đó. Họ đã duy trì các tập quán đó từ đời này sang đời khác cho đến nay và coi đó là một phần không thể thiếu của cuộc sống. Đây chính là cơ sở khoa học để xác định rằng đó là di sản văn hóa phi vật thể của họ. Theo kết quả kiểm kê của Viện Văn hóa Nghệ thuật, Bộ VHTTDL, cộng đồng này khá lớn bao gồm 122 làng thuộc các huyện: Cẩm Khê, Đoan Hùng, Hạ Hòa, Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Ba, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Yên Lập, thị xã Phú Thọ và thành phố Việt Trì.

"Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" không chỉ là một di sản đơn lẻ mà là biểu hiện của nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể liên quan đến đời sống của cộng đồng người dân ở Phú Thọ trong quá khứ và hiện tại. Có nghi lễ, có tập quán truyền khẩu, có nghệ thuật trình diễn, có tri thức về tự nhiên, xã hội và đặc biệt có lễ hội rất lớn nhân dịp giỗ Tổ. Để phục hồi, duy trì và bảo tồn bền vững di sản này trong cuộc sống hôm nay trước hết cần nhận dạng một cách đầy đủ các yếu tố của di sản một cách khoa học. Cần kiểm kê với sự tham gia của cộng đồng và kết quả của kiểm kê là kế hoạch và biện pháp bảo vệ do cộng đồng xây dựng với sự hiểu biết đầy đủ. Vừa qua, Bộ VHTTDL đã ban hành Thông tư kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể, lập hồ sơ khoa học để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây chính là cơ sở pháp lý để bảo vệ di sản "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương". Theo đó, một số không gian văn hóa liên quan đến thực hành tín ngưỡng thờ Hùng Vương sẽ được tôn tạo, một số thực hành đã từng có mà nay bị mai một sẽ được nghiên cứu để từng bước phục hồi. Quan trọng hơn cả là các tập quán, nghi lễ và lễ hội sẽ được thực hành thường xuyên hơn, với sự hiểu biết đầy đủ hơn.

Kết quả kiểm kê, tư liệu hóa Tín ngưỡng thờ Hùng Vương cần được phát huy thông qua các biện pháp đa dạng để các thông tin đó tiếp cận với cộng đồng để họ nhận thức được giá trị di sản của họ, giúp họ duy trì thực hành. Điều này đặc biệt có ý nghĩa cần thiết đối với thế hệ trẻ. Chương trình truyền hình, Internet và các phương tiện truyền thông khác là công cụ hữu hiệu để thực hiện bảo vệ di sản. Cần sáng tạo cách tiếp cận di sản theo cách nghĩ và cách làm của giới trẻ. Điều  quan trọng là sự trao truyền các tập quán xã hội, nghi lễ và lễ hội này phải được diễn ra một cách chủ động và có kết quả thực sự.

Vấn đề quan trọng nhất và khó khăn nhất hiện nay đó là làm thế nào để cộng đồng thực hành và bảo vệ di sản như tinh thần của Công ước UNESCO 2003 "cần phải nỗ lực để đảm bảo khả năng tham gia tối đa của các cộng đồng, nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân đã sáng tạo, duy trì và chuyển giao loại hình di sản này và cần phải tích cực lôi kéo họ tham gia vào công tác quản lý". Nhà nước và chính quyền địa phương cần nâng cao năng lực quản lý và bảo vệ di sản của cộng đồng, hỗ trợ để họ chủ động thực hành di sản, nhất là dịp giỗ Tổ. Việc hành chính hóa và Nhà nước hóa nghi lễ của cộng đồng sẽ làm thay đổi bản chất của di sản, bắt đầu từ nhận thức của người dân.

Với sự phát triển của Phú Thọ hiện nay, việc sử dụng nguồn tài nguyên di sản vào mục đích du lịch sẽ là thách thức mà chúng ta phải đối mặt. Bảo vệ các không gian tự nhiên và những địa điểm gắn với ký ức rất cần thiết cho việc thể hiện di sản văn hóa phi vật thể. Các không gian văn hóa liên quan đến “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” cần được giới thiệu một cách chuyên nghiệp và sâu sắc những nét đặc trưng của di sản văn hóa. Để đạt được điều đó, việc đào tạo một đội ngũ nhân viên chuyên nghiệp là rất quan trọng; từ những người tham gia vào các hoạt động nghiên cứu cho đến đội ngũ cán bộ, nhân viên phục vụ có kiến thức sâu rộng về văn hóa và du lịch, đặc biệt phải có kiến thức về việc bảo tồn di sản văn hóa, các quy tắc, chuẩn mực, mục tiêu và các yêu cầu trong việc thực hiện các công việc chuyên môn. Bên cạnh đó nên khuyến khích các cộng đồng tự quản lý di sản văn hóa của mình. Phải đào tạo và trang bị cho cộng đồng những kiến thức để tự quản một cách hợp lý. Do đó, rất cần thiết nâng cao nhận thức cho cộng đồng và khuyến khích họ quản lý những di sản đó cho thật tốt. Cần thực hiện ngay các hình thức du lịch văn hóa. Đánh giá những ảnh hưởng từ khách du lịch và quy định việc sử dụng khai thác di sản đối với ngành du lịch sẽ được ưu tiên hàng đầu. Ngành du lịch và các thiết chế văn hóa của Phú Thọ như bảo tàng, di tích, văn hóa cơ sở cần khuyến khích việc tham gia các hoạt động của cộng đồng địa phương trong việc lên kế hoạch quản lý di sản và các hoạt động gặp gỡ du khách. Việc tham dự của các thành viên trong các cộng đồng hay các tổ chức xã hội có liên quan đến cộng đồng sẽ là nhân tố cơ bản trong những nỗ lực chung bảo vệ di sản, đồng thời, cần tôn trọng những quy định chung và quy định riêng của mỗi cộng đồng. Cộng đồng đó phải tham gia vào việc lên kế hoạch, triển khai và giám sát các giai đoạn hoạt động để sử dụng di sản văn hóa cho mục đích du lịch. Thông qua đó sẽ tạo ra những giá trị lịch sử bền vững cho di sản “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương”.

Năm 2009, Khu di tích lịch sử Đền Hùng được công nhận là một trong 10 di tích đặc biệt quan trọng của quốc gia. "Hát Xoan" đã được UNESCO công nhận di sản cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại và "Tín ngưỡng thờ Hùng Vương" đang được đề nghị UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp. Cũng như Hát Xoan “Tín ngưỡng thờ Hùng Vương” là một tài sản vô giá mà cộng đồng nhân dân tỉnh Phú Thọ đang nắm giữ, thực hành và bảo vệ.


Lê Thị Minh Lý

Nguồn: Phú Thọ Online
Bạn đang đọc bài viết "Giữ gìn và bảo vệ tập quán, nghi lễ thờ cúng Hùng Vương" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.