Giữ gìn nếp cổ đền Đức Vua

20/12/2016 14:14

Theo dõi trên

Đền Đức Vua là ngôi đền cổ thuộc xã Mỹ Xá, tổng Thượng Xá (nay là xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Cùng với Đền Cuông ở huyện Diễn Châu, đây là 1 trong 2 ngôi đền cổ trên đất Nghệ An thờ Thục phán An Dương Vương - một trong những chứng tích quan trọng của thời kỳ đầu dựng nước và giữ nước của dân tộc ta. Việc công nhận di tích lịch sử cấp tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi để bảo tồn và phát huy tốt hơn giá trị di tích trong thời gian tới.

Theo lịch sử quốc gia, triều đại Hùng Vương vào năm 179 trước Công Nguyên, cách ngày nay gần 2.200 năm, Triệu Đà (Trung Quốc) dùng mưu cầu hôn công chúa Mỵ Châu, con gái Thục An Dương Vương cho con trai của mình là Trọng Thủy để lấy cắp nỏ thần vũ khí thiêng liêng của nhà Thục, rồi đem quân sang xâm chiếm nước ta.


Di tích lịch sử Đền Đức Vua tại xã Nghi Xá (Nghi Lộc).

Bị mất nỏ thần, Thục An Dương Vương thất thế cùng với Mỵ Châu lên ngựa chạy vào phương Nam. Đến chân núi Mộ Dạ sát bờ biển, biết được Mỵ Châu làm hiệu chỉ đường cho Trọng Thủy cùng quân Triệu Đà đuổi theo, Thục An Dương Vương tức giận chém chết Mỵ Châu rồi nhảy xuống biển đi vào cõi vĩnh hằng. Con ngựa của Thục An Dương Vương vượt sông Cấm vào xã Nghi Xá ngày nay cùng chết theo vua. Biết được ngựa của vua dân làng đắp mộ và dựng đền thờ vua lưu lại câu đối:   

“Mã tích ức lai, lai mã tích

Loa thành vạn cổ, cổ loa thành”.

Như vậy là Điện Đức Vua tại xã Nghi Xá là di tích duy nhất gắn kết và hình thành cùng thời với đền thờ Thục An Dương Vương ở núi Mộ Dạ, huyện Diễn Châu ngày nay.

Theo các tài liệu lịch sử, vào năm Tân Sửu, đền Đức Vua được khởi công xây dựng tòa thượng theo kiến trúc nhà tam oai, trùng tường, trùng đấu, khắc chạm tứ linh: Long, ly, quy, phượng nguy nga thay cho nhà tranh thưng phên ban đầu. Đến năm Canh Ngọ tiếp tục xây dựng nhà trung điện nối kín với nhà thượng điện và cổng tam quan phía trước có tướng gác, voi chầu nguy nga tráng lệ vượt ra ngoài đền thờ thần thiêng của các làng, xã xung quanh.

Từ khi có Điện Đức Vua, hàng năm cứ đến ngày khai hạ đầu xuân, làng xã tổ chức lễ hội tại đền rất lớn, kéo dài 2- 3 ngày. Trong lễ hội, ngoài rước kiệu, đại tế Thục An Dương Vương có lễ rước lão cho các vị trong làng đến tuổi chẵn 60,70,80 và ban đêm diễn trò thu hút đông đảo nhân dân trong vùng.

Những năm đại hạn gay gắt, nhân dân các làng trong vùng rước kiệu thần của làng mình quy tụ về Điện Đức Vua làm lễ cầu đáo (cầu mưa). Điện Đức Vua trở thành trung tâm văn hóa tâm linh của nhân dân trong vùng đến dâng hương làm lễ cầu yên, cầu phúc, cầu tài, cầu lộc. Do đó, các triều vua từ Lê Trung Hưng đến vương triều nhà Nguyễn đều ban sắc thần cho đền và giao cho xã, địa phương bảo vệ và phụng thờ thêm tôn nghiêm.

Trải qua hàng trăm năm lịch sử, đền Đức Vua là di tích kết tinh nhiều giá trị tốt đẹp và quý báu về lịch sử, văn hóa và kiến trúc. Do vậy các triều đại sau đã có 9 đạo sắc do các vua triều Lê và triều Nguyễn ban sắc chỉ cho 2 xã Thượng Xá và Mỹ Xá huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An (nay là xã Nghi Xá), từ trước phụng thờ Thục An Dương Vương như cũ.

Sớm nhất là đạo sắc của Vua Lê Hiến Tông niên hiệu Cảnh Hưng thứ 44 (năm 1784), tiếp đến là các đạo sắc của vua Gia Long thứ 9 (năm 1811), Minh Mệnh thứ 5 (năm 1825), Thiệu Tri thứ 2 (1843); Tự Đức thứ 7 (năm 1855), thứ 33 (năm 1881);  Đổng Khánh thứ 2 (năm 1887); Duy Tân thứ 3 (năm 1910); và vua Khải Định thứ 9 (năm 1925). Đây là nguồn tài liệu gốc giúp hậu thế hiểu thêm về lịch sử địa phương và cũng là minh chứng cho sự tồn tại lâu đời của đền Đức Vua.

Cũng tại ngôi đền này đã ghi lại bao dấu ấn và sự kiện lịch sử quan trọng trong thời kỳ đấu tranh cách mạng của dân tộc. Thời kỳ 1945 - 1947 đền thờ với khuôn viên rộng đã được sử dụng làm trường dạy “Bình dân học vụ”.

Năm 1947, theo chủ trương chung, tất cả đình, đền trong các làng thuộc xã Nghi Xá ngày nay đều bị dỡ trừ thượng điện đền thờ Thục An Dương Vương để làm mất chỗ đóng quân của thực dân Pháp. Còn đền thờ bị phá dỡ thần vị và đồ tế hợp tự về chùa Lữ Sơn và đền làng Xuân Áng, còn khung nhà làm kho cất giữ lương thực. Riêng tòa hậu cung giữ nguyên để thờ phụng.

Những năm 1954 - 1955, nhà thượng điện đền Đức Vua được chọn làm nơi hội họp của Chi bộ Đảng xã Xá Lĩnh (chi bộ chung của 3 xã Nghi Quang, Nghi Hợp, Nghi Xá). Từ năm 1983 đền thờ là nơi làm việc của Hợp tác xã Nghi Xá. Đền Đức Vua còn là nơi tưởng niệm, nơi tôn thờ những vị thần, những nhân vật có công với dân, với nước, nơi sinh hoạt văn hóa tâm linh của nhân dân.

Ngoài kỳ lễ hội lớn, nơi đây hàng năm đã tổ chức nhiều nghi lễ thu hút đông đảo nhân dân trong vùng và các vùng lân cận. Những hoạt động đó nhằm tôn vinh và tri ân các vị thần, các nhân vật lịch sử được nhân dân ngưỡng vọng, thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của dân tộc ta.

Ngoài giá trị lịch sử văn hóa, đền Đức Vua còn có giá trị cao về mặt kiến trúc, khoa học thẩm mỹ. Đền nằm trên một vùng đất được coi là “địa linh, nhân kiệt”, cảnh quan đẹp, tĩnh lặng, là sự lựa chọn rất kỹ lưỡng và tính toán của người xưa khi chọn mảnh đất xây đền. Đền tọa lạc trên khuôn viên rộng, xưa kia có bố cục 3 tòa đăng đối, hợp lý, hài hòa.

Sân đền rộng rãi, tạo nên sự thông thoáng, thuận lợi cho việc tổ chức các hoạt động lễ hội diễn ra tại đền. Các đề tài trang trí của di tích đều lấy đề tài truyền thống như: “long, ly, quy phượng”, uốn cong vuốt hình đầu rồng, mái lợp ngói mũi hài tạo nên cho ngôi đền mang giá trị và nét đẹp văn hóa cổ xưa. Đến với đền Đức Vua, du khách không chỉ được trở về với cõi tâm linh trang nghiêm, tôn kính, bày tỏ ước mơ, khát vọng về cuộc sống an bình, hạnh phúc mà còn được chiêm ngưỡng vẻ đẹp của kiến trúc, cảnh quan ngôi đền.

Do biến thiên của lịch sử, chiến tranh, thiên tai tàn phá khiến đền Đức Vua bị xuống cấp nghiêm trọng và đứng trước nguy cơ bị hủy hoại. Trong những năm qua, địa phương kêu gọi xã hội hóa, sự đóng góp công đức, mời gọi đầu tư của con em trên mọi miền đất nước, các nhà hảo tâm và sự đóng góp của cán bộ và nhân dân để từng bước trùng tu lại di tích, đền Đức Vua đã từng bước được trùng tu trên nền cũ với quy mô khang trang, bề thế, đây là một trong những di tích có bề dày lịch sử.

Với những giá trị to lớn của đền Đức Vua, ngày 22/9/2014, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Quyết định số 4667 công nhận đền Đức Vua là Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Đây là niềm vui của Đảng bộ và nhân dân huyện Nghi Lộc nói chung, cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nghi Xá nói riêng. Việc công nhận di tích lịch sử đã tạo ra hành lang pháp lý quan trọng để bảo vệ và phát huy tốt giá trị di tích trong thời gian tới.

Để giữ gìn và phát huy giá trị di sản đền Đức Vua, trong thời gian tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân xã Nghi Xá nói riêng sẽ huy động mọi nguồn lực, không ngừng quan tâm bảo vệ, trùng tu, tôn tạo để đền Đức Vua ngày một khang trang, xứng tầm là di tích lịch sử cấp tỉnh.

Làm tốt việc đó, chính là góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc, Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời đó là nền tảng và động lực to lớn để xây dựng quê hương ngày càng giàu mạnh, văn minh”.

Sáng ngày 24/12 (tức ngày 26 tháng 11 âm lịch) Đảng ủy, HĐND, UBND xã Nghi Xá tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di tích lịch sử cấp tỉnh đền Đức Vua xã Nghi Xá. Trân trọng thông báo và kính mời quý vị đại biểu, quý khách thập phương, toàn thể cán bộ và nhân dân cùng về dự lễ.

(Theo Báo Nghệ An)

Võ Văn Đình
Bạn đang đọc bài viết "Giữ gìn nếp cổ đền Đức Vua" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.