Giữ gìn các điệu múa cổ đất Thăng Long

09/02/2017 08:17

Theo dõi trên

Hà Nội là nơi tụ hội những tinh hoa văn hoá khắp các vùng miền, trong đó, không thể không nói đến những điệu múa cổ, một hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian đặc sắc của người Hà Nội xưa.


Nhiều điệu múa cổ đặc sắc như múa rồng, múa trống bồng, múa bài bông… tưởng như đã bị lãng quên, nay đang hồi sinh mỗi khi mùa xuân về.

Đặc sắc các điệu múa cổ

Theo thống kê, Hà Nội có tới hơn 100 điệu múa cổ tồn tại rải rác khắp các địa phương trong và ngoại thành, thuộc ba hình thái là múa dân gian, múa cung đình và múa tín ngưỡng tôn giáo.

Vào ngày mùng 9 tháng Giêng, đông đảo người dân và du khách thập phương đổ về đình làng Triều Khúc (xã Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội) xem hội. Lễ hội làng Triều Khúc thờ ông Tổ nghề làm quai thao Vũ Uy có điệu múa “Con đĩ đánh bồng”, tái hiện điệu múa cổ đã có ngàn năm trước khi vua Phùng Hưng cho phép binh sĩ đóng giả gái, múa mua vui giúp ba quân lấy lại tinh thần để chuẩn bị cho cuộc chiến đấu với địch do các chàng trai ăn vận giả gái múa lúc múa trống, khi múa tay rất phóng khoáng.

Lễ hội đền Đồng Nhân (quận Hai Bà Trưng) có điệu múa Đèn, được thể hiện bằng việc tay cầm đèn, xếp hàng đôi, nhịp bước lên xuống uyển chuyển. Các nữ giới tham gia múa đan chéo hàng, lúc nhập một hàng, lúc tách đôi hòa theo tiếng trống bập bùng.

Ngoài ra, còn các điệu múa Chén ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, múa chèo Tầu ở xã Tân Hội, huyện Đan Phượng, múa chèo Cạn ở phường Bưởi, quận Tây Hồ, múa Giảo Long ở phường Việt Hưng, quận Long Biên, múa Ải Lao ở Phù Đổng, huyện Gia Lâm…

Múa cổ Hà Nội là sự kết tinh của nhiều nền văn hóa. Nội dung của múa cổ cũng rất phong phú. Những điệu múa dân gian thường có nội dung ca ngợi, mừng cuộc sống yên bình của muôn dân. Múa cung đình với biểu tượng quyền quý, long – ly – quy - phượng với ý nghĩa cầu chúc an lành, thịnh vượng, xua đuổi tà ma. Múa tín ngưỡng tôn giáo lại mang tính nhân văn cao, cầu siêu cho các vong hồn đã mất trong tiến trình lịch sử ngàn năm của đất Thăng Long.

Phục dựng và giữ gìn

Trải qua những xoay vần cuộc sống, nhiều điệu múa cổ đang dần mai một. Vì vậy, việc sưu tầm để phục hồi và gìn giữ các điệu múa cổ đang là sự quan tâm hàng đầu của các nhà nghiên cứu văn hóa, những nghệ sỹ múa tâm huyết của Hà Nội.

PGS Lê Trung Vũ, nguyên Trưởng phòng lễ hội, Viện Văn hóa dân gian cho biết, trong các lễ hội dân gian của Hà Nội, múa cổ là nghi thức thường thấy, nó mang đầy đủ ý nghĩa lịch sử, thể hiện thế giới quan của con người, đặc biệt là những quan niệm trong đời sống tâm linh. Các lời ca điệu múa nhắc nhở chúng ta về truyền thống hào hùng của cha ông, tạo những ký ức đẹp về hội làng, ghi dấu ấn trong tâm trí mỗi người.

Các điệu múa cổ gắn với đời sống văn hóa tinh thần của cộng đồng, vì vậy sự phát triển bền vững hay dần mai một đều phụ thuộc vào cộng đồng. Việc ứng xử ra sao với các điệu múa cổ không chỉ dừng lại ở việc tìm và phục hồi mà còn cần nghĩ đến vấn đề phát huy các điệu múa cổ như thế nào để vừa bảo tồn được nguyên gốc đồng thời giữ lại làm tài sản vô giá cho những thế hệ mai sau.

Theo PGS Lê Trung Vũ, phát triển múa cổ phải theo quy luật tự thân, không tách múa cổ ra khỏi môi trường sinh ra nó là không gian văn hóa, lễ hội làng quê. Múa cổ cần được đặt trong phạm trù vận động, bởi nó được lưu giữ qua sự truyền dạy từ thế hệ này sang thế hệ khác. Việc bảo tồn và phát huy múa cổ Hà Nội không chỉ là nhằm bảo tồn nghệ thuật múa dân gian, mà còn có ý nghĩa tích cực đối với con người trong đời sống đương đại.


Phương Thảo

Nguồn: Giáo dục & Thời đại
Bạn đang đọc bài viết "Giữ gìn các điệu múa cổ đất Thăng Long" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.