Ảnh minh họa (nguồn internet)
Theo truyền thuyết và lời kể của những người cao tuổi trong làng Hội Xá: Phường hát múa Ải Lao ra đời gắn với truyền thuyết Thánh Gióng. Vào thời Hùng Vương thứ 6, nước Văn Lang có giặc Ân phương bắc xâm lược. Ông Gióng, làng Phủ Đổng đã cưỡi ngựa sắt đánh đuổi giặc Ân. Sau chiến thắng giặc Ân với chiến công lẫy lừng, thánh Gióng đã cưỡi ngựa sắt bay về trời. Mẹ Gióng vì thế mà buồn bã thương nhớ con. Đám trẻ trâu làng Hội Xá được lệnh Vua hát múa cho mẹ Gióng vơi đi nỗi nhớ con. Nghệ thuật hát và múa Ải Lao ra đời từ đó.
Hát, múa Ải Lao không chỉ độc đáo ở lối hát mà nội dung ca từ của các bài hát còn mang ý nghĩa tâm linh, nhân văn sâu sắc. Với đặc tính là hát đồng ca, hát múa Ải Lao đã góp phần làm tăng tính linh thiêng, hào hùng của lễ hội Gióng.
Trao đổi với vovword.vn, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Văn Huy, Phó Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa cho biết: “Từ xa xưa, hát và múa Ải Lao là một phần quan trọng góp phần tạo nên sự đặc sắc của Hội Gióng, nhất là các bài hát có ý nghĩa tâm linh rất cao. Lời hát, điệu múa và những thông điệp dâng lên Thánh Gióng, Thánh Mẫu được hình tượng hóa và cách điệu hóa. Trong hát và múa Ải Lao có các lớp lang văn hóa, các câu chuyện lịch sử được đúc kết từ bao thế hệ. Di sản nghệ thuật này có ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa lịch sử văn hóa rất đáng trân trọng. Chính vì thế, nếu trình diễn không đầy đủ số bài hát và hát không đầy đủ các câu, các đoạn sẽ làm mất đi, phai mờ đi tính thiêng và mất đi tính trang nghiêm của lễ hội, mặt khác làm giảm cả tính nghệ thuật của di sản độc đáo này.
Bên cạnh sự độc đáo trong lối hát như bẻ chữ, đảo từ, đảo câu, thêm từ láy thì việc trình diễn hát, múa Ải Lao cũng có quy định nghiêm ngặt như người tham gia phường Ải Lao đều phải là trai đinh các giáp trong làng.
Với những giá trị và nét độc đáo vốn có, hát múa Ải Lao được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 3247/QĐ - BVHTTDL ngày 16/9/2016.