Gìn giữ "hồn" của cồng chiêng

06/03/2017 15:39

Theo dõi trên

Năm 2005, Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, bao gồm các yếu tố bộ phận: cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người chơi cồng chiêng, các lễ hội có sử dụng cồng chiêng (Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng bến nước...) và những địa điểm tổ chức các lễ hội đó…

Từ đó tới nay, nhiều chương trình bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng đã được các tỉnh Tây Nguyên triển khai. Dễ thấy là, các địa phương đã mở được rất nhiều lớp truyền dạy cách sử dụng và diễn tấu cồng chiêng. Nhưng do cồng chiêng được trình tấu theo lối dàn cồng chiêng nên cần được chỉnh để âm thanh từng chiếc có thể hòa vào nhau sao cho có bè có phối. Hơn nữa, cồng hay chiêng chơi lâu ngày cũng bị lạc âm mà nói theo lời người già là “không được khỏe”, cần phải được “chữa bệnh” thì lời chiêng đánh ra mới “thấu được tới các thần”. Từ xưa tới nay, cồng chiêng Tây Nguyên chủ yếu được mua từ Lào hoặc được cung cấp bởi các làng nghề đúc đồng ở các tỉnh Bình Định, Quảng Nam.



Minh họa (Ảnh: N.Hoa)

Cồng, chiêng sau khi mua về cần được chỉnh âm thì cồng chiêng ấy mới trở thành nhạc cụ, có hồn.

Vì vậy, ở các buôn làng Tây Nguyên truyền thống luôn có người chuyên chỉnh chiêng. Ngày nay, số lượng người biết diễn tấu cồng chiêng đã ít, số lượng người biết chỉnh chiêng – người thổi “hồn” vào cồng chiêng ngày càng ít hơn. Lẽ dĩ nhiên, nếu không có người chỉnh chiêng thì những bộ cồng chiêng bị “lạc âm, tịt âm” sẽ không sử dụng được. Thực tế, trong quá trình triển khai các chương trình bảo tồn và phát huy nền văn hóa cồng chiêng cũng đã nảy sinh một số vấn đề như cồng chiêng được cấp phát thường có âm thanh không chuẩn như những bộ cồng chiêng cổ của người dân.

Cũng cần nhấn mạnh, trong bối cảnh cộng đồng các dân tộc thiểu số tại chỗ Tây Nguyên đang có những chuyển biến mạnh với những thay đổi của các thiết chế văn hóa thì vấn đề bảo tồn những giá trị tiêu biểu và độc đáo của văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ ở phần “âm nhạc” mà quan trọng hơn là ở “không gian văn hóa”.

Thiết nghĩ, khi mà người biết chỉnh chiêng ở các địa phương hiện nay chỉ còn có thể “đếm trên đầu ngón tay” thì việc tổ chức các lớp truyền dạy chỉnh chiêng là điều cấp bách. Nhưng do tính chất của việc chỉnh chiêng không chỉ nằm ở kỹ thuật mà còn ở “khả năng thiên bẩm” trong việc thẩm âm nên việc truyền dạy không nên được tổ chức đại trà như truyền dạy diễn tấu cồng chiêng mà nên có những kế hoạch hướng tới sự phát hiện và đào tạo chiều sâu. Đó là một công việc rất khó khăn nhưng cần thiết phải làm, nếu không muốn chứng kiến những nghệ nhân chỉnh chiêng lớn tuổi hiếm hoi rồi sẽ lần lượt ra đi, mang theo “hồn” cồng chiêng – thứ mà không dễ dàng tạo dựng và khôi phục được.


Trương Thị Hiền

Nguồn: Đắk Lắk Online
Bạn đang đọc bài viết "Gìn giữ "hồn" của cồng chiêng" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.