Giếng cổ - lưu giữ nét văn hóa xưa

28/08/2018 14:26

Theo dõi trên

Đến nay, vẫn chưa có thống kê chính xác trên địa bàn thành phố có bao nhiêu giếng cổ và giá trị của nó như thế nào. Tuy nhiên, theo những nhà nghiên cứu văn hóa, giếng cổ chứa đựng các giá trị văn hóa, lịch sử nên rất cần được bảo tồn.

 
Giếng cổ có hàng trăm năm tuổi là nơi dân làng sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau. Trong ảnh: Một giếng cổ ở phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà.

Trong những điều thú vị chia sẻ với chúng tôi về Nam Ô, ông Đặng Dùng, người được mệnh danh là “nhà sử học Nam Ô” luôn nhắc về các giếng cổ. Theo ông Dùng, ở làng Nam Ô hiện chỉ còn 4 giếng cổ (những cái khác đã bị lấp), bao gồm: giếng Cồn Trò (nằm trên cồn cát cùng tên), giếng Lăng (nằm bên lăng Ông), giếng Đình (nằm gần ngôi đình cổ, hiện nằm giữa đường bê-tông của khu dân cư), giếng Thành Cung (còn có tên là giếng Thành Trạm, với ý nghĩa thuộc về một đơn vị xưa kia gọi là “cung” hoặc “trạm”).

Theo lời kể của các cụ, để làm kiểu giếng đá vuông này, tổ tiên ta thời ấy phải lấy đá xanh từ xa, nghe đâu là ở Trường Định (nằm giữa nguồn sông Cu Đê, nay thuộc xã Hòa Liên, cách làng Nam Ô khoảng 7km về phía tây) đem về chế tác theo quy cách và khắc chữ ghi năm tạo lập giếng vào trụ đá.

Hiện nay, thành của cả 4 giếng vuông cổ đã được dân làng xây thêm lên bằng gạch và xi-măng để tránh nguy hiểm. Bởi các giếng nằm giữa khu dân cư, nền đường theo thời gian được bồi cao nên thành giếng xưa bị thấp xuống gần bằng mặt đất chung quanh.

Cũng theo ông Dùng, dựa trên kiểu dáng, chất liệu, nhiều người phỏng đoán đây là kiến trúc của người Chăm. Cũng có người dựa vào những dòng chữ Hán khắc trên thành giếng và nhận thấy giếng được tạo lập vào thế kỷ XVII trở về sau. “Hiện vẫn chưa có cứ liệu nào xác định chính xác.

Dẫu thế nào, những giếng vuông có tuổi hàng trăm năm ở Nam Ô là những di tích văn hóa vật thể quý giá mà tiền nhân đã để lại. Hơn nữa, theo quan niệm văn hóa tâm linh xưa gắn với yếu tố phong thủy, giếng chứa đựng 3 yếu tố: đất, nước, không khí - tổng hòa quan trọng trong không gian sống của người xưa.

Giếng không chỉ là “con mắt” của đất, “trái tim” của làng mà còn là nơi hội tụ nguồn sống, những “mảnh gương” để một thời cả cộng đồng cùng soi xuống, thấy mặt mình hiện lên từ trong đáy giếng”, ông Dùng nói.

Theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Võ Văn Hòe, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian thành phố, ông cũng từng nhìn thấy những giếng cổ có lòng giếng hình vuông như giếng Hời (nằm ở góc sân của miếu Bà Khuê Trung), giếng Bộng (còn gọi là giếng Đôi, ở làng cổ Nại Hiên, hiện nay, giếng nằm trong góc tây nam của khuôn viên Trường mẫu giáo Ánh Hồng, phường Bình Hiên, quận Hải Châu) và trước đây, tại vị trí khu vực đường Phan Thanh – Nguyễn Văn Linh (khi ấy vẫn còn hoang vu, có bụi tre, đường làng) một cái giếng hình vuông nằm cạnh đó.

Trong dân gian vẫn truyền nhau câu hát: Chim kêu miếu Một/Gà gáy giếng Đôi/Nhấc thốn tâm/Hà khắc vô do/Ra về vừa tới bến đò/Bâng khuâng nhớ lại mấy câu hò nữ nhi. Lần theo địa danh gắn liền với miếu Một (ngã 3 sông Cẩm Lệ), bến đò Hà Thân/An Hải, giếng Đôi (Nại Hiên), có thể hình dung cuộc sống của người Đà Nẵng xưa gắn liền với bến nước, con đò, mái đình, cây đa, giếng nước và cả con đường hay đi lại trong vệt từ Cẩm Lệ về Nại Hiên.

Trong quá trình tìm hiểu về đình làng, làng biển trước đây của Đà Nẵng, chúng tôi còn được nghe các vị cao niên, đại diện chư phái tộc kể về những giếng cổ gắn liền giá trị văn hóa tinh thần của người dân trong làng.

Ông Nguyễn Ngọc Nghĩ, Ban Quản lý đình làng Thạc Gián (quận Thanh Khê) cho biết, tại đình làng Thạc Gián tồn tại một giếng cổ được làm cách đây gần 200 năm, vào cuối đời nhà Lê (thế kỷ 17) khi ngôi đình cổ Thạc Gián còn được làm bằng gỗ, mái tranh, còn giếng được làm bằng đá ong.

Giếng nước là biểu hiện của phát triển văn minh trong đời sống của cư dân từ dùng nước ao hồ, giếng khơi mất vệ sinh đến dùng giếng có thành, sâu dưới 5 – 10 mét có nước nguồn, nước trong. Giếng nước ngày xưa trở thành nơi lấy nước thiêng liêng của ông bà thời ấy.

Ví dụ như ngày Tết Nguyên đán, các vị bô lão trong làng là những người đầu tiên đến múc nước giếng để nấu chè, dâng cúng các bậc thần linh trong đình; rồi sau đó cư dân trong làng mới tuần tự lấy nước mang về nấu cúng tổ tiên ông bà.

Tại làng An Tân, An Đồn (phường An Hải Bắc, quận Sơn Trà) cũng có những giếng cổ. Ông Lê Hanh (90 tuổi) không nhớ giếng nước trước nhà có từ khi nào, chỉ biết lớn lên đã thấy đó là nơi người dân làng chài lấy nước dùng trong sinh hoạt, trò chuyện cùng nhau mỗi ngày. Đến nay, dù đã có nước máy nhưng một số người dân vẫn giữ thói quen sinh hoạt bên giếng nước xưa.

Trong tâm thức người Việt, cây đa, giếng nước, mái đình là những hình ảnh thân thuộc về một làng quê. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, giếng làng còn phản ánh đời sống văn hóa tâm linh của cư dân địa phương đó; vì thế cần có sự khảo sát và nghiên cứu nghiêm túc để có kế hoạch bảo tồn, giữ gìn giá trị văn hóa cổ xưa này.


Ngọc Hà
Theo baodanang.vn

Bạn đang đọc bài viết "Giếng cổ - lưu giữ nét văn hóa xưa" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.