Giàng Nhả Trần là của những thiên phóng sự

12/08/2021 21:59

Theo dõi trên

Từ những năm cuối thập niên 90 của thế kỉ XX cho đến nay, một nhà báo có cái tên của người H’Mông luôn là một tác giả thu hút sự quan tâm của độc giả, những tác phẩm báo chí của anh chủ yếu thiên về các phóng sự điều tra với những nội dung gây chấn động dư luận xã hội.

tran-duc-tho-23634634675474-1635425190.gif
Nhà báo Trần Đức Thọ với bút danh Giàng Nhả Trần.

Góp phần tích cực vào công cuộc chống tiêu cực, tham nhũng, mang đến sự công bằng cho lợi ích chung. Như các tác phẩm: “Vì sao bán đất đường biên”; “Cuộc chiến Pơ-mu lúc chợ chiều”; “Vì sao Gấu khóc trên biên cương”; “Chuyện chỉ có ở bệnh viện Nội tiết Trung ương”; “PM 18”; “Thành phố Giao lưu”… Trong đó, ở vụ án nổi tiếng “PM 18” anh là một nhà báo chủ công, được ví như “trưởng ban chuyên án về truyền thông PM 18”, nhưng nhờ có nghiệp vụ điều tra vững vàng và nắm chắc pháp luật, nên các bài viết của anh luôn đúng với các qui định của luật pháp nên không bị “việt vị” như một số nhà báo khác. Đặc biệt, trong số các phóng sự thì cho đến nay, sau gần 15 năm một tác phẩm vẫn được nhắc đến với những tình tiết ly lì và hấp dẫn, đó là phóng sự: “Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước” (Báo LĐ&XH đặt tít là: “Ăn nhầm… thịt người”).  

giang-nha-tran-346346346745-1635425221.gif
Nhà báo Giàng Nhả Trần kịp thời có mặt tại các điểm nóng để chuyển tải những thông tin chân thực nhất đến với độc giả của mình.

Từng là một chiến sĩ trinh sát vùng biên giới, rồi là một sĩ quan Công an trên các lĩnh vực Cảnh sát Kinh tế, Cảnh sát Điều tra Hình sự, rồi Giàng Nhả Trần buông súng cầm bút viết văn, làm báo. Ban đầu anh viết các mẩu tin về chống tội phạm, về kết quả các vụ điều tra phá án. Rồi thử sức trên các mảng phóng sự, điều tra. Bài phóng sự 5 kỳ “Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước” (“Ăn nhầm thịt người”) in trên trang nhất của một tờ báo số Tết dương lịch năm 1999, như một quả bom giữa mùa Xuân khiến bạn đọc nhào tìm mua báo, rồi phô tô chuyền tay nhau đến nhàu nát.

Câu chuyện xảy ra ở một vùng núi thuộc huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Một phụ nữ đã hơn bốn mươi tuổi, chưa có chồng, quê gốc ở Thái Bình, theo gia đình lên khai hoang ở Phú Thọ. Sau chuyến đi thăm em trai công tác ở thành phố Hồ Chí Minh về, được em tặng chiếc nhẫn hai chỉ vàng, trên đường về Thanh Sơn được ít ngày bỗng bị mất tích… Một thời gian ngắn sau đó, tại một khu rừng, có một đống cỏ tranh cháy, hai anh em người thợ săn bỗng phát hiện ra xác một con “đười ươi” bị cháy đen thui, liền đi cắt dây rừng buộc bộ xương vào rồi kéo mang về ném xuống ao ngâm cho sạch để nấu cao. Hai anh em người thợ săn đã từng đi bộ đội, từng được biểu dương và ca ngợi trên Báo Quân khu I về tài năng bắn sung, từng là “dũng sĩ” trên tuyến đường mòn rừng Trường Sơn thời chiến tranh chống Mỹ… Khi nấu cao, một số xương của chi trên vẫn còn dính thịt, đã có người vớt ra để ăn. Có người nghi xác con đười ươi đó chính là xác người phụ nữ mất tích, liền mật báo với nhà báo Giàng Nhả Trần. Và nhà báo Trần, một mình một xe, một chiếc máy ghi âm và quyển sổ, cây bút, đã vào cuộc, phá án...

tran-duc-tho-23634634757474-1635425254.gif
Trên đường tác nghiệp.

Sau khi vật lộn với đoạn đường đầy ổ gà, ổ voi, đá sỏi từ Hà Nội lên Thanh Sơn. Đến được bản nơi có gia đình ông Đinh Văn Ngạch là chủ nhà đã “nấu cao người”, thì từ người già đến trẻ em ở đây đều biết tiếng phổ thông, nhưng hỏi ai cũng chỉ lắc đầu và họ toàn nói tiếng Mường. Có một thời lớn lên trên Tây Bắc, rồi va chạm trong quân ngũ, nên nhà báo Giàng Nhả Trần khá giỏi tiếng Mường. Anh mở máy ghi âm để ghi hết lời bà mẹ của hai thợ săn, của hàng xóm, mẹ ông Đinh Văn Ngạch còn nói: “Con đười ươi bị cháy thui, to bằng người thật. Cả mấy người cùng xúm vào róc thịt, rồi cho vào nồi nấu cao mấy ngày liền”(!). Hôm ấy lại là ngày chủ nhật, để có đầy đủ chứng cứ, anh phải gặp Hạt trưởng Kiểm lâm huyện Thanh Sơn, Trưởng phòng Lâm nghiệp huyện, Công an huyện... cùng dịch đoạn băng từ tiếng Mường ra tiếng Việt, rồi cùng ký biên bản xác nhận. Muốn chắc ăn hơn, anh đánh xe đi mấy chục cây số tìm cô văn thư “đang đi nương”, lấy dấu áp triện đỏ chói vào biên bản rồi mang về. Nếu không có cuốn băng ghi âm và tờ biên bản ấy đóng dấu đỏ ấy, có lẽ nhà báo Giàng Nhả Trần (tức Trần Đức Thọ) và một số Tổng Biên tập cho đăng bài ngày ấy đã bị nhiều rắc rối. 

giang-nha-tran-023563463463-1635425280.gif

Bài báo in trên Báo Lao động - Xã hội số Tết dương lịch và ra đúng ngày Mùng 1 Tết nên nó như một “quả bom tấn” nổ tung giữa bầu trời Xuân đang yên ả. Ngày ấy chưa có online, chưa có thông tin điện tử mà chỉ có báo giấy nên báo bán đắt như tôm tươi... Trên báo Báo Pháp luật (nay là Pháp luật Việt Nam) thì giữ nguyên tít "Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước". Ngày ấy lượng độc giả báo Pháp luật rất lớn, tia-ra của báo cũng lớn, loạt phóng sự điều tra “Chuyện kinh hoàng trên miền sơn cước” gây một tiếng vang lớn, càng thêm củng cố cho "thương hiệu nhà báo Giàng Nhả Trần" mà anh đã cộng tác, gắn bó với tờ Pháp luật từ lâu. Rồi trên báo Tuổi trẻ, mặc dù báo Tuổi trẻ chỉ đưa tin nhưng ngay sau khi phát hành thì đến 9 giờ sáng khắp cả thành phố Hồ Chí Minh đã hết sạch báo Tuổi trẻ tại các quầy bán báo. 

giang-nha-tran-02356363-1635425300.gif

Đến nay nhà báo Giàng Nhả Trần (tên thật Trần Đức Thọ) là người con của quê hương xứ Nghệ vẫn mải miết trên con đường hoạt động báo chí. Anh vẫn quản lý một đơn vị hoạt động độc lập. Ngoài làm báo, anh cũng đắm mình trong các hoạt động văn hóa nghệ thuật như sáng tác ca khúc, viết kịch bản, làm giám khảo cho một số cuộc thi trong các hoạt động phong trào… Nhưng trên hết, độc giả và khán giả luôn mong chờ ở anh là các tác phẩm báo chí, các thiên phóng sự điều tra về chống tiêu cực, tham nhũng, vi phạm pháp luật vẫn còn luôn cát cứ trong xã hội hiện nay…

Trung Anh
Bạn đang đọc bài viết "Giàng Nhả Trần là của những thiên phóng sự" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.