Giai thoại về di tích mộ phần của phu nhân Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc (Kỳ I)

23/10/2021 15:32

Theo dõi trên

Từ rất lâu, ngư dân Phú Quốc thường đến một ngôi mộ cổ ven biển hoang sơ ở bãi Ông Lang thuộc xã Cửa Cạn cúng vái trước khi đi biển. Họ cho rằng, đó là di tích của một vị thần cứu hộ gọi là "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định".

Nhiều bậc kỳ lão địa phương kể rằng, vào những đêm trăng tròn, ngư dân thường thấy một chiếc tàu kiểu cổ xuất hiện trên mặt biển gần khu vực mộ. Trên tàu có một người thiếu phụ trẻ hát ru con rất thê lương. Khi đến gần thì con tàu biến mất. Họ tin rằng, đó là chiếc tàu ma của "Bà Lớn Tướng Lê Kim Định". Những ngư phủ nào trông thấy con tàu ấy, chắc chắn chuyến biển sẽ thuận lợi, trúng nhiều tôm cá.

12991050-1280660325281556-5576130620312987536-n-1634877321.jpg
Đền thờ của Bà

Ngư dân xã Cửa Cạn kể rằng, khi Quan Thượng Đẳng Linh Thần Nguyễn Trung Trực rơi vào tay quân Pháp vào năm 1868 tại Phú Quốc, một số nghĩa quân đào thoát được và ẩn cư luôn ở vùng rừng hoang ở hướng bắc của đảo. Sau nhiều thế hệ nối tiếp nhau, con cháu của những nghĩa sỹ kháng chiến hình thành một ngôi làng ven sông Cửa Cạn cho đến tận ngày nay. Bây giờ, ngôi làng xưa đã biến thành xã Cửa Cạn.

Ngày nay nơi đó còn ngôi mộ của bà Lê Kim Định - phu nhân Nguyễn Trung Trực.

Ngư dân địa phương khẳng định bà Lê Kim Định đã hy sinh tại cửa sông thoát ra biển, tức Cửa Cạn. Nghĩa quân đã cướp xác bà đem lên bãi Ông Lang chôn cất. Vì sợ quân Pháp quật mồ nên nghĩa quân chỉ đắp một nấm đất, không đề bia. Khi nhắc tới ngôi mộ, người ta chỉ gọi là mộ Bà Lớn Tướng. Họ tin rằng bà rất linh thiêng. Trong dân gian địa phương có rất nhiều giai thoại về sự linh thiêng của bà.

Chuyện kể rằng, vào năm 1958, một chiếc tàu lưới Rạch Giá ra khu vực biển Phú Quốc đánh cá thì bị chết máy lại gặp một cơn bão đánh tơi bời. Sóng đánh cabin tàu tan tành chỉ còn trơ phần lườn. Hơn 1 tuần lễ chống chọi với sóng dữ, toàn bộ thủy thủ trên tàu đuối sức nằm chịu trận chờ chết. Chủ tàu kiêm thuyền trưởng chỉ còn biết quỳ sụp xuống sàn tàu khấn cầu Quán Thế Âm Bồ Tát cứu nạn.

phu-quoc-52014-163-1634877244.JPG
Ngôi mộ vẫn còn nguyên hài cốt Bà

Bỗng giữa mù khơi sóng dữ, một con tàu cổ xưa xuất hiện. Trên con tàu lạ có một thiếu phụ trẻ, xinh đẹp ném dây neo về phía tàu bị nạn. Chủ tàu chỉ kịp quấn nút dây vào trụ tàu rồi ngất xỉu. Khi tỉnh dậy chủ tàu đã thấy con tàu của mình nằm trong 1 bãi âu (bãi biển khuất sóng). Con tàu cổ mất dạng. Khi định tâm, họ mới nhận ra đó là một cánh rừng gỗ trai hoang vu thuộc đảo Phú Quốc. Dưới tán rừng trai có một ngôi mộ đất, không bia. Thoát nạn, chủ tàu cùng nhóm thủy thủ lên bờ nghỉ ngơi.

Trong giấc ngủ mệt mõi, chủ tàu nằm mơ và gặp lại người thiếu phụ trên con tàu cổ. Thiếu phụ cho biết, ngôi mộ hoang là của mình. Giật mình tỉnh giấc, chủ tàu gọi thủy thủ đến mộ lạy tạ ơn cứu độ rồi cùng nhau phát hoang cây cỏ xung quanh với lòng thành kính. Chủ tàu hứa, sau này làm ăn khấm khá sẽ trở lại xây mộ bà đẹp hơn.

Trong lúc phát hoang, người chủ tàu bỗng thấy một vật bằng kim loại nằm chìm dưới lớp cỏ mục. Ông ta bới lên thì thấy đó là 1 nải chuối bằng kim loại, đoán là đồng. Ông dự định khi trở về nhà sẽ xây 1 am nhỏ, đưa nải chuối vào thờ người thiếu phụ cứu độ.

phu-quoc-52014-162-1634877502.JPG
Mặt trước ngôi mộ Bà

Hôm sau biển yên sóng lặng, chủ tàu và nhóm thủy thủ được tàu đánh cá khác đưa về Rạch Giá. Về đến nhà, ông chủ tàu mới biết, rất nhiều chủ tàu khác đã từng được "Bà Lớn Tướng" cứu độ trong tình thế hiểm nguy như thế.

Mấy tháng sau, ông đem nải chuối kim loại ra chùi rửa thì phát hiện đó là… vàng. Nhờ số vàng này, ông có tiền đóng tàu đánh cá mới và trở thành 1 đại gia tầm cỡ của Rạch Giá thời đó. Năm 1963, ông chủ tàu đã trở lại bãi Cửa Cạn tìm mãi không ra ngôi mộ. Ông đã lặn lội vào tận cụm dân cư Cửa Cạn cách đó mấy cây số đường rừng để hỏi thăm.

Cùng thời điểm đó, ông Tư Ngây - Một ngư phủ địa phương, là con cháu nhiều đời của nghĩa sỹ Nguyễn Trung Trực - ngủ đêm nằm mơ gặp một nữ tướng xưng là Bà Lớn Tướng bảo: "Tiền nhân của người hứa rằng sẽ xây mộ đàng hoàng cho ta. Nay nhà ngươi phải thực hiện". Lúc đó ông Tư Ngây đã hơn 80 tuổi. Thức dậy, ông Tư Ngây nhớ lại thuở còn trẻ thường nghe ông cố mình kể một câu chuyện liên quan đến phu nhân Quan Thượng Đẳng Linh Thần Nguyễn Trung Trực. Theo câu chuyện đó thì, lúc Nguyễn Trung Trực bị Pháp đánh gắt, ông di binh về Phú Quốc xây dựng căn cứ tại bãi Hàm Ninh. Vợ ngài tên là Điều nhưng được mọi người gọi là Bà Lớn Tướng cũng theo ra Phú Quốc cùng ngài tham gia kháng chiến. Lúc ấy bà vừa sinh 1 công tử.

13051672-1280660385281550-2621683071228811446-n-1634877585.jpg
Quang cảnh bên ngoài ngôi mộ Bà

Căn cứ chưa xây xong, quân Pháp đã đưa quân ra đánh. Nguyễn Trung Trực chia 2 cánh quân lùi về bắc đảo hoang vu tạo bẫy gọng kìm chờ quân Pháp tiến vào. Một cánh quân do bà Điều chỉ huy đóng chốt tại cửa sông có nhiệm vụ nghi binh câu nhử quân Pháp từ biển tiến vào. Khi quân Pháp tiến sâu vào sông Cửa Cạn, Nguyễn Trung Trực sẽ chỉ huy cánh quân mai phục đánh tập hậu. Để an toàn cho công tử mới chào đời vài tháng, bà Điều giao con cho Nguyễn Trung Trực giữ.

Nông Huyền Sơn
Bạn đang đọc bài viết "Giai thoại về di tích mộ phần của phu nhân Nguyễn Trung Trực ở Phú Quốc (Kỳ I)" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.