Chùa Tam Bửu nép mình sát chân núi Tượng, tại thị trấn Ba Chúc, huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang. Đó là nơi khai đạo Phật giáo Tứ Ân Hiếu Nghĩa - Một hình thức tôn giáo kháng chiến chống Pháp của phong trào Cần Vương. Trong giai đoạn khai đạo, ngôi chùa Tam Bửu trãi qua hàng trăm cuộc càn quét lớn nhỏ của quân Pháp xâm lược. Dù hàng chục lần bị quân Pháp đốt cháy, cướp phá, ngôi chùa vẫn tồn tại cho đến ngày nay.
Đặc biệt, trong ngôi chùa cổ này có một di vật được cho là linh thiêng, bất hoại. Đó là chiếc kệ gỗ có tán che mà người địa phương gọi là “ngôi Long Đình”.
Có thể nói Tứ Ân Hiếu Nghĩa là một tôn giáo tái sinh của tôn giáo Bửu Sơn Kỳ Hương. Thuộc hệ phái Phật giáo đa thần, nên chùa Tam Bửu có hơn 30 bàn hương án thờ Hội đồng Thượng Phật, Quan Thánh Đế Quân, Cửu huyền bá tánh, Thập vương Hộ pháp, Chánh tăng, Phật vương, Phật thầy Tây An, Phật trùm… Ngoài những bàn hương án thờ chư vị Phật, thánh, thần, trong chùa còn có 1 di vật bằng gỗ được gọi là "ngôi Long Đình" đặt trân trọng ở gian chánh điện để thờ một đấng bề trên cao trọng được gọi là "đấng Phật vương".
“Không ai biết cụ thể đấng Phật vương là ai, khi nào xuất hiện” - Một tín đồ của hệ phái Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho biết như thế.
Di vật có dáng vẻ giống chiếc kiệu gỗ dành cho vua, chúa nhưng không có đòn khiêng. Chiếc "kiệu" cao khoảng 3 mét, mỗi mặt có bề ngang khoảng 2 mét được chạm trổ long phụng uốn lượn, sơn son thiếp vàng, bên trong đặt 1 cặp gối mặt thụt (Kiếu gối xưa), 1 cặp lổ ban xích và 1 cặp linh ấn (Tạm hiếu là ấn để làm phép tâm linh). Những cao đồ Tứ Ân Hiếu Nghĩa cho biết, "ngôi Long Đình" này là bản chính gốc kể từ ngày chế tác cho đến nay.
Theo sử liệu tôn giáo, người khai sáng đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa là Đức Bổn Sư Ngô Lợi - Một lãnh tụ kháng Pháp tại Nam Kỳ Lục tỉnh vào cuối thế kỷ 19. Ông tên thật là Ngô Viện, còn có tên khác là Ngô Tự Lợi hoặc Năm Thiếp, sinh năm 1831 ở Mỏ Cày, Bến Tre.
Năm 1867, ông cùng nghĩa quân Trần Văn Thành lập căn cứ kháng chiến Láng Linh - Bãi Thưa. Năm 1871, căn cứ Láng Linh - Bãi Thưa thất thủ, ông rút về Bến Tre làm ẩn sĩ tu hành chờ thời cơ. Những ngày này, ông thuyết pháp thu phục tín đồ, thật ra là để thu dụng nghĩa sĩ yêu nước, mưu đồ kháng chiến chống Pháp lâu dài.
Năm 1876, ông đưa "tín đồ" tập trung về núi Tượng, Ba Chúc mượn cớ khai đạo Tứ Ân Hiếu Nghĩa để bí mật dựng cờ, mở làng kháng chiến và cất ngôi chùa Tam Bửu bằng cây lá đơn sơ. Thuở đó, Ba Chúc là một vùng sơn địa hoang vu rừng, hiểm trở đá. Có thể nói, làng kháng chiến An Định (tức Ba Chúc) là 1 dấu son trong lịch sử kháng Pháp ở miền Nam và là một phương thức đấu tranh chống ngoại xâm rất sáng tạo của nghĩa sĩ giai đoạn đó.
Năm 1877, ông về Cai Lậy, Tiền Giang hợp nhất với phong trào Cần Vương của Lê Văn Ong và Võ Văn Khả. Năm 1879, Lê Văn Ong và Lê Văn Khả bị Pháp đàn áp gắt gao. Để bảo toàn lực lượng, Ngô Lợi đưa hết nghĩa quân đào thoát về làng kháng chiến Ba Chúc.
Dù khởi sự từ năm 1867 nhưng đến năm 1881 Bổn sư Ngô Lợi mới lập đại trai đàn khai đạo. Trước khi khai đạo, đức Bổn Sư Ngô Lợi cho các đại đồ đệ lên núi Dài tìm gỗ cam đàn đóng ngôi Long Đình theo ni tấc do ông vẽ sẵn rồi đặt vào nơi trang nghiêm nhất của chùa Tam Bửu.
Giai thoại kể rằng, để chế tác ngôi Long Đình, các các thợ mộc phải thực hiện từng bộ phận nhỏ. Sau khi hoàn tất hết các bộ phận nhỏ mới lắp ghép lại. Thế nhưng sau khi hoàn tất các bộ phận, các thợ mộc ghép suốt cả tuần không xong. Thấy vậy, đức Bổn sư dùng pháp thuật lổ ban hướng dẫn cho các thợ mộc đo ni lại. Chỉ sau 1 buổi, ngôi long đình được lắp ghép hoàn tất.
Ông không nói cho các đồ đệ biết ý nghĩa của việc thờ ngôi long đình. Tuy nhiên, ai cũng đoán đó là biểu tượng của phong trào Cần Vương.
Tuy trá hình tôn giáo nhưng ý đồ kháng Pháp của Bổn sư Ngô Lợi không qua được những cặp mắt cú vọ của mật thám, Việt gian. Toàn quyền Pháp cử đốc phủ Trần Bá Lộc đưa quân lính vào càn quét làng kháng chiến.
Nhận thấy quân kháng chiến chưa đủ thực lực, thời cơ khởi nghĩa chưa đến nên Bổn Sư Ngô Lợi không cho tín đồ phản kháng, ẩn nhẫn chịu đựng trận càn quét vô nhân của Trần Bá Lộc.
Theo lệnh của Trần Bá Lộc, quân Pháp bao vây chùa Tam Bửu rồi truy tìm những người lãnh đạo để giết. Trong lúc quân Pháp bao vây, những cao đồ không còn đường rút lui đành chui đại vào ngôi Long Đình ẩn trú. Điều lạ là ngôi Long Đình trống hoác lại không màn che nhưng quân Pháp lại không phát hiện. Nhờ vậy, những người ẩn trú bình an vô sự. Khi quân Pháp rút đi, Bổn sư Ngô Lợi cùng các cao đồ mới rời chùa, bôn tẩu sang Campuchia lánh nạn.
Tuy bị đàn áp dã man nhưng quân Pháp vừa rút đi, các tín đồ lại trở về với làng Ba Chúc.
Hay tin tín đồ trở về vùng Ba Chúc, năm 1885 Trần Bá Lộc lại chỉ huy binh lính kéo đến đàn áp. Lần này, chúng đốt sạch, phá sạch mọi thứ. Vì nghe các tín đồ đồn đại rằng, ngôi Long Đình là nguyên khí của giáo phái, lần càn quét này Trần Bá Lộc cho quân kéo long đình về để ở nhà riêng. Một lần nữa Bổn sư Ngô Lợi phải đào tẩu sang Campuchia lánh nạn. Do vắng giáo chủ, các tín đồ tự đi tìm gỗ quí đóng lại một bản sao ngôi long đình để thờ tự.
Còn tiếp...