Ngôi miếu cổ này nổi tiếng với pho tượng Linh Lang Đại vương 700 năm tuổi có thể “đứng lên ngồi xuống”. Ngài khoác hoàng bào, ngồi trên ngai, tay cầm văn tự, có thể đứng lên nhẹ nhàng rồi lại ngồi xuống từ từ khiến người xem ngỡ ngàng. Qua đó, khâm phục tài năng của những người thợ tạc tượng nơi đây.
Từ xa xưa, làng Bảo Hà là một địa danh nổi tiếng ở TP Hải Phòng về nghề truyền thống như tạc tượng, múa rối. Theo thần phả, Linh Lang là con vua Lý Thánh Tông sinh vào tháng Chạp, năm Giáp Thìn (1064), được đặt tên là Hoằng Chân, mẹ là cung phi thứ 9. Linh Lang được sinh ra tại làng ở Trị Chợ, Thủ Lệ (quận Ba Đình ngày nay). Khi giặc Tống xâm lược nước ta, Hoàng tử Linh Lang chỉ huy quân sĩ chống giặc. Trong một đợt hành quân, ngài tới trang Linh Động (làng Bảo Hà ngày nay) dựng đồn binh, luyện tập binh sĩ, tuyển mộ quân. Về sau này để tưởng nhớ công ơn của ngài, dân làng xây miếu thờ trên nền đồn binh xưa. Các triều đại phong kiến sau này như đời vua Cảnh Thịnh, Tự Đức, Duy Tân và Khải Định đều phong sắc cho ngài là Thượng Đẳng thần, dân làng Bảo Hà tôn ngài là Thành hoàng và tạc tượng thờ.
Bức tượng có từ thế kỷ 13, tuổi đời trên 700 năm với nét độc đáo và kỳ lạ. Không giống các pho tượng được đặt trong các đền đài, miếu mạo, pho tượng thờ Đức Linh Lang Đại vương ở miếu Bảo Hà (xã Đồng Minh, huyện Vĩnh Bảo) được tạc cao khoảng 1,7m như người thật, nét mặt khôi ngô, đầu đội vương miện, mình khoác áo lụa bào trong tư thế ngồi trên ngai, tay cầm văn tự. Pho tượng có thể “đứng lên, ngồi xuống” là sự sáng tạo độc đáo, hiếm có của người dân làng tạc tượng Bảo Hà. Người dân địa phương coi bức tượng là một báu vật của làng.
Bí mật của sự chuyển động của bức tượng Đức Linh Lang Đại vương nằm ở cánh cửa của điện thờ nơi có bức tượng. Các nghệ nhân tạc tượng xưa khéo léo kết hợp giữa nghệ thuật tạc tượng và nghệ thuật múa rối cạn, làm ra hệ thống truyền lực kéo đẩy nối giữa cánh cửa với các khớp của pho tượng. Vì vậy, khi mở, cánh cửa sẽ truyền lực lên pho tượng. Bức tượng dần đứng lên và ngược lại, khi cửa khép lại thì bức tượng lại trở về tư thế ngồi ban đầu. Để đóng, mở cánh cửa để bức tượng đứng lên ngồi xuống, chỉ có người quản lý miếu mới có thể làm thuần thục. Sự chuyển động của bức tượng khiến cho những người đến đây trầm trồ khen ngợi về sự tài hoa của người thợ làng Bảo Hà, khiến ngôi miếu này trở nên linh thiêng, kì bí.
Người có công sáng lập truyền dạy nghề cho dân xã Đồng Minh là cụ Nguyễn Công Huệ. Tương truyền, khi giặc Minh đô hộ nước ta, cụ Nguyễn Công Huệ và một số thanh niên bị bắt đi phục dịch và bị đưa sang Quan Xưởng ở Trung Quốc làm việc. Thời gian này, cụ chuyên tâm học nghề chạm khắc, sơn mài và châm cứu. Đến đời Lê Nhân Tông (1443- 1459), cụ Huệ trở về và dạy nghề tạc tượng cho dân làng. Mọi người suy tôn cụ là Tổ nghề tạc tượng và thờ tại miếu Bảo Hà. Tạc tượng và múa rối là nghề truyền thống biểu hiện tinh thần đoàn kết dân tộc, là điển hình của một làng quê yêu nghệ thuật của huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng.
Năm 1991, miếu Bảo Hà được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia. Đây là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa làng nghề. Ngôi miếu do bàn tay của những người thợ tài hoa thế kỷ XIII chạm trổ hoa văn tinh xảo, đẽo tạc những bức tượng đẹp lưu giữ cho đời sau, trở thành địa điểm tham quan hấp dẫn trong tuyến du lịch du khảo đồng quê tại TP Hải Phòng. Các cao nhân trong làng không giấu nổi sự tự hào. Khi đến mùa lễ hội, rất nhiều du khách đến tham quan miếu Bảo Hà. Họ muốn tận mắt chiêm ngưỡng những nét kỳ lạ, độc đáo của pho tượng Linh Lang, sự linh thiêng, huyền bí của giếng bán nguyệt. Đặc biệt là sự tài hoa được các nghệ nhân của làng đã thổi hồn vào những con rối trong nghệ thuật múa rối nước. Tất cả tinh hoa văn hóa, tinh thần đoàn kết trong cộng đồng cư dân trồng lúa nước thể hiện trong lễ hội truyền thống làng Bảo Hà. Lễ hội này được tổ chức hai năm một lần vào ngày Rằm tháng 3 Âm lịch, thời gian kéo dài khoảng 3 ngày.
Ngày nay, làng Bảo Hà ngày ngày vẫn vang lên tiếng đục chạm, mài gỗ từ các xưởng tạc tượng. Những người thợ tạc tượng Bảo Hà xuất sắc như cụ Hoàng Đình Ức, được phong chức Cục phó Cục Tạc tượng, tước Nam vào năm Cảnh Hưng thứ 32 (1771), Diệu nghệ bá Tô Phú Luật. Trong đó, phải kể đến Kỳ tài hầu Tô Phú Vượng, người gắn liền với những giai thoại còn mãi đến mai sau.