Sự kiện cháy nhà Lang tại Bảo tàng Không gian Văn hóa Mường năm 2013 đã trôi qua 2 năm. Chủ nhân của nó - hoạ sỹ Vũ Đức Hiếu (Giám đốc Bảo tàng Không gian văn hoá Mường) đã không thấy mình đơn độc khi kêu gọi cộng đồng giúp đỡ phục hồi lại nhà Lang. Anh đã được các hoạ sỹ và nhà điêu khắc đáp lời như một sự ủng hộ văn hoá cho việc lưu giữ di sản truyền thống. Cụ thể bằng cuộc Triển lãm và bán đấu giá diễn ra mới đây với tên gọi “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” quy tụ hơn 60 tác phẩm từ hội họa đến điêu khắc của 57 nghệ sỹ thuộc bốn thế hệ khác nhau: Trương Bé, Thành Chương, Lê Thiết Cương, Đào Anh Khánh, Phạm Tuấn Tú, Thái Nhật Minh... Cùng với lòng yêu quý văn hóa Mường và thái độ quan tâm tới công tác bảo tồn di sản, các nghệ sỹ đã lao động miệt mài để cho ra những thành quả nghệ thuật chất lượng nhất tới công chúng. Hoạ sỹ Vũ Đức Hiếu cho rằng, đó là sự mở đầu tốt đẹp cho tương lai của di sản và văn hoá.
Nhà Lang Mường đã cháy rụi dưới tay người tham quan thiếu ý thức, cùng toàn bộ các hiện vật văn hóa trưng bày trong nhà Lang. Đáng tiếc là đã không có ai chịu trách nhiệm về đống tro tàn ấy, giống như nhiều vụ cháy của ngành di sản Việt Nam: Gian Phủ thờ 300 năm tuổi trong chùa Bút Tháp, cháy chùa Tảo Sách, chùa Dơi, cháy đền thờ Lê Lai ở Thanh Hóa… Những di sản văn hóa mất đi đồng thời với sự thất lạc văn hóa, khuyết tật ý thức cộng đồng… Nhưng những mất mát ấy đã vô hình củng cố quyết tâm chữa lành khoảng vỡ di sản, quyết phục dựng lại giá trị văn hóa của rất nhiều trí thức, nghệ sỹ, họa sỹ, nhà điêu khắc trong xã hội.

Chiến dịch gây quỹ cộng đồng 2015 ủng hộ phục dựng nhà Lang tại Bảo tàng Không gian văn hóa Mường với tên gọi “Nhà Lang - Giấc mơ hồi sinh” đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt thành của đông đảo các nghệ sỹ.
Kỳ vọng lớn từ cộng đồng
Di sản văn hóa đã mất hẳn, nhưng còn hy vọng, Phượng Hoàng sẽ được hồi sinh từ trong đống tro tàn. Với kỳ vọng rất lớn về giá trị nhân văn của xã hội sẽ giữ gìn và xây dựng lại những giá trị mới cho cộng đồng, chiến dịch gây quỹ cộng đồng cho Bảo tàng Không gian văn hóa Mường mong gọi lên được sự tử tế trong xã hội để bảo vệ giá trị văn hóa. Và sự kiện đấu giá tác phẩm nghệ thuật để phục dựng nhà Lang mang ý nghĩa dẫn động một xã hội trân trọng nghệ thuật và giá trị đích thực, trân trọng đóng góp của bảo tàng tư nhân với đời sống văn hóa, cũng như vai trò của mỗi con người yêu nghệ thuật trong việc dẫn dắt cộng đồng và lan tỏa trách nhiệm công dân.
Họa sỹ Phan Cẩm Thượng chia sẻ: “Sự gặp nhau này giống như cuộc đàm thoại giữa ba bốn thế hệ, mà nghệ thuật của họ trải từ những năm 1970, rồi 1980 đến nay 2015, gần 45 năm sáng tác. Họ vẫn đang sáng tác dù thị trường nghệ thuật những năm gần đây là hoàn toàn bất lợi với giới mỹ thuật. Ở đó, sự quan tâm rất khác nhau giữa các thế hệ về cuộc sống và nghệ thuật cho thấy những nhát cắt vào các thế hệ, khiến mối liên kết truyền thống trở nên đứt đoạn”.

Họa sỹ Trương Bé cho rằng, đó là khởi đầu cho một hy vọng khởi sắc. Tôi muốn giúp một tay để bảo tàng có kinh phí dựng lại ngôi nhà này. Tác phẩm của tôi được vẽ trong vài tháng và hoàn thành trong năm 2014. Từ trước tới nay, tôi cũng chưa từng tham gia một chương trình nào có cả bốn thế hệ họa sỹ cùng góp mặt, thật đặc biệt và ít thấy!
Họa sỹ Thành Chương chia sẻ: Có thể coi đây là một cuộc “xuống đường” vì văn hóa di sản của giới nghệ sỹ tạo hình. Vì phải đánh thức dậy ý thức bảo tồn đúng đắn cho cả chính sách của nhà nước... Trong bối cảnh rộng hơn là một số bảo tàng tư nhân, trong đó có Việt phủ của tôi, cũng không thể “ôm” hết văn hóa của 54 dân tộc. Thì đã có các cá nhân say mê bảo tồn văn hóa dân tộc của từng vùng. Ở Hòa Bình có anh Hiếu Mường, ở Lai Châu có chị Đỗ Thị Tấc bảo tồn văn hóa người Thái trắng Tây Bắc. Ở trong Quảng Nam còn có anh Nguyễn Thượng Hỷ với công tác bảo tồn văn hóa Chăm và bảo tồn kiến trúc gỗ cổ vùng Ngũ Quảng (từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi)... Đó là những cá nhân đều nên động viên, khuyến khích. Và hóa ra trong xã hội vẫn còn nhiều người tâm huyết, xả thân không biết mệt mỏi.

Các nghệ sỹ tham gia triển lãm ủng hộ phục hồi nhà Lang.
Còn với họa sỹ Lê Thiết Cương, đó là cái tâm, tình tự nhiên, tự nguyện với văn hóa Việt. Một ngôi nhà Lang bị cháy thì không chỉ là mất đi một ngôi nhà, đó là mất văn hóa, mất tri thức, mất truyền thống và mất ký ức. Để phục dựng lại thì công sức của một người là không thể đủ. Sự chung tay đóng góp của các nghệ sỹ cũng như cá nhân tôi không đơn thuần chỉ là khía cạnh vật chất.
Bảo tồn di sản không phải là việc của riêng một ai. Những giá trị truyền thống của cộng đồng phải là việc của chính cộng đồng cùng chung sức bảo tồn. Đó là cách bảo tồn bền vững nhất, đẹp nhất.
Sắp tới, những phác thảo chân thực nhất về ngôi nhà Lang sẽ được giới thiệu. Hy vọng trong tương lai không xa, ngôi nhà Lang sẽ được phục dựng và hiện hữu trong không gian văn hóa Mường như một lời khẳng định về sự chung sức của cộng đồng đối với việc gìn giữ di sản văn hoá dân tộc.
Theo Nguyễn Minh Đức (Làng Việt Online)