Giá trị văn hóa nghệ thuật cụm di tích đình, đền chùa Bảo Sài

19/12/2016 10:11

Theo dõi trên

Với bề dày lịch sử và những giá trị đặc biệt về mặt vật thể cũng như phi vật thể, cụm di tích đình, đền, chùa Bảo có vai trò và ảnh hưởng vô cùng to lớn trong đời sống cộng đồng cư dân phường Phạm Ngũ Lão, Tp. Hải Dương.

Cụm di tích đình đền chùa Bảo Sài

Đình quay hướng đông nam, kiến trúc kiểu chữ Đinh, gồm bái đường 5 gian hai trái, ống muống và hậu cung. Sáu vì kèo, sáu hàng cột lim, chân đá tảng xanh vững chãi. Ở vì kèo gian trung tâm, các cột rường và đấu vuông đều chạm nổi hoa lá. Nối trung tâm bái đường với hậu cung, có bức mục dục sơn son thếp vàng, cấu tạo như cuốn thư, phía trên có bức đại tự Hộ quốc phúc thần (hai di vật này đã bị Pháp phá hoại trong thời kỳ tạm chiếm thành phố). Giữa bái đường và hậu cung là cửa cấm sơn son thếp vàng. Tấm ván gió trên khung cửa vẽ lưỡng long chầu nguyệt. Hậu cung kiến trúc đơn giản theo kiểu bào trơn đóng bén. Chính giữa cung, một nhang án lớn thờ bài vị, có chiếc mũ và đôi hia tượng trưng cho anh linh của võ tướng Trương Mỹ.




Chùa Bảo Sài - danh lam cổ tự nổi tiếng Hải Dương.

Đền và chùa ở cách đình vài trăm mét. Đền có tên là Thanh Hư Động thờ công chúa Tiên Dung (con gái Vua Hùng thứ 18), người đã kết duyên cùng Chử Đồng Tử. Đền cũng xây theo kiểu chữ Đinh. Tại gian giữa tòa tiền tế treo một bức cửa võng sơn son thếp vàng, phía trên là bức đại tự Bồng Lai cung quyết. Giữa gian hậu cung có ban thờ sơn son thếp vàng , trên có hai cỗ ngai, một trong hai ngai thờ công chúa Tiên Dung. Vào lễ nơi đây, ai cũng có sự liên tưởng tới phu nhân Chử Đồng Tử. Ngày nay, dòng họ Chử ở Bảo Sài rất đông, chỉ khác tên đệm (Chử Đức, Chử Hữu, Chử Ngọc, Chử Bá, Chử Tăng…).

Cạnh đền là chùa thờ phật có tên là Thanh Lương Động Tự. Chùa cũng làm theo kiểu chữ Đinh. Chùa có 5 gian tiền đường, 3 gian thượng điện, ngoài ra còn một số công trình như nhà thờ mẫu mới xây và nhà ở của ni sư, kho, bếp… Các vì kèo được làm kiểu con chồng đấu sen. Đầu vẩy chạm hình rồng cách điệu. Tại phần tiếp giáp giữa tiền đường với hậu cung treo bức cửa võng kép, trên chạm hình hổ phù, xung quanh chạm tứ linh.

Giá trị văn hóa nghệ thuật cụm di tích

Cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài có một giá trị vô cùng to lớn trong đời sống của cư dân phường Phạm Ngũ Lão nói riêng, thành phố Hải Dương nói chung.

Đình Bảo Sài được xây dựng để thờ đại vương Trương Mỹ hay có tên gọi khác là Mỹ Công – một vị tướng dưới thời Hai Bà Trưng, đã có công đánh đuổi giặc ngoại xâm phương Bắc. Cuốn ngọc phả trong đình ghi chép lại cho biết thân phụ của Mỹ công là ông Trương Nghiệp, thân mẫu là bà Đào Thị Vĩ quê ở trang An Tràng, huyện Thống Giang, phủ Thiệu Thiên, Ái Châu. Ông là người đức độ, chuyên làm thuốc, trị bệnh cứu người, từ miền đất Ái Châu ông bà đã tìm đến vùng đất Bảo Sài thuộc Bình Lao trang để làm ăn sinh sống. Tại đây ông bà đã sinh được người con trai và đặt tên con là Mỹ. Mỹ Công lớn lên trí tuệ tinh anh, học đâu nhớ đấy. Đến năm 18 tuổi thì văn chương thấu suốt, võ nghệ tinh thông, suốt ngày ham đọc sách, thích bắn cung.




Đình Bảo Sài trong tâm thức cư dân Hải Dương.

Có thể thấy rõ, về mặt lịch sử, Cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài phường Phạm Ngũ Lão thành phố Hải Dương gắn bó mật thiết với đời sống tinh thần và vẻ đẹp văn hoá của cư dân nơi đây. Chùa vừa thờ Thần vừa thờ Phật, đó là nét đặc trưng của phật giáo Việt Nam. Với sự hiện diện của tín ngưỡng bản địa, làm tăng thêm nội dung giá trị của Cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài. Và có thể nói đó là một vốn quý trong các di sản văn hóa của Hải Dương, cần được quan tâm giữ gìn xứng đáng. Sau nhiều năm tồn tại, Cụm di tích đình, đền, chùa Bảo Sài hiện đang còn bảo lưu được vẻ đẹp nguy nga, cổ kính, nơi đây luôn ẩn chứa những giá trị đặc biệt của lịch sử.

(Theo Làng Việt Online) 

Tố Uyên
Bạn đang đọc bài viết "Giá trị văn hóa nghệ thuật cụm di tích đình, đền chùa Bảo Sài" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.