Giá trị lịch sử Đền Chân Suối (Tam Đảo)
06/07/2016 23:26
Tương truyền, đền Chân Suối có từ thời bà Đào Liễu (Mẹ của tổ mẫu Tây Thiên Lăng Thị Tiêu) hóa thân ở đây. Ban đầu đền được dựng bằng tranh, tre, nứa, lá trùm lên ngôi mộ thiêng. Đến triều Nguyễn, đền được dựng lại theo kiểu chữ đinh gồm hai tòa: tiến tế và hậu cung bằng chất liệu gỗ tốt, đóng bén, bào trơn, mái lợp ngói đỏ, cửa đền có cột trụ, đèn lồng, giáp quốc lộ, có tam quan.
Hoành Phi: Vạn gia từ mộ (Tức: Muôn năm nhà mộ bình yên)
Đền Chân Suối Làng Hà, xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, Vĩnh Phúc (Km 13, Quốc lộ 2B đường đi Tam Đảo). Nằm ở ngay bên dưới dòng Thác Bạc đổ xuống từ dãy núi Tam Đảo do hợp tất cả các ngọn nguồn lại thành con suối chảy quanh khu đền. Con suối thơ mộng xanh non của màu sự sống, trên mặt nước sương mờ phảng phất, huyền ảo khí thiêng, được gọi là đền Chân Suối.
Ngôi đền tọa lạc trong khuôn viên 1500m2, dưới chân núi Tam Đảo. Từ cửa đền nhìn ra phía Tây là vùng hồ rộng lớn, như một tấm gương khổng lồ tạc cảnh trời mây, núi, dáng núi, xã núi Ngang tự hình con voi nằm phủ phục, quay đầu về đền Chân Suối. Phía sau đền, quốc lộ 23 giống như hình con rồng uốn lượn giữa màu xanh bất tận đồng đồi. Phía Bắc đền, dòng suối Bạc mang linh khí tự mạch đất thiêng, nơi thượng sơn đổ vào lòng hồ, tỏa khắp các cánh đồng mênh mang sông lúa.
Trải qua nắng ngàn, mưa móc, cây đa đổ vào toàn tiền tế, mái sập, một cột trụ bị gãy, mất phần đèn lồng khiến ngôi đền bị xuống cấp nghiêm trọng. Trước sự xuống cấp, năm 1986, chính quyền địa phương, ngành văn hóa cùng bách gia trăm họ công đức. Dân làng Hồ Sơn đã dựng lại tiền tế theo kiểu quá giang gối tường.
Toàn bộ kiến trúc ngôi đền hiện nay, chỉ còn hậu cung là cổ kính. Ngoài ra trong đền còn lưu giữ được 08 pho tượng quý, mỗi pho tượng được bàn tay nghệ nhân biểu cảm, từng nét sinh động tạo nên gương sắc người phụ nữ dịu hiền, quý phái. Đặc biệt bức hoành phi câu đối bằng chữ Hán chạm nổi, sơn then, trong đền còn ghi:
Hoành Phi: Vạn gia từ mộ (Tức: Muôn năm nhà mộ bình yên)
Câu đối:
Sơn nhạc chung linh xuân hương triều vân giai pháp bảo
Ân Thương phả phố lâm phong truyền thủy thư tiêu hưu.
Tạm dịch:
Núi non tụ hội thiêng đẹp mãi hai triền mây phủ đền quý báu.
Tựa đời Ân Thượng rừng rậm suối trong chim hót véo von muôn thuở.
Một quả chuông đồng, một bát hương gốm Hổ Hà và 4 sắc phong triều Nguyễn:
Đồng Khánh nhị niên bát nguyệt sơn nhất nhật (ngày 1 tháng 7 năm 1887)
Duy Tân tam niên bát nguyệt thập nhất nhật ( ngày 11 tháng 8 năm 1909)
Khải Định cửu niên thất nguyệt khí thập ngũ nhật (ngày 25 tháng 7 năm 1924)
Nguyên văn một đạo sắc phong như sau: Sắc chỉ Sơn Tây tỉnh, Tam Dương huyện, Dị Nậu xã, tàng tiền phụng sự chân an trợ thuận tĩnh trọng Tiêu nương Tam Đảo Sơn trợ phái thu nhân chỉ thần ban tiết kinh ban cấp sắc phong chuẩn kỳ phụng sự Tự Đức tam thập nhất niên chính trực trẫn ngũ tuần đại khánh tiết kinh ban bảo chiếu táo ân lễ đăng phủ phong chuẩn hứa y cựu phụng sự chỉ quốc khánh nhi thuần lễ điền khẩm thư.
Đặc biệt là ngôi mộ bằng đất sừng sững trong hậu cung. Theo các cụ cao niên trong làng kể lại: Đã hàng chục thế kỷ trôi qua, mà ngôi mộ vẫn dữ nguyên hình trạng, với kích thước cao 1m9, rộng 2m4.
Trước những giá trị văn hóa, lịch sử của ngôi đền, ngày 26 tháng 01 năm 1995 đền Chân Suối được Sở VHTT tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là di tích lịch sử văn hóa.
Lễ hội chính của đền Chân Suối vào các ngày 12 tháng 03 âm lịch hàng năm, là ngày hóa của Quốc Tổ Mẫu Đào Liễu. Nhà đền tổ chức lễ tế cúng khách thập phương về dâng hương hết tháng 03. Trong những ngày này, hội là phần không thể thiếu các trò chơi dân gian nhằm khơi lại nét văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc.
Ngày 10 tháng 11 âm lịch, kỉ niệm ngày trước thần hiệu: Nhân dân làng Hà sẽ rước kiệu từ đền Chân Suối về đình làng Hà làm lễ tất niên để tưởng nhớ công đức sâu dày.
Tương truyền đời Hùng Vương thứ 6 ở động Tam Dương, phủ Đoan Hùng, đạo Sơn Tây có ông bô trưởng tên là Lăng Vĩ và vợ là Đào Liễu. Ông có dáng người khôi ngô, chí khí anh hùng, tính tình hòa hiệp. Bà là người dịu hiền thông minh, độ lượng thương người. Mặc dù tuổi cao nhưng ông bà vẫn chưa có con. Biết tin núi Tây Thiên có vườn tiên rất linh thiêng, cỏ thơm, lá ngọt, hoa nở bốn mùa, sắc thắm hương đưa dưới làn mây ngưng.
Ông bà Vĩ bèn biện lễ đến thắp hương cầu tự, lễ xong vườn đã tối, ông bà đành nghỉ lại vườn thiêng. Lạ thay, trong giấc ngủ, bà Liễu thấy mình đang đi hái thuốc, bỗng đám mây ngũ sắc bao phủ kín nơi bà nằm, mùi thơm ngào ngạt, có một con chim phượng hoàng dang rộng đôi cánh, từ trong mây bảy nàng tiên bước xuống bên bờ suối soi mình, chải tóc, đuổi bướm, hái hoa.
Đang lúc vui đùa thỏa thích, bống tiếng rừng xao động mạnh; giật mình 6 nàng tiên vội bay vút lên cao, còn một nàng bị vướng dây rừng không theo kịp, bà bước lại gỡ giúp cho nàng. Nhanh như một ánh chớp, dịu dàng và lạ lùng, nàng biến thành bé gái xà vào lòng đòi bế, bà bế bé trong nỗi niềm lâng lâng khó tả. Trên đường về nhà, dân làng ùa ra theo bước chân gấp gáp của bà khoanh tay chào lễ phép “nhũ mẫu bế hoàng hậu đi chơi ạ”.
Bà Liễu giật mình tỉnh dậy mới biết là mình nằm mơ. Song, thật bất ngờ sau 12 tháng bà Liễu cả dạ, vào ngày 10 tháng 5 năm Giáp Thân bà sinh ra một người con gái rất đẹp, mắt phượng, mày ngài, cổ cao ba ngấn. Khi sinh khí thảm đầy nhà, hòa quang tỏa sáng.
Nữ nhi xinh đẹp giống như người trong mộng. Cô bé giọng trong như tiếng sáo. Tên gọi nàng Tiêu mà cha mẹ đặt cho gắn với bao huyền thoại của núi rừng. Càng lớn nàng lại càng giởi cầm, kỳ, thi, họa, thông thạo binh thư, tài thao lược, cưỡi ngựa bắn cung rất thiện xạ, ném đá siêu phàm, trai tráng, nam nữ đều thần phục. Khi 20 tuổi nàng trở thành anh hùng nổi tiếng cả một vùng phủ lộ đều tôn bà là bà tướng.
Bấy giờ, ở phương Bắc giặc Ân cậy quân hùng, tướng mạnh sang xâm lược nước ta. Vua Hùng thảo chiếu sai sứ giả đi khắp nơi mời người tài giỏi ra giúp nước và truyền hịch gọi các thổ hào, mang dân binh phối hợp với các hoàng tử cùng quân nhà vua đánh đuổi giặc.
Nghe hịch sứ giả truyền, Lăng Thị Tiêu xin phép mẹ cha cho nàng ra trận, cùng huy động nhân dân tham gia chống giặc. Được sự ủng hộ của nhà vua, Lăng Thị Tiêu chia ba quân từ ba mặt đánh vào căn cứ của giặc ở Quỳnh Nhai và giết hơn 1 vạn tên. Giặc Ân thua to phải tháo chạy về nước.
Đất nước trở lại thanh bình, Lăng Thị Tiêu dẫn quân về triều phụng chỉ. Vua Hùng mở yến tiệc khao thưởng quân sĩ và phong chức nội các cho 2 mẹ con rất vinh hiển nhưng cả 2 đều nhất mực từ chối, chỉ xin đức Vua được về lập bản doanh bên hồ chân Suối để phụng dưỡng mẹ cha. Vua Hùng đồng ý, phong Lăng Thị Tiêu là Tam Đảo Sơn Trụ Quốc Mẫu. Sau đó không lâu Lăng Thị Tiêu kết duyên vợ chồng với hoàng tử Lang Liêu.
Một hôm, Lăng Thị Tiêu được tin thân mẫu qua đời, nàng xa giá trở về chịu tang mẹ. Đến nơi thấy mối đã đắp thành nấm mộ, người buồn rầu lên đỉnh núi Tây Thiên thăm lại nơi mẹ cha từng cầu tự. Bỗng đám mây ngũ sắc từ đâu hạ xuống bên nàng.
Trong làn sương khói, một vì thần tiên hiện ra truyền rằng: Nàng vốn là con gái thần võ nghệ, nay hạn kỳ đã hết nàng phải trở về thượng giới. Nghe xong nàng xuống suối tắm gội, rồi theo thiên sứ đi vào mây. Hôm ấy là ngày mùng 5 tháng 2 âm lịch.
Để ghi công đức sâu dày của Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu, dân làng Hà, xã Hồ Sơn đã rước thần hiệu về đền Chân Suối thờ phụng cùng quốc tổ mẫu Đào Liễu. Vùng đất này xưa thuộc bộ Văn Lang thời Hùng Vương, nay là xã Hồ Sơn, huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.
Tiến Dũng - Lê Hoàn
Bạn đang đọc bài viết "Giá trị lịch sử Đền Chân Suối (Tam Đảo)" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ.
Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.