Ghi ở triền Tây Quảng Trị

16/04/2016 17:56

Theo dõi trên

Nơi ấy đã từng là một chiến trường vô cùng ác liệt ngoài sức tưởng tượng của con người ta. Nhưng bây giờ miền đất ấy đã trở thành một miền quê yên bình, đẹp như trong tranh với ký ức trải nghiệm qua những thời kỳ chiến tranh. Nơi ấy, con người và cảnh vật như níu kéo, gọi mời từng bước chân du khách mỗi lần đặt chân đến đây.



Cựu chiến binh Hồ Văn Sanh trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại

Mặn mòi Đăk Rông

Ly cà phê bên đường Hồ Chí Minh một buổi sáng chúng tôi nấn ná ở thị trấn vùng cao êm đềm của Huế để nhâm nhi tận hưởng giây phút nhẹ lòng. Chim ríu rít đón một bình minh ửng nắng. Xa xa, những dải mây trắng và khói đá chùng chình, quấn quýt núi rừng. Ngồi giữa trai thanh gái lịch, giữa những nền nã thị dân miền núi đã bước qua ngưỡng khởi động của đời sống để bừng thức một tương lai không còn cảnh đói cơm lạt muối, bừng thức một niềm tin rời xa khó nghèo để vươn vai giàu đẹp và bản sắc. Tiếng nói người dân sơn cước nghe nhẹ và thanh. Chợt lẫn trong giai điệu du dương âm sắc vùng miền đặc trưng ấy là giọng thô mộc quen thuộc của một cô bé người Tà Ôi khe khẽ hát. Có chút vui vui không tên len lỏi vào đâu đó lòng mình. Thầm chào những bất chợt bên hành trình thiên lý, chúng tôi tiếp tục lên đường.

Dòng sông Đăk Rông nổi tiếng của địa phận Quảng Trị lại luôn song hành về phía bên Tây. Đón chúng tôi trên quãng đường này bằng một cơn mưa ngọt ngào. Mưa ra mưa, sây hạt nhưng không xối xả, những giọt nước trời tinh khiết châm chích nghe nhoi nhói vừa đủ chau mày. Cứ thế chúng tôi tận hưởng cái thú vi vu qua con đèo PêKe dài 8 cây số. Bản thân con số 8 lạnh lùng chỉ là thông số kỹ thuật về một khu gian của ngành GTVT mà thôi, chớ dưới mắt thưởng ngoạn, thụ hưởng của người biết quý yêu cái đẹp về quê hương đất nước, yêu cuộc sống yên bình hôm nay, yêu màu xanh sông suối hiền hòa và sắc diệp lục man man cây lá thì đó chỉ là một thông tin chưa thấu đáo. Đôi bạn đồng hành “sông Đăk Rông - đường Hồ Chí Minh” gặp nhau ở chỗ giáp biên của Thừa Thiên - Huế và Quảng Trị rồi rủ rỉ tâm tình như hai người yêu trẻ tuổi, quấn quýt bên nhau không muốn tách rời, chúng nói gì với nhau ta không biết, chỉ thấy chúng cùng ta lâng lâng một khoái cảm nhẹ nhàng mà dìu dặt, song đó là cảm nhận lứa đôi, một ví von bất khả vì sự vô vọng của câu chữ không thể diễn đạt rốt ráo ý nghĩa của đất trời, của duyên hợp duyên tan bèo mây trú xứ. 

Bóc tách sự lý khô khan để minh triết về một mỹ cảm. Đèo PêKe và suốt cả tuyến đường kéo dài ra đến tận cầu Đăk Rông, điểm nhấn về công trình xây dựng giao thông rất ấn tượng trên rừng xanh núi thẳm này, thì tuyến đường dưới mắt nhìn lữ khách như một phụ nữ đã đến độ mặn mòi, đã qua thời thơ ngây khờ khạo, biết mình đẹp chừng nào và biết cái lợi thế của mình sẽ tác động đến đối phương để dẫn dụ và mời gọi. Đường cũng lên dốc xuống thung, cũng quanh co uốn lượn, đây đó rời rạc vài xóm nhà của những đồng bào Pa Kô, Tà Ôi, Tà Hy, Vân Kiều… Một không gian yên bình gần như tuyệt đối, một tĩnh lặng vô nhiễm ước ao riêng dành cho ai đã mỏi mệt lấn chen giữa cuộc xô bồ. Đường bằng phẳng rộng thoáng mà thanh, những vòng lượn duyên dáng mà an toàn, những con dốc có độ xuôi vừa phải, tạo cảm giác yên tâm để vừa chạy xe vừa đưa mắt ngắm nhìn, giá như được thanh thản áo cơm mà đi trên tuyến đường này, mà gắn bó cuộc đời với nơi chốn này thì đó có thể xem như diễm phúc trên cõi nhân thế đầy những rập rình bất ổn…

Cựu binh Hồ Văn Sanh người Tà Ôi kéo mơ mộng xa vời của chúng tôi về thực tại. Gặp nhau ở một con dốc tuyệt đẹp và râm mát. Với tuổi 84 mà những bước chân lên dốc của cụ vẫn dứt khoát, thanh thoát, cho thấy môi trường sống ở đây lý tưởng đến chừng nào. Tham gia kháng chiến từ 1959, kinh qua nhiều trận đánh khốc liệt, hòn tên mũi đạn chừa ra để lành lặn trở về. Những tưởng thế là may mắn lắm. Ngờ đâu về với làng bản thanh bình chưa được bao nhiêu ngày êm ấm thì người vợ thân yêu bỏ ông mà đi…”Chết rồi!!! Chết hơn mười năm rồi mà không biết chết ở đâu…”. Giọng ông ráo hoảnh. Quy vào đâu cho từng bất hạnh của mỗi đời người? Giữa cái đẹp tươi ròng hân hoan của núi rừng chợt gợn lên nỗi buồn nhân loại. Chia tay ông, người cựu binh già bên thiên sơn vạn lý, lại một ray rức khó xử cho tôi khi ông hỏi với theo “Có quần không?”, bàn tay khô rắn cầm chiếc tẩu thuốc đã tắt lửa chỉ vào chiếc quần trận bạc màu nhăn nhở.

Về với Khe Sanh

Mảnh đất này, tôi vẫn thường nghe mấy những người lính kể chuyện về chiến trường, về những trận đánh dữ dội của hai bên, về những tên đất tên làng, những mặt trận đã trở thành lịch sử của một quê hương lầm than tao loạn, của một đất nước mà vận mệnh luôn thử thách. Ký ức về chiến trường Khe Sanh qua từng câu chuyện rời rạc nhưng luôn có chung một tâm lý. Đáng sợ, khủng khiếp! Một vùng đất chết. Nghĩ về Khe Sanh, tôi nhớ như in khuôn mặt thất thần của người lính trẻ năm ấy khi ngồi trong căn cứ tan hoang mà nghệ sỹ ảnh chiến trường Đoàn Công Tính đã ghi lại. Ám ảnh nhất là đoạn người ta kể về những đôi giày Bosdeshaut nằm lăn lóc bên đường khi tàn quân VNCH tháo chạy bỏ lại, loại giày trận làm bằng da cực tốt, có tấm thép lót dưới lòng bàn chân để chống lại các loại chông. Trải qua nắng mưa cũng chẳng hề hấn hay hư cũ. Tiện tay người ta nhặt lên để đem về dùng lại, ngờ đâu khi đổ ra trong ấy còn sót những lóng xương bàn chân của người chết trận. Anh kể về những chiếc nón sắt méo mó, vở toát và lỗ chỗ vết đạn…

Từ ngã ba ngay đầu cầu Đăk Rông về phía Bắc rẽ tay trái theo “Đường 9”. Chừng hơn vài chục cây số là ta gặp những địa danh vang dội một thời. Khe Sanh, Làng Vây, Lao Bảo… Hai bên đường xuất hiện mấy lều chợ rất “bản địa” của người Vân Kiều, năm bảy túp lều tranh tre tạm bợ vá víu bên đường, bày bán các loại sản vật địa phương. Những trái mít căng tròn ngon mắt, những trái thơm chín vàng làm tứa nước miếng chân răng, những búp măng núi bụ bẫm, rồi khoai, rồi sắn. Chúng tôi chạy xe lên theo một con đèo không tên dài chừng  bốn năm cây số. Đường đèo đẹp, rộng, tầm nhìn thoáng đãng, cái vi vu ở con đèo này nếu đem “đọ” với đèo PêKe thì nó đúng là một “cô gái tươi trẻ và nhí nhảnh”, có phần dễ “phĩnh” hơn, tuy cũng điệu đàng vài cú ngoặc đe dọa để “làm giá” nhưng với những tay lãng tử đường trường thì việc tán tỉnh chinh phục cô em chẳng qua làm ra vẻ giả khó để lấy lòng.

Thị trấn Khe Sanh của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) tạo một điểm nhấn là tượng đài Khe Sanh tọa lạc ngay cửa ngõ dẫn vào một khu phố xá đã rậm rịch hiện đại kiểu vùng cao. Phố có dốc dài, hai bên đường đầy đủ những cửa hàng sang trọng cung cấp nhu cầu thị trường cho một bộ phận dân chúng tương đối khá giả và sung túc. Dễ hiểu thôi. Đây dứt khoát là điểm tập trung, trung chuyển hàng hóa xuất nhập qua cửa khẩu Quốc tế Lao Bảo, từ đó kéo theo những dịch vụ giải quyết công ăn việc làm cho đại bộ phận lao động địa phương. Đi hết thị trấn, chúng tôi thấy một ngôi thánh đường của đạo Thiên Chúa nằm ngay chân dốc ở cuối phố. Khiêm tốn về quy mô xây dựng nhưng rất đẹp về kiến trúc, cho ta nhận ra sự an bình trong tâm thế của người dân sở tại. Những xe máy đắt tiền chạy đan xen trên đường, nhiều cô gái trẻ trang phục rất đẹp mắt, sang trọng và thời thượng.

Khe Sanh hôm nay đã thật sự lột xác, xóa nhòa ký ức khủng khiếp một thời trong nhớ nghĩ của con người, lớp trẻ hôm nay chẳng thể nào hình dung nổi, nơi họ sinh ra, nơi họ đang sống từng là một ám ảnh nặng nề, dữ dội mà sức tưởng tượng của con người đành bất lực.


Món “lạp bò” được cho là đặc sản Khe Sanh mà chàng trai quê Khe Sanh chiêu đãi chúng tôi trong một buổi chiều gặp gỡ ngắn ngủi xem như kỷ niệm nhỏ, nhưng đáng yêu giữa những người chẳng hiểu vì sao lại lẩn thẩn vơ vào tội nợ văn chương chữ nghĩa mải rong ruổi đi tìm vẻ đẹp của đất nước quê hương.
 
Tiến Lê

Bạn đang đọc bài viết "Ghi ở triền Tây Quảng Trị" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.