Chỉ có một tay nhưng tiếng đờn của ông Hai Cụt rất ngọt ngào, da diết.
Đờn chỉ một tay
Chiến tranh đã lấy mất của ông Thái Văn Hai (tên thường gọi là ông Hai Cụt) một cánh tay, lúc ấy ông 22 tuổi. Ở cái tuổi đôi mươi, chỉ còn một cánh tay, ông Hai Cụt không tránh khỏi mặc cảm trong cuộc sống. Những lúc buồn, ông thường tìm đến tiếng đờn để khuây khỏa nỗi niềm. Những thanh âm hò - xự - xang - xê - cống từ cây ghi-ta phím lõm lúc du dương, trầm bổng; lúc da diết, thiết tha… như một người bạn cùng ông chia sẻ niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống.
Trong những năm trước giải phóng, ở xã cù lao Ngũ Hiệp, phong trào đờn ca tài tử rất sôi nổi, đi đâu ông cũng nghe hò - xự - xang - xê - cống, nghe riết tiếng đờn thấm vào người, đâm ghiền. “Nhiều lúc đang ngủ mà nghe tiếng đờn văng vẳng đâu đó trong xóm là tôi bật dậy chạy đến để nghe. Hễ thấy ai bỏ cây đờn xuống là tôi chạy đến cầm lên tập” - ông Hai Cụt nhớ lại.
Thấy ông chỉ còn một tay mà muốn học đờn nên nhiều người cười bảo: “Có một tay mà đờn cái gì!”. Tuy vậy, cũng có người động viên: “Một tay mà đờn được thì mới hay hơn người, cố gắng lên!”. Nghe vậy, ông Hai phấn khởi, đã tự mày mò học đờn từ băng cassette, từ đài… Nhờ sáng dạ nên dần dần ông đã đờn được các bài bản vắn: Nam xuân, Nam ai, Tây Thi… “Người ta có 2 tay thì 1 tay bấm phím, 1 tay khảy đàn. Còn tôi, chỉ có 1 tay nên phải vừa khảy đàn vừa bấm phím. Lúc mới tập, khó khăn dữ lắm, nhưng vì niềm đam mê nên tôi quyết tâm luyện tập hằng ngày cho được mới thôi” - ông Hai Cụt chia sẻ về những ngày đầu mới học đờn.
Với mong muốn kiếm sống bằng niềm đam mê, năm 1971 ông tìm đến thầy đờn Hồ Điệp để học bài bản. Sau khi được thầy chỉ dạy, ngón đờn của ông nhanh chóng trở nên điêu luyện, nhờ đó ông được nhận vào Đoàn Cải lương Rạng Đông, lưu diễn khắp các tỉnh miền Tây Nam bộ, được nhiều người ái mộ.
Rồi cải lương bước vào giai đoạn thoái trào, các đoàn cải lương lần lượt rã gánh, ông phải trở về quê, gắn bó với mảnh vườn và đi đờn phục vụ đám tiệc để kiếm thêm thu nhập.
Năm 1998, ông Hai Cụt được triệu tập vào Đội Văn nghệ của tỉnh, tham gia Hội diễn Văn nghệ quần chúng do Quân khu 9 tổ chức. Ông dự thi tiết mục độc tấu bản Nam xuân và vọng cổ, được tặng Huy chương Vàng. Ngoài ra, ông còn nhận nhiều giải thưởng từ các hội thi, hội diễn văn nghệ cấp tỉnh, cấp huyện.
Truyền lửa đam mê
Ở tuổi 67, đã gắn bó với đờn ca tài tử nhiều năm, ông Hai Cụt không khỏi trăn trở về loại hình nghệ thuật truyền thống này của dân tộc. Ánh mắt nhìn xa xăm, ông ngậm ngùi chia sẻ: “Sau này ít người nghe đờn ca tài tử. Không biết những đồng nghiệp ở Đoàn Cải lương Rạng Đông (đã giải thể lâu lắm rồi) bây giờ ra sao, có còn theo nghề hay về quê làm vườn với gánh nặng cơm - áo - gạo - tiền?”. Ông Hai Cụt thở dài, rồi nói tiếp: “Tiếng đờn như một người bạn tri âm, cùng tôi tâm tình, chia sẻ, làm sao bỏ được. Những cung bậc trầm bổng, du dương là niềm vui của tôi lúc tuổi già”. Nhiều lúc ông ngồi một mình đờn lại những bài bản mà ngày xưa đã làm nên tên tuổi của Hai Cụt, như để hoài niệm một thời quá khứ đã qua.
Với mong muốn khôi phục loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc, ông Hai Cụt mở lớp truyền nghề cho thế hệ trẻ trong xã nhằm gầy dựng lại phong trào đờn ca tài tử. Từ đó, không ít học trò của ông trở thành những “cây văn nghệ” trong phong trào đờn ca tài tử của xã. “Thời gian gần đây, tôi rất mừng vì thấy cải lương, đờn ca tài tử xuất hiện nhiều trên tivi. Hy vọng loại hình đờn ca tài tử trở lại thời vàng son!”.
Anh Phan Minh Huân, 22 tuổi, ngụ cù lao Ngũ Hiệp, cho biết: “Tiếng đờn của ông Hai Cụt lúc nào cũng da diết như tiếng lòng của ông - một người cơ cực nhưng giàu lòng nhân ái, giàu nghị lực và có tình yêu mãnh liệt với đờn ca tài tử. Ngọn lửa đam mê trong ông đã lan truyền sang lớp trẻ chúng tôi”.
Ông Nguyễn Thanh Trung, Phó Chủ tịch UBND xã Ngũ Hiệp thì cho rằng: “Ông Hai đã có đóng góp rất nhiều cho phong trào đờn ca tài tử của xã. Ngoài biệt tài đờn một tay, ông Hai còn là một trong những tấm gương tiêu biểu về đạo đức, lối sống, được bà con yêu mến, nể phục!”.