Gặp người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam

02/05/2015 22:10

Theo dõi trên

Tưởng chừng những hòn đá nằm rải rác dọc ven các con suối là vật vô tri vô giác, không có giá trị ấy vậy mà một khi đã đến với bàn tay của ông Lê Đức Vỹ ở Đà Nẵng nó trở thành những kiệt tác đẹp đến tuyệt vời. Với việc thành công “phóng” hình lên đá năm 2007 ông đã được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập kỷ lục là người làm thạch ảnh đầu tiên ở đất Việt.

Đã hơn 8 năm trôi qua từ ngày được xác lập kỷ lục, chúng tôi may mắn được trò chuyện với “nghệ nhân thạch ảnh” và được ông chia sẻ về nghề “độc” và “lạ” này…
 


Nghệ nhân thạch ảnh Lê Đức Vỹ 

Sinh ra và lớn lên không ở một làng quê nghề truyền thống nào, xuất thân không phải trong một gia đình có truyền thống đam mê nghệ thuật. Nhưng những ngày còn nhỏ những cuộc du chơi, lội suối đã đưa chàng thanh niên ở phường Thọ Quang, Sơn Trà (Đà Nẵng) đến với nghề nhiếp ảnh khi nào không hay.

“Thời đó, nghề ảnh không đủ nuôi sống bản thân, mình phải làm đủ nghề để duy trì cuộc sống gia đình. Sau khi đất nước hoàn toàn giải phóng mình cũng xin nghỉ dạy học ở trường tiểu học để lao vào cuộc chiến “cơm, áo, gạo tiền” bằng nhiều nghề để cố gắng đưa cái gia đình mình thoát khỏi cảnh nghèo túng”, ông nhớ lại những ngày cơ cực.


Đến đầu năm 1993, trong một lần lội suối “kiếm ăn” trên bán đảo Sơn Trà nhìn những viên đá cuội với nhiều hình hài khác nhau nằm lăn lóc dưới lòng suối trong đầu ông khi đó hình dung và suy nghĩ mọi thứ. Vốn là người có lòng đam mê hội họa, cũng từng thất bại với nghề ảnh trong đầu ông Vỹ khi đó đặt ra nhiều câu hỏi với những vật vô tri vô giác đó. Vì ông quan niệm rằng: “Mỗi vật trên cõi dân gian đều có vị trí riêng của nó, nhưng vì cái gì đó mà đã phá vỡ quy luật thì mình nghĩ làm gì để lấy lại giá trị của nó đã bị phá vỡ”. Rồi “nhìn những hòn đá tuy nó ghồ ghề, hình dạng khác nhau nhưng nếu mình thay đổi nó một chút tức thì nó sẽ có giá trị”. Nghĩ là làm, trong thời gian này ông đã bắt tay và thành công với việc phóng ảnh đen trắng lên mặt đá khi thời đó trong dân gian con người ta đổ xô đi làm ảnh truyền thần. 

Công việc làm ăn đang “thuận buồm xuối gió” thì thị hiếu của khách hàng cũng dần thay đổi. Từ đó, những khoản vốn đầu tư vào hàng trăm tấm đá, hàng nghìn lọ hóa chất bỗng dưng ế ẩm, không tiêu thụ được. Lại một lần nữa niềm đam mê nghệ thuật của ông không những không nuôi nổi gia đình mà thậm chí càng làm cho cuộc sống của gia đình ông khi đó càng trở nên nghèo túng hơn khi lúc nào hết.

Không chịu đầu hàng với niềm đam mê của mình, ngày đêm người đàn ông trung niên thời đó vắt óc suy nghĩ với bao nhiêu vấn đề liên quan về đá và ảnh. Rồi một ý tưởng bỗng lóe ra khi với triết lý. “Muốn thành công bất kỳ về cái gì đó thì mình phải làm những cái gì họ chưa làm được, nghĩ cái gì mà người ta chưa nghĩ tới may ra mới cứu được cộc sống này”, ông chia sẻ.

Và một hành trình mới trên con đường nghệ thuật của ông lại bắt đầu trên những hòn đá cuội. Hằng ngày cứ vào mỗi sáng sớm ông lại đạp xe lên tận các huyện miền núi ở phía Tây tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, luồn lách qua các khe suối ngọn đồi đi lượm nhặt những viên đá độc đáo nhất, đồng thời cho nhập về các hóa chất "xịn" để thực hiện hoài bão của mình. Còn ban đêm ông lại nghiên cứu các đầu sách về ngành ảnh để học hỏi cách pha chế hóa chất để thực hiện công việc đưa ảnh màu lên đá của mình. Đã rất nhiều lần thất bại, làm ông nãn chí nhưng được sự động viên của người vợ, bà Trần Thị Chanh mà bản thân ông không cho phép được dừng lại và thất bại thêm lần nào nữa. 

Rồi đá cũng không phụ công người, vào giữa năm 2005 ông đã thành công với những tác phẩm đầu tay khi đưa ảnh mầu vào đá mà ông gọi đó là môn nghệ thuật “thạch ảnh”. Những “đứa con” tinh thần của ông lần lượt ra đời và được công chúng đón nhận một cách hào hứng. Cũng từ đó cái tên “Vỹ thạch ảnh” được nhiều người biết đến và lan tỏa sang tận các nước phương Tây. Những đơn đặt hàng ngày càng nhiều, tác phẩm làm ra được tiêu thụ mạnh như một nguồn động viên để ông sáng tạo thêm nhưng thể loại nghệ thuật khác.

Chia sẻ về nghề ông cho biết: “Khác với những môn nghệ thuật khác, nghệ thuật phóng ảnh lên đá đòi hỏi người nghệ nhân phải có con mắt tinh và tỉ mỉ, nhưng để có một tác phẩm ưng ý thì khâu chọn hình thù của đá và thiết kế định hình là khâu quan trọng nhất. Với ông để có tác phẩm được mọi người chú ý thì “tiêu chí của mình là phải độc, lạ và mang tính ngẫu hứng cao. Từ đó sẽ theo chủ đề mà đặt tên cho từng tác phẩm”. 

Cũng theo người nghệ nhân này thì mỗi viên đá có những đường gân, hình thù khác nhau mình làm sao bố cục cho hợp lý để tác phẩm sẽ trở nên có hồn hơn. Tùy thuộc vào từng tác phẩm mà công đoạn phóng ảnh cũng tùy thuộc theo thời gian, nhưng thông thường sẽ kéo dài từ ba đến năm giờ đồng hồ sau đó sẽ được tráng một lớp hóa chất bảo vệ ảnh để nâng cao tuổi thọ của tác phẩm.

Trong các tác phẩm của mình ông Vỹ vẫn tâm đắc với những tác phẩm phóng ảnh Bác Hồ vào đá. Vì theo ông “Chân dung Bác Hồ từ lâu được các nghệ nhân khắp cả nước đưa vào các chất liệu khác nhau. Nhưng việc phóng ảnh Bác vào chất liệu đá thì chưa từng xuất hiện ở Việt Nam. Trong khi đó, đá là một vật liệu trường tồn mãi theo thời gian nên việc phóng ảnh Người lên đó nó có một ý nghĩa sâu sắc của tâm hồn người nghệ nhân Việt”. 

Không chỉ dừng lại ở việc phóng ảnh lên đá, ông còn sáng tạo thêm việc phóng ảnh lên lá, gáo dừa, lên bề mặt các con sò, con ốc. So với thạch ảnh thì diệp ảnh có ưu thế về trọng lượng dù kỹ thuật làm khó hơn nhưng thời gian làm lại nhanh hơn. Diệp ảnh cũng dễ dàng đóng thành tập, phù hợp với nhiều hình thức lưu trữ và trưng bày, đặc biệt là trong các album.

Chia sẻ về loại hình nghệ thuật mới này ông cho biết: Nếu như với thạch ảnh mình phải tốn hơn 18 năm để mày mò và thuần thục, thì với diệp ảnh chỉ cần 6 tháng vì mình đã có những kinh nghiệm cơ bản. Sau khi thử nghiệm trên nhiều loại lá, hiện mới có lá bồ đề và lá phong đáp ứng được yêu cầu. Vì hai loại lá này có vân khá bền, sau khi loại bỏ “cơm lá”, vân còn lại dày, nên có thể tráng men để in ảnh rất đẹp”.

Cũng là một người từng sáng tác hơn 50 ca khúc khác nhau, từng là một họa sĩ trên hàng trăm bức họa nên dễ hiểu khi mỗi “đứa con” ra đời của ông đều mang trên mình những “dòng máu” của hội họa và âm nhạc. Những đường nét, vân đá là tiết tấu những hình họa là ca từ. 

Cho đến bây giờ đã có hơn hàng chục năm trong nghề, những tác phẩm của ông đã có mặt rộng rãi trên toàn thế giới. Từ một ý tưởng mưu sinh đã đưa ông thành một nghệ nhân khi nào không hay. Với những thành công đó, năm 2007, tại TP Hồ Chí Minh, anh Vỹ được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam xác lập là "Người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam". Và đến năm 2013, sản phẩm thạch ảnh và diệp ảnh của ông đã được Hiệp hội làng nghề Việt Nam cấp bằng vinh danh là sản phẩm thủ công mỹ nghệ tinh hoa đất Việt.

Bây giờ đã gần bước sang cái tuổi “thất thập cổ lai hy”, sức khỏe dần yếu không cho phép ông làm những công việc nặng nhọc. “Mình sinh được hai người con nhưng không có đứa nào có “máu” nghệ thuật nên không truyền nghề được cho tụi chúng. Giờ bước sang cái tuổi này, lỡ ngày nào… nên mình rất mong muốn được truyền nghề lại cho ai đó muốn đam mê loại hình nghệ thuật này. Và sắp tới mình đang ấp ủ sẽ tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề Bạn bè và thế giới xung quang”, ông tâm sự.
 
Lê Tiến

Bạn đang đọc bài viết "Gặp người làm thạch ảnh đầu tiên ở Việt Nam" tại chuyên mục Phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.