Nguyễn Thị Hiền sinh năm 1946, bắt đầu cầm cọ từ năm 8 tuổi và vẽ liên tục đến nay. Khi Nguyễn Thị Hiền xuất hiện trong giới mỹ thuật thời đó, bà được xem như thần đồng hội họa khi có tác phẩm triển lãm trong và ngoài nước. Trong thế hệ của mình, có thể nói bà là nữ họa sĩ tiên phong và bền bỉ với những mảng màu đã lựa chọn dù thời thanh xuân bà chơi thân với các văn nhân thi sĩ nhiều hơn, trong đó có nhà thơ Lưu Quang Vũ.
Họa sĩ Nguyễn Thị Hiền giới thiệu “Những gì còn sót lại”
Tại phòng tranh Hiền Minh (38 Lê Công Kiều, quận 1, TP HCM) đang diễn ra triển lãm tranh Những gì còn sót lại của Nguyễn Thị Hiền. Triển lãm trưng bày hơn 10 tác phẩm được bà vẽ từ năm 1969-1979 “còn sót lại”. Trong 10 năm này, Nguyễn Thị Hiền vẽ rất nhiều nhưng vì chiến tranh tàn phá, chuyển nhà từ Hà Nội vào TP HCM sinh sống nên tranh của bà thất lạc gần hết. Thậm chí, tranh của bà còn bị mất hoặc bị đánh cắp khi gửi ra nước ngoài triển lãm.
Họa sĩ nhớ lại: “Năm 1974, một đoàn nhà báo, văn nghệ sĩ Nhật Bản và Mỹ sang thăm Việt Nam, lúc đó chưa có khái niệm gallery (phòng tranh), chỉ có Xunhasaba của nhà nước. Thời gian đó, tôi đi công tác ở Thái Bình, Xunhasaba đã gặp bố Kim Lân mượn tranh của tôi để cho họ xem. Đây là những tác phẩm tôi vẽ trong giai đoạn chiến tranh ác liệt. Họ xem và mua hết. Khi về biết chuyện, tôi khóc mãi vì không lưu giữ được ảnh chụp những bức tranh đó”.
Tác phẩm “Ông tiến sĩ giấy”, kỷ niệm của họa sĩ Nguyễn Thị Hiền với nhà thơ Lưu Quang Vũ
Phần lớn những tác phẩm này được họa sĩ Nguyễn Thị Hiền vẽ trong 2 tháng tại Đò Lèn, cầu Hàm Rồng, Thanh Hóa khi Mỹ ném bom ác liệt nơi đây. Khó có thể tưởng tượng cô gái mảnh mai lúc đó lại cầm cọ lúc trên bờ đê, lúc ngồi dưới hầm mặc tiếng bom dội để vẽ tranh. Có lần, mệt quá thiếp ngủ trong hầm, bà nghe tiếng quạt gió trên đầu, ngẩng lên thấy một bà cụ già đang cầm chiếc quạt mo và nói: “Nằm im để bà quạt cho bầy chó con vừa đẻ” (!). Cả ngôi làng nơi Nguyễn Thị Hiền thực địa sáng tác không còn một ai trong khói lửa chiến tranh, ngoài những sinh linh bé nhỏ là bầy chó vừa ra đời và bà cụ già bị điên do bom dội trúng nhà cướp hết người thân.
Những gì còn sót lại trong triển lãm này gợi nhớ nhiều ký ức hơn nửa thế trước không chỉ riêng họa sĩ Nguyễn Thị Hiền. Hơn thế, đó còn là ký ức của một dân tộc trải qua chiến tranh, các bức họa như những chứng nhân lịch sử. Do vậy, các tác phẩm trưng bày có tính chất kỷ vật hơn là thương mại.
Dẫn tôi đi xem chỉ chừng đó bức tranh nhưng trước mỗi tác phẩm, nữ họa sĩ tuổi gần 70 kể một câu chuyện rất dài. Chẳng hạn trước tác phẩm “Ông tiến sĩ giấy” vẽ năm 1973, họa sĩ dừng lại hồi lâu, nói: “Bức tranh này liên quan đến nhà thơ Lưu Quang Vũ. Khi đó mình mua tặng Vũ một ông tiến sĩ giấy tại nhà Nguyễn Lâm (giới văn nghệ hay gọi Lâm Man) trên phố Triệu Việt Vương (Hà Nội). Vũ làm bài thơ có câu “Em tặng anh một ông tiến sĩ giấy…”, bài này có in trong tập “Gió và tình yêu thổi trên đất nước tôi”. Vũ đọc cho tôi và Nguyễn Lâm nghe bài thơ này và tôi đã vẽ thành tranh. Vũ và Nguyễn Lâm giờ không còn nữa, thời gian trôi nhanh quá mà kỷ vật như bức tranh này giữa Vũ và tôi còn lại quá ít”.
Thật vậy, “Những gì còn sót lại” thật sự quý không chỉ riêng của một thần đồng hội họa ngày nào. Thông qua các tác phẩm này còn phản ánh một thời kỳ khó khăn của các họa sĩ nói riêng và của đất nước nói chung. Có những tấm ván được Nguyễn Thị Hiền tận dụng vẽ trên cả hai mặt. Cũng may, điều này đã không còn xuất hiện trong giới mỹ thuật nước nhà.
Theo Trần Hoàng Nhân (Người Lao Động)