Du lịch văn hóa - tâm linh: Sản phẩm giàu tiềm năng phát triển

27/09/2016 10:35

Theo dõi trên

Thanh Hóa được đánh giá cao về mức độ giàu có nguồn tài nguyên du lịch không chỉ bởi có nhiều bãi biển đẹp, với các sản phẩm nghỉ dưỡng biển ngày càng phong phú, hấp dẫn, mà còn bởi sự phong phú, đa dạng và vô cùng đặc sắc vốn văn hóa vật thể và phi vật thể. Song, việc khai thác các vỉa tầng văn hóa ấy, biến nó thành sản phẩm văn hóa - tâm linh phục vụ phát triển du lịch, vẫn còn khá khiêm tốn.


 
Du khách trẩy hội Lam Kinh

Trong kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể xứ Thanh, Di sản Văn hóa thế giới Thành Nhà Hồ, Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh và đền Bà Triệu là 3 trong nhiều di sản đặc sắc bậc nhất, bởi các giá trị nổi bật đã và đang gìn giữ cho các thế hệ hôm nay và mai sau. Đây cũng là những điểm đến được kỳ vọng sẽ tạo ra động lực thúc đẩy sự phát triển của loại hình du lịch văn hóa – tâm linh giàu tiềm năng của Thanh Hóa.

Nép mình dưới tán rừng già, Di tích Quốc gia đặc biệt Lam Kinh mở ra cho du khách một không gian trầm mặc, tĩnh tại và mướt mát màu xanh. Mặc dù là “kinh đô tưởng niệm” hay thực chất là nơi an nghỉ nghìn thu của tổ tiên và các vua, hoàng hậu nhà Lê, song các công trình lăng tẩm, đền đài lại mang đậm lối kiến trúc làng xã Việt Nam truyền thống, với nhiều nét mộc mạc, giản dị. Bởi vậy, Lam Kinh mang trong mình hào khí linh thiêng đượm màu hoài cổ, nhưng cũng vô cùng thân thuộc. Sau nhiều thế kỷ hoang phế, thế hệ con cháu ngày nay đang lần theo sử sách và dựa trên các mảnh ghép khảo cổ học để từng bước phục dựng, tôn tạo, trả lại cho Lam Kinh diện mạo bề thế và uy nghiêm để trở thành điểm đến tâm linh cho những chuyến hành hương về nguồn của khách thập phương.

Cũng như Lam Kinh, Di sản Văn hóa thể giới Thành Nhà Hồ là cái tên được đánh dấu đỏ trên bản đồ du lịch xứ Thanh. Thành Nhà Hồ mang trong mình giá trị lớn tầm nhân loại và là biểu tượng cho cốt cách, văn hóa, trí tuệ, sức lao động người Việt. Sự nối tiếp của lịch sử từ nhà Hồ đến nhà hậu Lê được trả giá bằng mấy chục năm đô hộ đẫm máu và 10 năm nếm mật nằm gai của nghĩa quân Lam Sơn. Để rồi, nếu Tây Đô là minh chứng cho một triều đại ngắn ngủi nhưng đầy tham vọng, thì sự tồn tại của Lam Kinh lại như một minh chứng hùng hồn nhất về một vương triều từng đạt đến cực thịnh trong lịch sử phong kiến Đại Việt.

Không thể phủ nhận, sức hấp dẫn của các di tích, di sản ấy một mặt đến từ các giá trị vô giá và trường tồn về lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật... Nhưng chính “vẻ đẹp tiềm ẩn” phía sau những thành cao, hào sâu hay đền đài, lăng tẩm lại được ví như đã “vẽ mắt cho rồng” để mỗi địa danh càng có thêm vẻ kỳ bí, khơi gợi trí tò mò. Gắn liền với Di tích Lam Kinh là lễ hội Lam Kinh – không gian tái hiện vùng văn hóa Lam Sơn, cũng chính là “cái không gian văn hóa bình dân vẫn bao bọc lấy Lam Kinh, thể hiện bằng cả một kho tàng các lễ tục, lễ hội của đồng bào Mường, Thái, Kinh” - như nhận định của một nhà nghiên cứu văn hóa. Với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian truyền thống như Xuân Phả, Bình Ngô, Sanh Ngô, Chiềng, Ai Lao, Chiêm Thành... Đây đều là vốn văn hóa phi vật thể đậm đà bản sắc, giàu sức biểu cảm và có giá trị nghệ thuật cao cần được gìn giữ trong kho tàng văn hóa xứ Thanh. Còn với Thành Nhà Hồ, những câu hỏi chưa có lời giải thỏa đáng về kỹ thuật xây dựng hay những giai thoại đậm màu liêu trai, đã giăng mắc lên tòa thành một màn sương huyền bí, có sức hấp dẫn vô cùng nếu biết khai thác để chuyển tải đến du khách.

Theo thống kê của ngành văn hóa, thể thao và du lịch, đến tháng 6- 2015, toàn tỉnh có 1.535 di tích lịch sử và danh lam thắng cảnh, trong đó 789 di tích, danh thắng đã được xếp hạng các cấp; 363 lễ hội truyền thống, với nhiều lễ hội được tổ chức trên quy mô lớn, như các lễ hội Lam Kinh, Lê Hoàn, Mai An Tiêm, Bà Triệu, Đồng Cổ... Bên cạnh đó, Thanh Hóa còn là nơi phát tích nền văn hóa Đông Sơn và di chỉ núi Đọ nổi tiếng. Hiện hệ thống bảo tàng trong tỉnh đang bảo quản và trưng bày khoảng 44.522 hiện vật qua các thời kỳ lịch sử, đặc biệt có hơn 100 trống đồng quý hiếm và hàng ngàn cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa cao.

Với chừng ấy di sản, có thể nói, loại hình du lịch văn hóa – tâm linh ở tỉnh ta đang có cơ sở vững chắc để phát triển. Cùng với đó, sự đầu tư ngày càng thỏa đáng cho công tác bảo tồn, tôn tạo, phát huy giá trị di sản gắn với phát triển du lịch, đã và đang mang đến cho du khách nhiều sự lựa chọn, nhiều trải nghiệm thú vị khi đến xứ Thanh. Ông Trịnh Đình Dương, Trưởng Ban quản lý Khu Di tích lịch sử Lam Kinh, cho biết: Tính từ đầu năm đến nay, Di tích Lam Kinh đã đón gần 200.000 lượt khách, trong đó có khoảng 600 lượt khách quốc tế. Đây là tín hiệu đáng mừng, bởi những năm trước, số lượng khách quốc tế đến di tích rất ít. Để có được kết quả khả quan trên, bên cạnh việc nâng cao chất lượng đón tiếp, phục vụ và đẩy mạnh công tác tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông, không thể không nhấn mạnh đến một nguyên nhân cơ bản và quan trọng nhất là sự “hồi sinh” diện mạo của Lam Kinh.

Khách đến Lam Kinh ngày càng đông, di tích như càng bớt vẻ trầm mặc vốn có. Chị Lê Thị Ngọc Trà (quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), tâm sự: Đã nhiều lần về Lam Kinh cùng gia đình nên mỗi sự đổi thay của di tích luôn khiến tôi  xúc động. Lam Kinh, Thành Nhà Hồ cùng rất nhiều di tích có giá trị của xứ Thanh đã trở thành niềm tự hào của chị mỗi khi giới thiệu với bạn bè về quê hương mình. Vốn quê gốc Thanh Hóa, cha mẹ lại định cư tại thủ đô từ khi chị còn bé, song tình cảm chị dành cho nơi chôn rau cắt rốn đã được dưỡng nuôi từ tấm bé. Để rồi, cứ mỗi dịp lễ hội Lam Kinh, lễ hội đền Bà Triệu hay lễ hội đền Nưa - Am Tiên, hễ sắp xếp được thời gian, công việc là chị lại cùng với gia đình về quê. Qua đó cũng là cách giúp chị răn dạy, giáo dục con cái về lòng biết ơn và đạo lý uống nước nhớ nguồn.

Du lịch, mà cụ thể là du lịch văn hóa – tâm linh, có thể xem là giải pháp hữu hiệu giúp di sản phát huy được giá trị của nó trong đời sống hiện nay. Song, mấu chốt là phải xây dựng được sản phẩm hoàn chỉnh, với nhiều điểm nhấn có sức hút du khách. Cùng với đó là sự nhận thức nghiêm túc, đúng đắn về việc hài hòa giữa lợi ích kinh tế với việc tôn trọng, gìn giữ các giá trị tự thân của di sản.

(Theo Báo Thanh Hóa)

Hoàng Xuân
Bạn đang đọc bài viết "Du lịch văn hóa - tâm linh: Sản phẩm giàu tiềm năng phát triển" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.