Du lịch lịch sử văn hóa và tâm linh: Những điểm đến

04/10/2018 14:54

Theo dõi trên

Hậu Giang đang từng bước đầu tư để tạo ra những tua, tuyến hấp dẫn. Trong đó, phải kể đến những điểm đến lịch sử văn hóa và tâm linh để mọi người tìm hiểu về lịch sử vùng đất Hậu Giang, gửi gắm nguyện vọng, ước mơ và niềm tin về một điều tốt đẹp.

 
Toàn cảnh Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang. Ảnh: Lý Anh Lam

Về nguồn

Hệ thống di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn Hậu Giang khá nhiều, nằm rải rác ở khắp các huyện, thị, thành trong tỉnh. Trong đó, điểm nhấn là Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Chiến thắng Chương Thiện (tại 2 điểm: thành phố Vị Thanh và huyện Long Mỹ), Khu Căn cứ Tỉnh ủy Cần Thơ, Di tích lịch sử - văn hóa Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ. Đây là nơi để người dân trong và ngoài tỉnh đến tìm hiểu về Hậu Giang trong những năm tháng chiến tranh, vẫn luôn ngẩng cao đầu trước thế lực của quân thù. Những chiến tích của quân và dân Hậu Giang đã thể hiện đậm nét, góp phần vào chiến thắng chung của dân tộc.

Đặc biệt, tại Di tích Đền thờ Bác Hồ ở xã Lương Tâm, huyện Long Mỹ, tọa lạc trên vùng đất rộng, thoáng đãng, yên bình. Những dịp mừng sinh nhật Bác, 2-9 hay Tết Nguyên đán, người dân từ các nơi đến rất đông. Những người sống xung quanh khu di tích còn tự nguyện đến quét dọn sạch sẽ, gói bánh tét, làm những món ngon để dâng lên Bác, thể hiện tấm lòng của những người con đối với vị cha già dân tộc. Vào những dịp lễ trọng đại, tỉnh Hậu Giang đều tổ chức dâng hương, dâng hoa viếng Bác; đoàn thanh niên các cấp cũng tổ chức nhiều đợt sinh hoạt, về nguồn để giáo dục truyền thống, cho thế hệ trẻ. Hàng năm, nơi đây ghi nhận hàng chục ngàn người đến viếng Bác và tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí tại đây…

Về nguồn thăm những di tích lịch sử văn hóa của Hậu Giang, du khách còn cảm nhận được ý thức vươn lên của người dân vùng đất chịu nhiều tàn phá sau chiến tranh. Cuộc chiến dần lùi xa, người dân Hậu Giang hôm nay đã biến những mảnh đất khô cằn thành xanh tươi, màu mỡ, xây dựng cuộc sống ngày càng đủ đầy, như một món quà xứng đáng dành tặng những người con anh dũng đã vì tự do, độc lập hy sinh cho mảnh đất này…

Du lịch tâm linh

Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang vừa khánh thành cách nay không lâu, là công trình tôn vinh dấu ấn văn hóa tín ngưỡng truyền thống lâu đời của Việt Nam, góp phần vào việc bảo tồn và phát huy những giá trị truyền thống của Phật giáo, kết nối các di tích lịch sử, truyền thống địa phương, tạo thành điểm nhấn để ai một lần ghé qua khó có thể nào quên. Công trình tọa lạc trên diện tích hơn 4ha, tại phường Vĩnh Tường, thị xã Long Mỹ, là nơi tu theo Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, là điểm tựa cho tăng ni, phật tử và người dân trong và ngoài tỉnh.

Công trình này được đầu tư gần 300 tỉ đồng, từ nguồn xã hội hóa, với kiến trúc độc đáo gồm chánh điện, nhà tổ, lầu chương, lầu trống, cổng tam quan, tượng Quan Âm, giảng đường, thư viện, tăng xá, ni xá… Đến thăm Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang là tìm về nơi yên tĩnh để tâm hồn được thư thái, gột sạch những lo toan cuộc sống. Đến đây, mọi người có thể học triết lý sống đơn giản mà sâu sắc của nhà Phật. Bước vào đây như được bước vào thế giới khác, tránh xa sự xô bồ của xã hội.

Từ Thiền viện Trúc Lâm Hậu Giang, đi thẳng về Cái Tắc, hướng Sóc Trăng, đến xã Long Thạnh, huyện Phụng Hiệp, du khách sẽ được chiêm ngưỡng cây lộc vừng 300 năm tuổi. Cây có chiều cao khoảng 22m, tán rộng. Sau Tết Nguyên đán là cây sẽ thay lá. Khoảng tháng 5 âm lịch là cây ra hoa và nở rộ thành từng chùm, đỏ rực rất đẹp mắt. Đây cũng là thời điểm nhiều người đến tham quan. Cây lộc vừng tại đây là một trong những cây cổ thụ có tuổi thọ cao của vùng ĐBSCL, gắn với lịch sử khẩn hoang của vùng đất Long Thạnh. Những năm qua, Hậu Giang đã đầu tư gần 4 tỉ đồng nâng cấp, mở rộng tuyến đường vào để định hướng xây dựng tuyến du lịch chợ nổi Ngã Bảy - Du lịch sinh thái Lung Ngọc Hoàng - Địa điểm cây lộc vừng.

Những năm gần đây, Hậu Giang cũng đang từng bước quan tâm đầu tư cho loại hình du lịch lịch sử văn hóa và tâm linh, để đáp ứng nhu cầu của người dân, cũng là cách bắt kịp xu thế, tạo nên những điểm đến thu hút khách du lịch.

Vĩnh Trà
Theo Báo Hậu Giang

Bạn đang đọc bài viết "Du lịch lịch sử văn hóa và tâm linh: Những điểm đến" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.