Đồng thời lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai, quán triệt đến cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và người dân tập trung vào các nội dung chủ yếu như: xây dựng hình ảnh địa phương với những đặc trưng cốt lõi, chính quyền thân thiện, phục vụ, hiệu quả; văn hóa và con người thành phố nghĩa tình, năng động, sáng tạo... bước đầu phát huy hiệu quả thiết thực.
Nhằm tạo dựng hình ảnh địa phương, TP Hồng Ngự tăng cường phối hợp Đài Phát thanh và Truyền hình Đồng Tháp, Báo Đồng Tháp tuyên truyền, quảng bá phát triển du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá hình ảnh của thành phố, của tỉnh trên các kênh thông tin và mạng xã hội. Bên cạnh đó, phối hợp tổ chức hội trại sáng tác tác phẩm văn học nghệ thuật; tổ chức các lớp sáng tác bài hát ca cổ, ca khúc, ảnh nghệ thuật và văn học, các chương trình biểu diễn nghệ thuật nhân các sự kiện, ngày lễ để giới thiệu về hình ảnh và con người vùng đất Hồng Ngự. TP Hồng Ngự tích cực tham gia các hội chợ triển lãm để giới thiệu nét văn hóa, sản phẩm du lịch, đặc sản của địa phương đến các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực du lịch. Nhất là phát huy giá trị văn hóa ẩm thực các sản phẩm chế biến từ sen, cá tra để thu hút du khách trong và ngoài nước đến Đồng Tháp nói chung, TP Hồng Ngự nói riêng tham quan, trải nghiệm. Qua đó, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
TP Hồng Ngự có nhiều điểm đăng ký hoạt động lĩnh vực du lịch được UBND tỉnh phê duyệt; có 5 di tích được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Thành phố tiếp tục trùng tu, nâng cấp hoàn chỉnh Di tích kiến trúc nghệ thuật Đình Thường Lạc; Di tích lịch sử văn hóa tín ngưỡng Đình Tân Hội, Quan Đế Miếu và Bia kỷ niệm thành lập lực lượng địa phương quân, Bia tưởng niệm các vị trấn thủ vùng Hồng Ngự thời Triều Nguyễn... Đặc biệt, yêu cầu phòng, ban chuyên môn của thành phố phối hợp chặt chẽ với ngành chức năng tỉnh khảo sát về điều kiện, tiêu chuẩn để lập hồ sơ nâng cấp Di tích cấp tỉnh Quan Đế Miếu lên Di tích cấp Quốc gia. Cùng với đó, tập trung nâng cấp quy mô các công trình văn hóa tiêu biểu, tạo điểm nhấn như: nâng cấp các tiểu cảnh trang trí tại Quảng trường Võ Nguyên Giáp, hiệu ứng nhạc nước, rồng cầu Sở Thượng, biểu tượng Thủ phủ cá tra Việt Nam để phục vụ du khách khi lưu trú, dừng chân tại địa phương.
Thành phố quan tâm đổi mới công tác quản lý, khai thác và phát triển du lịch theo hướng bền vững, trong đó chú trọng chất lượng, thương hiệu và tính chuyên nghiệp, hiện đại thông qua việc phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh kết nối với các công ty du lịch - lữ hành trong và ngoài tỉnh để hình thành các tuyến du lịch đến TP Hồng Ngự, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng của thành phố với du khách trong và ngoài nước. Thành phố đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin vào phát triển du lịch để kết nối nhiều kênh thông tin, cổng du lịch của tỉnh và khu vực, từng bước đưa nhiệm vụ quản lý và phát triển du lịch khoa học và hiện đại hơn. Với lợi thế là thành phố khu vực biên giới phía Bắc của tỉnh, có hệ thống sông ngòi, kênh rạch và đặc sản mang đậm nét đặc trưng của vùng sông nước, các địa bàn tiếp giáp có nhiều khu, điểm du lịch nổi tiếng, TP Hồng Ngự là nơi dừng chân lý tưởng cho du khách, là điều kiện thuận lợi để phát triển du lịch.
Phát huy những kết quả đạt được, TP Hồng Ngự tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cả hệ thống chính trị về vai trò, vị trí, sự cần thiết của tạo dựng hình ảnh địa phương gắn với phát triển du lịch. Đầu tư và ứng dụng công nghệ số, công nghệ thông tin hỗ trợ du khách tiếp cận điểm đến, trải nghiệm du lịch ở thành phố vùng biên dựa trên công nghệ số. Phối hợp với Viện nghiên cứu ứng dụng khoa học và công nghệ MeKong cùng các ban, ngành, tổ chức chính trị - xã hội tổ chức lễ hội ẩm thực 200 món ngon chế biến từ cá tra. Đồng thời xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng, nghiệp vụ, trình độ ngoại ngữ, nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ thuộc lĩnh vực du lịch trong tình hình hội nhập và phát triển.