Đồng Tháp: Lạ mắt với môn bóng chuyền trên đệm hơi

17/11/2016 07:42

Theo dõi trên

Bóng chuyền trên đệm hơi (hay còn gọi là Bossaball) có xuất xứ từ Tây Ban Nha và hiện đang phát triển khá mạnh ở châu Âu cũng như các quốc gia Nam Mỹ. Dù ở Việt Nam, bộ môn Bossaball vẫn còn xa lạ với nhiều người, nhưng nó đã bắt đầu xuất hiện tại Đồng Tháp và nhận được sự quan tâm của nhiều người.



 Môn bóng chuyền trên đệm hơi đang cuốn hút giới trẻ ở TP.Cao Lãnh
 
Từ giữa tháng 10 vừa qua, tại Nhà Văn hóa lao động tỉnh Đồng Tháp, 1 sân Bossaball đã chính thức đưa vào hoạt động với hình thức xã hội hóa. Trong dịp tình cờ theo dõi những hình ảnh giới thiệu môn Bossaball trên truyền hình, ông Trần Hoàng Nguyên (phường 2, TP.Cao Lãnh) đã bị cuốn hút bởi sự thú vị mà môn thể thao này mang lại. Từ đó, ông quyết định đầu tư xây dựng 1 sân Bossaball ngay tại TP.Cao Lãnh. Ông Trần Hoàng Nguyên cho biết: “Qua tìm hiểu, tôi cảm thấy môn thể thao này rất phù hợp với người Việt nói chung và dân Đồng Tháp nói riêng. Bossaball không chỉ mới lạ mà còn tốt cho sức khỏe người chơi nhưng chưa phát triển nhiều ở nước ta. Với những lý do đó, tôi quyết định đầu tư xây dựng sân chơi này với mong muốn phục vụ cho các bạn trẻ”.
 
Sân Bossaball được đầu tư tổng kinh phí  hơn 300 triệu đồng với các thiết bị đều được nhập từ nước ngoài (vì tại Việt Nam chưa có những người đầu tư chuyên biệt trang thiết bị cho môn thể thao này). Qua hơn 1 tháng hoạt động, sân Bossaball này cũng dần thu hút khá nhiều người đến tham gia tập luyện và mọi người đều cảm thấy hào hứng với sân chơi mới lạ này. Bạn Trần Văn Tín - sinh viên Trường Đại học Đồng Tháp chia sẻ: “Đây là môn thể thao rất đặc biệt và lạ mắt. Theo tôi, môn Bossaball khiến người chơi cảm thấy thú vị, hào hứng, qua đó giúp thư giãn tinh thần. Ngoài ra, nó còn là bộ môn hữu ích trong việc rèn luyện sức khỏe bởi người chơi hầu như phải hoạt động cả tứ chi trong suốt quá trình thi đấu...”. Còn em Nguyễn Hoàng Giang - học sinh Trường THPT TP.Cao Lãnh cho biết, từ ngày có sân Bossaball, chiều nào em và các bạn cùng lớp cũng đến chơi. “Mỗi lần được chơi Bossaball, em và các bạn đều cảm thấy rất vui bởi sự khác lạ của nó. Theo em, môn thể thao này cần được phát triển hơn nữa để phục vụ nhu cầu của nhiều người”.
 
Được biết, môn Bossaball  được phát minh bởi Filip Eyckmans, một người Bỉ sống ở Tây Ban Nha. Đến năm 2004, Bossaball đón nhận sự hưởng ứng rất lớn ở Bỉ và Hà Lan trước khi trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu trên các bãi biển ở Tây Ban Nha. Hiện tại, môn Bossaball đã xuất hiện ở rất nhiều nước châu Âu và các quốc gia Nam Mỹ. Ngoài ra, trên thế giới, những nhà chuyên môn bóng chuyền cũng đã hình thành giải World Cup Bossaball thu hút rất nhiều quốc gia tham dự.
 
Sân thi đấu của môn Bossaball được thiết kế hoàn toàn bằng những tấm đệm hơi để các VĐV có thể bật nhảy dễ dàng. Ở mỗi phần sân còn được đặt thêm một tấm bạt có lò xo nằm sát lưới giúp người tấn công nhún người lên cao dứt điểm. Trong môn bóng chuyền hơi bossaball, mỗi đội có từ 4 - 5 người, trong đó chủ công luôn túc trực trên tấm bạt lò xo để thực hiện các pha dứt điểm. Khi chơi môn bóng chuyền này sẽ sử dụng chân, tay và sàn đấu là thảm hơi nên việc di chuyển khá khó khăn. Để có thể chơi tốt, mỗi người phải hội tụ nhiều kỹ năng, từ bóng chuyền, bóng đá cho đến thể dục dụng cụ hay cả võ thuật. Luật chơi cơ bản dựa trên luật thi đấu bóng chuyền nhưng mỗi đội Bossaball có 5 lần chạm để giữ bóng. Độc đáo hơn, mỗi người chơi có thể được 2 lần chạm bóng liên tiếp nếu tiếp xúc bóng bằng các bộ phận cơ thể khác nhau. Người tấn công được ví như một nghệ sĩ thể thao bởi phải sở hữu nhiều kỹ năng và sự nhạy cảm độ cao để nhún bạt lò xo bật lên lưới đón đường chuyền bóng của đồng đội.
 
Điểm nổi bật của môn Bossaball là người chơi phải nhún nhảy liên tục trong thời gian thi đấu, thế nên việc tiêu hao năng lượng rất lớn. Bên cạnh đó, việc cho phép được kết thúc bóng bằng nhiều bộ phận trên cơ thể đã giúp người chơi cảm thấy hứng thú với loại hình vui chơi này. Ngoài ra, với sân đấu là các tấm thảm hơi nên các VĐV sẽ cảm thấy an toàn hơn khi thực hiện các động tác mà không phải sợ những chấn thương.
 
(Theo Báo Đồng Tháp) 

Lê Thanh
Bạn đang đọc bài viết "Đồng Tháp: Lạ mắt với môn bóng chuyền trên đệm hơi" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.