Đông Mai, có thể là một kinh đô của nước Việt mà sử sách đã vô tình lãng quên?

09/01/2017 11:30

Theo dõi trên

Đông Mai (Đông Mơi theo cách gọi của dân địa phương) là một làng nhỏ ở Yên Phong, Bắc Ninh. Khá yên lặng so với nhịp độ phát triển trong vùng. Ngôi làng có gần bốn trăm nóc nhà, quy mô quá bé, quá khập khiễng so với hơn một nghìn năm trăm năm tuổi đời của nó.



Cổng đình đã xuống cấp

Theo sử sách chính thống cũng như ngọc phả của làng thì đều trùng khớp với nhau ở mốc thời gian lập làng muộn nhất là vào thế kỷ năm sau công nguyên, vì nữ tướng và hoàng hậu của Lý Nam Đế, bà Hứa Trinh Hòa sinh năm 519 là người làng này. Bà được phong làm thành hoàng làng và được Triệu Việt Vương truy phong là Giang Mai công chúa đại vương. Cũng vì vậy mà ngôi làng với hơn một nghìn năm trăm năm tuổi tuyệt đối không có ai đặt tên hòa hoặc mai, thể hiện một sự ngưỡng mộ và thành kính đối với đức thành hoàng.

Ngôi làng cũng có rất nhiều điểm đặc biệt khác ngoài tuổi đời của nó. Đây là làng quan họ gốc duy nhất trong vùng. Hội làng góp mặt trong bản đồ lễ hội của đất nước, hằng năm hội được tổ chức vào các ngày 11, 12 tháng giêng với nhiều hoạt động nhưng nổi bật nhất là thi hát quan họ trên thuyền thu hút đông đảo du khách thập phương. Làng cũng có kiến trúc vô cùng đặc biệt. Nhà cửa từ bao đời nay vẫn ở nguyên thế cũ và ngôi làng vuông vức lạ kỳ, một hình chữ điền với bốn mặt nhìn ra bốn hướng có độ dài đồng nhất là 252 mét, các đường lớn của làng hoàn tất những nét còn lại của chữ điền chia ngôi làng thành bốn phần. Nếu nhìn từ trên xuống thì ngôi làng y hệt một tòa thành thời trung cổ.
 



 
Đình làng, ban đầu là miếu thờ thành hoàng được xây từ thời Triệu Việt Vương, đến thời Lê Trung Hưng thì cất lại thành đình, đã được công nhận là di tích lịch sử cấp quốc gia, sau nhiều lần trùng tu nhưng đền vẫn dữ được dáng vẻ cổ xưa, mái cong uy nghi và thâm nghiêm cổ kính nổi bật. Hướng nhìn ra ao làng, nơi này theo ngọc phả thì là cái đầm hội tụ linh khí của trời đất để từ đó phát tích thành làng. Cũng theo ngọc phả của làng thì các câu đối, hoành phi, đại tự trong đình đều do đích thân Triệu Việt Vương ngự bút, những sơn son thiếp vàng đã không cưỡng nổi thời gian mà phai nhòa theo tuế nguyệt. Chỉ còn một bức đại tự ngay giữa chính điện còn giữ lại được nét bút ngự ban với ba chứ Vạn Xuân Cung, cũng là nơi duy nhất trên đất nước Việt Nam này mà ba chữ Vạn Xuân Cung xuất hiện. 

Phía nam của làng là cánh đồng màu mỡ có tên là Đồng Đế, gợi nhớ mảnh đất đắp đàn nam giao nơi Lý Nam Đế tiến xưng Đế hiệu mà theo ngọc phả của làng thì ông tự xưng là Lý Nam Việt Đế để thể hiện nền độc lập đối với nhà Lương phương bắc. Mảnh đất định cư của làng bây giờ chính là kinh đô bấy giờ của nước Việt, thành Long Biên.

Chính sử thì gần như khẳng định nơi xưng đế và định đô của nhà nước Vạn Xuân là thành Long Biên, tuy nhiên đến giờ vẫn chưa xác định đích xác vị trí đặt thành, chỉ áng chừng phía tây tỉnh Bắc Ninh. Nếu vậy thị theo như ngọc phả của làng, các câu chuyện, nhân vật liên quan đến làng và đình làng cũng như nhìn vào kiến trúc làng thì Đông Mai rất có thể là thành Long Biên, một kinh đô “thất lạc”.

Đáng tiếc là đến bây giờ, theo chia sẻ của hội đồng quản lý di tích của làng thì chưa có một nghiên cứu cụ thể nào liên quan đến vấn đề này, khi trao đổi với cán bộ văn hóa xã, là đơn vị quản lý trực tiếp thì được biết là vấn đề này tạm thời không nói được điều gì cả. Và vì thế dân làng vẫn chép miệng rằng đáng tiếc cho một di tích bị lãng quên.
 
Nguyễn Cường

Bạn đang đọc bài viết "Đông Mai, có thể là một kinh đô của nước Việt mà sử sách đã vô tình lãng quên?" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.