Năm 1938, ông sang Việt Nam, là một thanh niên trí thức sớm giác ngộ cách mạng, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương.
Trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, tình hình cực kỳ khó khăn nhiều mặt. Đối với đồng bào người Hoa ở Nam Bộ, thực dân Pháp cấu kết với lãnh sự quán chính quyền Trung Hoa Quốc dân đảng và hệ thống các bang trưởng kiểm soát bà con người Hoa (có quốc tịch Việt Nam) lẫn Hoa kiều (còn mang quốc tịch Trung Hoa) ở Nam Bộ, đàn áp những người tham gia hay ủng hộ kháng chiến. Nhằm tranh thủ người Hoa và Hoa kiều ở Nam Bộ đứng về phía cách mạng, ủng hộ kháng chiến, Xứ ủy Nam Bộ lập Ban Hoa vận, ngoài ra còn tổ chức Hội Liên hiệp Hoa kiều giải phóng (gọi tắt là Hội Giải Liên) có hệ thống tổ chức rộng khắp. Từ năm 1946 đến năm 1948, đồng chí Trang Dung là Bí thư Ban Hoa vận Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 1 tháng 7 năm 1950, tại căn cứ Chắc Băng (Rạch Giá - Kiên Giang) thuộc Khu 9, Tổng hội Liên hiệp Hoa kiều giải phóng Nam Bộ, gọi tắt là Tổng Hội Giải Liên được thành lập. Đây là một tổ chức mang tính đoàn thể chính trị của người Hoa dưới sự lãnh đạo của Xứ ủy Nam Kỳ, nhằm tập hợp rộng rãi người Hoa Nam Bộ tham gia cuộc kháng chiến chống Pháp. Ban Chấp hành đầu tiên của Tổng Hội Giải Liên có các đồng chí Trương Đức làm Chủ nhiệm, Ngô Liên và Trang Dung làm Phó Chủ nhiệm. Trong khoảng thời gian từ 1950 đến năm 1951, đồng chí Trang Dung là Phó Bí thư Ban Hoa vận Nam Bộ kiêm Phó Bí thư Đảng đoàn Tổng Hội Giải Liên, Bí thư Ban Hoa vận Sài Gòn - Chợ Lớn.
Ngày 25/4/2010, Ban công tác người Hoa TPHCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân của Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (nay là Ban công tác người Hoa TPHCM). Nguồn: Ảnh tư liệu
Ngày 25/4/2010, Ban công tác người Hoa TPHCM đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang Nhân dân của Chủ tịch nước phong tặng cho Ban Hoa vận Đặc khu Sài Gòn-Chợ Lớn-Gia Định (nay là Ban công tác người Hoa TPHCM). Nguồn: Ảnh tư liệu
Trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, Hội Giải Liên đã không ngừng xây dựng lực lượng cán bộ nòng cốt, đảng viên người Hoa cho các tổ chức ở cơ sở. Từ năm 1950 đến giữa năm 1954, Tổng Hội đã liên tiếp mở các lớp huấn luyện ở căn cứ địa vùng Bạc Liêu, Rạch Giá về hoạt động ở nông thôn và thành thị, về chủ nghĩa Mác - Lênin, đường lối cách mạng Việt Nam. Đồng chí Trang Dung đã tham gia giảng dạy tại các khóa huấn luyện này. Tổng Hội Giải Liên cũng mở các khóa đào tạo giáo viên dạy Hoa văn. Nhờ có sự chú ý trong công tác đào tạo, huấn luyện cán bộ nên trong cuộc kháng chiến chống Pháp đã có đội ngũ cán bộ Hoa vận khá đông đảo và có chất lượng.
Năm 1957, đồng chí Trang Dung tập kết ra Bắc, làm Chủ nhiệm Tổng hội Hoa liên kiêm Tổng Biên tập báo Tân Việt Hoa (đến năm 1969).
Từ năm 1958 đến năm 1976 ông còn là Ủy viên Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam khóa I, II.
Ông nghỉ hưu và năm 1992 mất tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Với công lao và thành tích to lớn của ông, Đảng và Nhà nước Việt Nam tặng ông Huân chương Độc lập hạng Hai, Huân chương Kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.