Đờn ca tài tử trong dòng chảy văn hóa dân gian

14/06/2018 15:53

Theo dõi trên

Là loại hình âm nhạc truyền thống đã tồn tại khá lâu trong đời sống tinh thần của người dân Nam Bộ, đờn ca tài tử (ĐCTT) đã trở thành bộ môn nghệ thuật thân thiết, gần gũi với đời sống cộng đồng. Đến nay, loại hình âm nhạc truyền thống này đang được quan tâm, khôi phục và có sức sống mãnh liệt trong nền văn hóa nghệ thuật của vùng đất chín rồng.

Từ nguồn gốc cung đình...

Là loại hình nghệ thuật được lưu truyền rộng rãi trong dân gian nhưng ĐCTT lại có nguồn gốc từ âm nhạc cung đình. Giới tài tử không lạ gì những bậc thầy đã sáng tạo ra ĐCTT, như: Nhạc sư Nguyễn Quang Đại (ông ba Đợi - vốn là nhạc quan trong triều Nguyễn), Trần Quang Quờn (thầy Ký Quờn) hay Lê Tài Khị (Nhạc Khị). Đây là những bậc kỳ tài, am hiểu sâu sắc về nhạc cổ. Vì thế, chữ “tài tử” trong đờn ca tài tử hàm ý chỉ những người có tài, am hiểu sâu về niêm luật và nhạc cổ.


 
Đờn ca tài tử, loại hình nghệ thuật độc đáo của dân tộc. (Ảnh minh họa).

 Là người hơn nửa thế kỷ gắn bó với ĐCTT, nghệ nhân ưu tú Đặng Hoàng Linh (sáu Lơn), cho biết: “ĐCTT có quá trình phát triển rất lâu và chia ra nhiều giai đoạn. Thời kỳ đầu chỉ có hòa đờn, về sau giới tài tử đưa thêm phần ca vào để minh họa cho các bài bản, các chữ đờn. Khi đó, người ta mới gọi là ĐCTT. Sang giai đoạn thứ 3, phần lời trong ĐCTT được sáng tác có chủ đề rõ ràng với nội dung giáo dục con người lòng yêu nước, thể hiện quan điểm sống có nhân, có nghĩa. Từ đó, hình thức ca ra bộ mới được khai sinh”.

Theo nghệ nhân sáu Lơn, ĐCTT lấy 20 bài bản tổ “làm chánh” với đủ các làn hơi Bắc - Hạ - Nam - Oán. Nhìn tổng thể, ĐCTT có đến mấy trăm bài bản lớn, nhỏ với đủ các cung bậc cảm xúc hỷ- nộ - ái - ố của cuộc đời. Bởi thế, ĐCTT là tiếng nói, là tiếng lòng của các bậc tiền nhân muốn gửi gắm, truyền đạt cho thế hệ tiếp theo. Tuy là nền âm nhạc có nguồn gốc từ chốn cung đình nhưng nội dung của ĐCTT lại hết sức giản dị, gần gũi và dễ tiếp thu. Đó là cơ sở để loại hình âm nhạc này “thấm sâu” vào nhận thức của người dân Nam Bộ vốn quen với cuộc sống chân thành, giản dị, phóng khoáng.

Đến quá trình đi vào đời sống dân gian

Nhờ nội dung gần gũi, bộc lộ được tính cách của người Nam Bộ nên ĐCTT được yêu thích rộng rãi trong đời sống cộng đồng. Cách sinh hoạt ĐCTT cũng khá đơn giản, chủ yếu xuất phát từ “cái tình” của những người tài tử với nhau. “Khoảng mấy chục năm trước, sinh hoạt ĐCTT phát triển len lỏi trong đời sống cộng đồng. Nếu gia đình nào có điều kiện, có thể làm tiệc nhỏ rồi mời những anh em tài tử đến chung vui. Không khí sinh hoạt thời đó rất hăng hái. Tài tử đờn cũng nhiều mà tài tử ca cũng lắm! Không nhất thiết phải biết nhiều bài bản, chỉ cần có tấm lòng và những am hiểu nhất định về niêm luật, nhịp nhàng là được” – nghệ nhân sáu Lơn nhớ lại.

Càng về sau, chữ “tài tử” trong ĐCTT dần được dân gian hóa với những nghệ nhân xuất thân từ đồng ruộng nhưng có tài năng trong lĩnh vực này. Bởi thế, nhiều người vốn là nông dân “rặt” nhưng lại thuộc nhiều bài bản và có thể ca (đờn) rất “cứng nhịp”, rất đúng bài bản mỗi khi sinh hoạt cùng anh em. Là người có thâm niên trong giới tài tử huyện Châu Phú, ông Nguyễn Văn Trụ (ba Trụ), thật tình: “Bản thân tôi đờn không hay nhưng mình có lòng đam mê. Người tài tử chú trọng đến tình nghĩa nên luôn lấy tình nghĩa mà đối xử với nhau. Với những người thực sự đam mê thì chỉ cần nghe tiếng đờn, tiếng ca là trong bụng lại thấy “bồn chồn”. Cũng nhờ ĐCTT mà tôi gặp gỡ được nhiều bạn hữu khắp nơi”.

Phân tích về tính quần chúng của ĐCTT, nghệ nhân sáu Lơn cho biết: “Bởi ĐCTT đã trở thành loại hình nghệ thuật quần chúng nên mọi đối tượng, tầng lớp trong xã hội bất kể nghèo - giàu, già - trẻ, trai - gái đều có thể tham gia. Người ta có thể trình diễn ĐCTT ở bất cứ đâu, miễn thấy hợp “rơ”, hợp hoàn cảnh là được. Đó là cơ sở để loại hình nghệ thuật này tồn tại trong lòng quần chúng đến ngày nay” – nghệ nhân sáu Lơn cho hay. Vì lấy cơ sở trên những cung nhạc “hò - xự - xang - xê - cống” vốn đã tồn tại trong lời ru, tiếng hát của người Việt nên ĐCTT còn mang cả tính dân gian, trở thành “tiếng nói” của người Việt ở vùng Nam Bộ.

“Hiện nay, ĐCTT đang được các cấp lãnh đạo và ngành chuyên môn quan tâm, khôi phục. Với việc sân khấu hóa loại hình nghệ thuật này đã tạo nên những “cú hích” thật sự cho quá trình phát triển của ĐCTT. Tôi tin rằng, với sự quan tâm của toàn xã hội, ĐCTT sẽ có bước phát triển cao hơn, xứng đáng là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trở thành niềm tự hào của mỗi người Việt Nam” - nghệ nhân sáu Lơn kỳ vọng.

Năm 2014, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO) đã trao Bằng vinh danh Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ. Đây là di sản văn hóa phi vật thể thứ 8 của Việt Nam được UNESCO công nhận và được bảo vệ ở cấp độ quốc tế, thể hiện sự trân trọng và ngưỡng mộ của cộng đồng thế giới đối với loại hình nghệ thuật độc đáo này của Việt Nam.

Thanh Tiến
Theo Báo An Giang

Bạn đang đọc bài viết "Đờn ca tài tử trong dòng chảy văn hóa dân gian" tại chuyên mục Văn hiến phương Nam. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.