Đọc “Hoa hồng không nói" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến

08/03/2021 21:23

Theo dõi trên

Trong rất nhiều bài thơ tình của Nguyễn Việt Chiến, tôi thích bài "Hoa hồng không nói" hơn cả. Không hẳn đây đã là bài thơ hay nhất của anh, vì anh còn rất nhiều bài hay nữa trong tập “Hoa hồng không vỡ”, nhưng tôi thích vì đồng cảm, thấy thương những người đàn bà trong thơ anh, thương cả những người đàn ông nữa.



Nhà thơ Nguyễn Việt Chiến. Ảnh: Internet


Hà Nội một ngày giá buốt, sao thấy buồn não nề... Tình cờ tôi vào trang facebook và đọc được một bài thơ khá hay của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến với nhan đề “Hoa hồng không nói”. Chà chà, đúng là hoa hồng không nói... thì thật đáng sợ lắm. Hình như có điều gì đang nhói lên trong lòng mình khi tôi đọc khổ thơ đầu tiên:
 
“Anh chỉ là một cơn mưa bóng mây  
 
Một cơn mưa chẳng làm ai nhớ cả
 
Em còn đấy mà quá chừng xa lạ
 
Khi xa lạ hết rồi ta đã chẳng còn nhau...”
 
Một lời tự thú, một lời nhận lỗi hay thậm chí là lời biện bạch? Dù thế nào cũng vẫn là đáng quý khi người đàn ông tự nhận thấy mình có lỗi và có chút ăn năn khi quay về...
 
“Mắt em buồn vời vợi suốt đêm sâu
 
Cháy thảng thốt, xa xôi từng đốm lửa
 
Ngọn lửa ưu phiền, bài ca sắp vỡ
 
Những mảnh đêm ở trong thịt, trong da”
 
Tôi rất thích câu “Ngọn lửa ưu phiền, bài ca sắp vỡ”, nghe thấy rưng rưng nước mắt đàn bà và quả là đớn đau vô cùng khi “những mảnh đêm ở trong thịt, trong da” của những người đàn bà yêu đắm yêu say người đàn ông của mình mà luôn phải nhận về sự hờ hững, thậm chí là phụ bạc.
 
Nhà thơ viết rất hay về nỗi đau của đàn bà và vẫn ca ngợi những người vợ (hay thậm chí là người tình) với những lời tuyệt mỹ:
 
“Áo em đen lồ lộ một bình hoa
 
Hoa sen trắng những ao đầm mùa hạ
 
Thao thức cùng em hương sen đến ngủ
 
Anh chỉ giận mình chợt mưa bóng mây...”
 
Người đàn bà trong thơ Nguyễn Việt Chiến chắc hẳn là đẹp lắm, bởi những người đàn bà vẫn luôn đẹp trong mắt người mình yêu, ấy là thứ hương sắc trinh nguyên trời cho, sự đẹp đẽ và thanh khiết của “Hoa sen trắng những ao đầm mùa hạ”.
 
Khen xong nhưng chưa xong đâu. Ôi trời, lại tiếp tục là màn “ôn nghèo kể khổ" nghe cứ thương thương là, nhưng quả thật rất đáng yêu bởi toàn lànhững “dấu ấn" khó quên cho những người phụ nữ:
 
“Anh đến ru em qua khô hạn mỗi ngày
 
Ru đến hụt hơi vẫn tưởng mình là sóng bể
 
Rồi anh thiếp đi trên cánh đồng kiệt quệ
 
Trong giấc mơ mình toàn mưa bống bang”
 
Người đàn bà trong thơ chắc cũng khó mà giận dỗi mãi được trước sự chân thành đó và chắc chắn sẽ thương lắm khi “Anh đến ru em qua khô hạn mỗi ngày” và “Rồi anh thiếp đi trên cánh đồng kiệt quệ". Cứ kiệt quệ đi, rồi lại sung túc ngay thôi mà. Hay khiếp mà cũng khôn khiếp lên được khi chàng biết “lấy công chuộc tội” với đàn bà, đúng là các cụ xưa nói quả không sai: “đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu”.

Nàng sẽ lại nằm lim dim mà nghe lời ru ngon ru ngọt, ít ra tôi cứ tưởng tượng ra như thế, sao lại không nhỉ, khi những lời thủ thỉ, à ơi còn hơi thở “đáng ghét” bên tai nàng và vòng tay ấm áp kia đang xiết chặt:
 
“Anh sẽ kể em nghe sự tích hoa hồng vàng
 
Con chim mùa thu trong cánh rừng gai tím
 
Nàng Bạch Tuyết trở về trong đêm cùng ngọn nến
 
Đặt trên giường ba điều ước của em”
 
Nhà thơ lại đánh trúng con tim vốn mềm yếu và yêu thương của phụ nữ khi được ru về ngày cũ, ru giấc tuổi thơ bình yên, đẹp đẽ ngày xa xưa:
 
“Thôi hãy trở về tuổi thơ bình yên
 
Hoa lan tiêu từng chùm hương ký ức
 
Thơ em viết về khoảng trời mơ ước
 
Hoa vẫn hồng lặng lẽ trước ngàn gai”
 
Hoá ra cô nàng cũng làm thơ, cũng từng mộng mơ và khao khát, bay bổng mây xanh nên rất hiểu “người đàn ông thơ” của mình. Sự tha thứ hay là sự rộng lượng vị tha vẫn đẹp, nồng nàn và quyến rũ như hoa hồng “lặng lẽ trước ngàn gai”.
 
Và cái kết câu chuyện “Hoa hồng không nói” trở nên lung linh và rực rỡ vô cùng. Một cái kết có hậu và tuyệt vời làm sao:
 
“Em chợt về như một đoá ban mai
 
Em đánh thức những cánh đồng buồn bã
 
Hoa vẫn hồng không một ai đói cả
 
Dẫu gian lao ngờ vực vẫn còn đầy"



Tranh của Phạm Thị Phương Thảo
 
Người đàn bà được yêu trở nên tuyệt đẹp và thánh thiện khi “Em chợt về như một đoá ban mai”, ta cũng có thể liên tưởng đến một ban mai rực hồng sau đêm dài ủ rũ, và nàng đang “đánh thức những cánh đồng buồn bã” trở nên tươi vui và xanh ngời ngợi dẫu khó khăn và những thách thức cùng sự ngờ vực vẫn còn... Bài thơ hay vì sự chân thực đã làm lay động trái tim yêu của phụ nữ.
 
Trong rất nhiều bài thơ tình của Nguyễn Việt Chiến, tôi thích bài này hơn cả. Không hẳn đây đã là bài thơ hay nhất của anh, vì anh còn rất nhiều bài hay nữa trong tập “Hoa hồng không vỡ”, nhưng tôi thích vì đồng cảm, thấy thương những người đàn bà trong thơ anh, thương cả những người đàn ông nữa. Họ tự giận mình vì từng dại dột là những cơn mưa bóng mây khi thoảng qua đời người phụ nữ khác, đàn ôngmà... Hãy tha thứ cho họ đi dù cũng đáng trách. Nhưng có lẽ chúng ta không nên trách họ nhiều, vì tình yêu vẫn mãi luôn là những run rẩy, dại dột và bất ngờ như cơn mưa bất chợt, khó mà nói trước được điều gì, nhất là với một nhà thơ lãng mạn.

Bạn sẽ hỏi tôi rằng: “Có phải là điều may mắn hay là sự bât hạnh cho phụ nữ khi yêu các anh nhà thơ?". May đấy chứ, tôi vẫn nghĩ thế. Bởi người làm thơ sẽ không sống độc ác, trong họ luôn tràn đầy cảm xúc yêu thương và chia sẻ. Hơn nữa bạn sẽ có được sự vỗ về, an ủi theo nhiều cách, ít nhất các bạn cũng được nhà thơ chia sẽ chút kinh nghiệm nho nhỏ rồi đó.
 
“Hoa hồng không nói” - Một bài thơ tình đẹp và sâu sắc về phụ nữ, về tình yêu, khát vọng, đam mê rất thực và cũng rất ảo. Dẫu “hoa hồng không nói“ mà hoa hồng hiểu, hoa hồng yêu, hoa hồng đau, hoa hồng thương... lại nói lên rất nhiều điều, bởi “hoa vẫn hồng trước lặng lẽ ngàn gai“!
 
Phạm Thị Phương Thảo

Bạn đang đọc bài viết "Đọc “Hoa hồng không nói" của nhà thơ Nguyễn Việt Chiến" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.