
Tranh gương vẽ tĩnh vật là một trong ba loại về nội dung độc đáo của loại tranh này
Tranh gương cung đình Huế là một loại hình tranh mang bản sắc riêng của Huế bởi xuất xứ, cách thể hiện cùng chất liệu độc đáo của chúng. Tranh gương được đóng trong những khung gỗ chạm thếp vàng, khá cầu kỳ, thực sự là những bức tranh độc lập.
Về chất liệu thì loại tranh này dùng chất liệu là bột màu pha keo, hoặc sơn, được vẽ hoặc khảm xà cừ vào mặt sau của gương (vẽ màu hoặc khảm trực tiếp theo lối “phản họa” lên mặt gương - tức vẽ kiểu âm bản ở mặt sau để nhìn mặt trước thành dương bản).
Theo Thái Văn Kiểm, tác giả cuốn Cố đô Huế, thì loại tranh gương cung đình đều có nguồn gốc từ Trung Quốc. Nguyên là vua Thiệu Trị(1841 - 1847) có tập thơ Thần kinh nhị thập cảnh, vịnh 20 cảnh đẹp của đất Huế, đã gởi các bài thơ này qua Trung Quốc đặt vẽ. Mỗi bài thơ này được thể hiện thành một bức tranh gương, sau đó mới mang trở về kinh đô Huế, treo tại các miếu điện.

Tranh gương được đặt 2 bên trong án thờ lăng vua Thiệu Trị
Về mặt chủ đề nội dung, tranh gương cung đình Huế về cơ bản cũng gồm 3 loại chính: Loại 1, tranh cao cấp “thi họa” hay tranh thơ ngự chế là loại tranh vịnh cảnh, hiện tại Huế. Các bức tranh này cũng chia làm một số loại như tranh đề vịnh các cảnh đẹp của đất Thần kinh (chủ yếu là 20 cảnh đã được vua Thiệu Trị xếp hạng); tranh minh họa các bài thơ đề vịnh các mùa trong năm, vịnh các cảnh mà vua bất chợt tức cảnh đề thơ. Loại 2, tranh không đề thơ là loại tranh minh họa cho các điển tích trong lịch sử của Trung Hoa như: Nhậm dụng tam kiệt, nói về Hán Cao Tổ dùng 3 người tài, Chiêu nho giảng kinh, nói về tích Hán Tuyên đế mời thầy giáo đến giảng kinh sách, còn Dạ phân giảng kinh là tích Hán Quang Vũ tổ chức giảng kinh vào lúc nửa đêm. Loại 3, tranh vẽ tĩnh vật thì chỉ xoay quanh 2 chủ đề chính là bát bửu cổ đồ và các loại hoa quả. Những kỷ biến đổi nhiều dáng, được viền bằng những đường hồi văn; màu sắc phong phú, thường là màu nền khói hương, hoặc xanh da trời, hoặc đen huyền, trên đó nổi bật màu đỏ chu của kỷ, màu xanh ngọc của bình hoa... làm cho bức tranh tĩnh vật nào cũng lộng lẫy mà có duyên thầm”.
Mặc dù là một loại hình tranh rất độc đáo, mang bản sắc đặc trưng của mỹ thuật cung đình Huế thời Nguyễn, nhưng đến nay vẫn chưa có một sự quan tâm đầu tư nghiên cứu và bảo tồn đúng mức về tranh gương cung đình Huế.
Hy vọng tương lai không xa, cơ quan chức năng sẽ có cơ chế và chính sách hợp lý để bảo tồn và phát huy dòng tranh độc đáo này.