Trống Sakho-Somphô là loại trống có 2 mặt được bịt bằng da bò. Mặt lớn có âm trầm, mặt nhỏ có âm bổng. Đàn thuyền gồm những thanh gỗ hoặc bằng tre hình chữ nhật, ghép lại với nhau thành 1 xâu dài được máng vào 1 thùng gỗ như chiếc thuyền nhỏ. Khi sử dụng, nhạc công dùng 2 cây dùi gỗ gõ nhẹ trên các thanh tre hoặc thanh gỗ để tạo ra âm thanh. Dàn nhạc ngũ âm còn có bộ cồng gồm nhiều quả cồng nhỏ có núm, được làm bằng đồng. Dàn cồng này được xâu lại và đặt trên một giá đỡ hình bán nguyệt. Người đánh cồng ngồi trong vòng cong đó, dùng 2 dùi có bọc da để gõ. Tùy theo độ dài, mỏng, lớn hay nhỏ của từng quả mà phát ra âm thanh khác nhau. Do cấu tạo khác nhau, nên mỗi loại nhạc cụ đều có đặc trưng về âm thanh riêng biệt. Khi dàn nhạc ngũ âm cùng hòa hợp sẽ hỗ trợ cho nhau, tạo thành một bản nhạc vô cùng độc đáo. Với tiếng trống bập bùng trỗi lên, âm vang chủ đạo làm thay đổi hẳn không khí lễ hội, lúc như thúc giục, khi thì khoan thai, cuốn hút mọi lứa tuổi. Ngoài sự hòa âm ở những nhạc cụ chính trong dàn, nhạc ngũ âm còn phối hợp hài hòa với các nhạc cụ khác như: Đờn cò, đờn 2 dây, đờn gáo… hoặc có thể tách ra thành những nhạc cụ riêng lẻ để dễ thể hiện trong các điệu múa dân tộc, dân gian khác của đồng bào Khmer.
Ông Chau Út (54 tuổi, xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên), người có thể chơi được tất cả nhạc cụ trong dàn nhạc ngũ âm cho biết, nhạc ngũ âm của người Khmer rất hay và độc đáo nhưng để sử dụng thành thạo các nhạc cụ này đòi hỏi người sử dụng phải hiểu được cách hòa âm, thật sự yêu và sáng tạo mới thể hiện được một cách chuyên nghiệp. “Để biết sử dụng cơ bản loại hình nhạc cụ này phải mất khoảng 4 tháng để đào tạo, nếu muốn sử dụng thành thạo hơn đòi hỏi phải có quá trình tập luyện lâu dài”- ông Chau Út chia sẻ. Hiện nay, ông Chau Út là Đội trưởng Đội nhạc ngũ âm chùa Thom Mít (xã Vĩnh Trung, Tịnh Biên). Không chỉ biểu diễn, ông Chau Út còn dạy cách sử dụng các nhạc cụ cho mọi người, nhất là các em nhỏ và đội nhạc của các chùa khác. “Những nhạc công trong đội đã khuyến khích con em mình theo học. Nhiều em tuy tuổi đời còn nhỏ nhưng lại rất đam mê âm nhạc dân tộc mình. Thanh, thiếu niên muốn học thì chúng tôi đều mở lớp cho học hết, để biết và giữ gìn nhạc truyền thống, đây là bản sắc văn hóa dân tộc…” - ông Chau Út nói.
Hiện nay, do nhu cầu của cuộc sống, nhạc ngũ âm đã mở rộng phạm vi hoạt động, xuất hiện biểu diễn trong các cuộc liên hoan mừng công và trình diễn trong Ngày hội văn hóa- thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer… nên ngoài việc phục vụ cho chùa và bà con trong phum, sóc, các đội nhạc ngũ âm còn tổ chức giao lưu, biểu diễn nhiều nơi. Đây là cách để các dàn nhạc ngũ âm được giao lưu, học hỏi với nhau và giới thiệu cho mọi người biết nhiều hơn về nhạc ngũ âm, dàn nhạc truyền thống độc đáo của đồng bào Khmer.