Các nghệ nhân làng gốm Bàu Trúc thường chọn người châm lửa, xem hướng gió, ngày giờ tốt trước khi nung. Họ chỉ đốt lò vào buổi chiều ít gió hoặc gió nhẹ và đốt theo chiều ngược gió. Hầu hết các dòng gốm dùng lò nung, riêng gốm Bàu Trúc được nung lộ thiên bằng rơm và củi với nhiệt độ khoảng 400 - 6000C trong thời gian 4 - 6h (tùy theo sản phẩm và kinh nghiệm). Gốm chín ra lò có màu vàng đỏ, đỏ hồng, nâu, đen xám đặc trưng, mang đậm phong cách, nét văn hóa rất riêng của dòng gốm Bàu Trúc.
Phương thức tạo hình, đường nét trang trí, cách tạo màu và xử lý nhiệt khi nung, tất thảy đã tạo nên hồn cốt của dòng gốm Bàu Trúc, một di sản sống hiện hữu giữa thời buổi kinh tế thị trường. Mới đây, nghề làm gốm Bàu Trúc vừa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục 12 Di sản văn hóa phi vật thể của Quốc gia và trình UNESCO xét duyệt, công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại. Đây thực sự là bước đi cần thiết để gìn giữ một di sản vô cùng đặc sắc.
Theo dân gian truyền tụng, tổ nghề của gốm Bàu Trúc là ông Poklong Chanh. Hơn ngàn năm trước, ông từ chối làm quan triều đình về làng dạy cho phụ nữ cách lấy đất, nặn rồi nung thành những dụng cụ, vật trang trí trong nhà. Để tỏ lòng biết ơn tổ nghề, người dân làng gốm Bàu Trúc đã lập đền thờ tưởng nhớ và tổ chức cúng tế ông vào dịp lễ hội Katê hàng năm (khoảng từ cuối tháng 9 đến tháng 10 dương lịch).
(Theo Làng Việt)