Những chiếc đèn gió được trang trí xung quanh các ngôi chùa Khmer để đón ngày hội Ok-Om-Bok.
Lễ hội Ok-Om-Bok thường có hai phần: phần lễ và phần hội. Phần lễ thường bắt đầu vào ngày 14 tháng Mười, người dân quây quần cùng nhau làm cốm dẹp, treo đèn gió, chờ khi trăng lên là bắt đầu thả đèn. Phần hội diễn ra vào ngày Rằm với các trò chơi dân gian như kéo co, đua ghe ngo, giao lưu văn nghệ với sự tham gia của đồng bào Kinh, Hoa... tạo nên một lễ hội đoàn kết, thống nhất trong cộng đồng. Trước ngày diễn ra lễ, gần như mọi nhà đều có trang trí những chiếc đèn gió trước sân chờ đến ngày trăng lên để thả đèn với ngụ ý tạ lễ cho mặt trăng. Người Khmer coi mặt trăng là vị thần điều động mùa màng, đem đến cuộc sống hạnh phúc, ấm no cho con người.
Chúng tôi đến ngôi chùa nằm gần khuôn viên khu du lịch Ao Bà Om (tỉnh Trà Vinh) vào thời điểm không khí lễ hội tràn ngập khắp con đường, ngõ phố, nơi có đông đồng bào Khmer sinh sống. Những ngày này, công việc mùa màng được thu xếp xong, mọi người quây quần bên nhau để làm đèn gió hưởng ứng lễ hội tạ ơn này. Những chiếc đèn gió được người dân tỉ mỉ thực hiện, chiều cao của lồng đèn tầm 1m, chu vi tròn chừng 0,8m được kết lại bằng keo và thanh tre cùng một sợi dây để cột chất đốt; chất đốt được làm từ bông và dầu dừa.
Theo một số vị cao niên đồng bào Khmer, điều quan trọng khi làm chiếc đèn gió là phải cân bằng được ngọn lửa để khi đốt không bị va vào giấy quyến bao bọc bên ngoài. Khi làm xong đèn gió, mọi người bắt ghế treo lên cao, đợi đến ngày 14 sẽ thả đèn bay lên không trung đón ánh trăng rằm. Khi đốt lửa, không khí bên trong mất đi, tạo nên một lực đẩy đèn gió bay lên cao, đung đưa theo gió. Trong ngày hội Ok-Om-Bok truyền thống, đồng bào dân tộc Khmer mong muốn rằng, đèn gió sẽ mang đi những điều không may mắn, đem những lời khấn nguyện, ước muốn tốt đẹp đến với thần Mặt Trăng, giúp cho công việc của họ sẽ gặp nhiều thuận lợi, may mắn.
Những chiếc đèn gió càng thêm lung linh, đầy màu sắc khi nó được mọi người xúm xít, đồng thanh thả lên rực rỡ cả bầu trời đêm. Sau khi thả đèn gió xong, mọi người hạ mâm cúng, cùng nhau ăn uống gọi là hưởng lộc của thần Mặt Trăng, cùng nhau kể chuyện sản xuất, mùa màng. Những câu chuyện vui đùa sẽ được mọi người kể cho nhau nghe trong đêm trăng lung linh tạo nên nét sinh hoạt mang đậm chất văn hoá của đồng bào dân tộc Khmer Nam bộ.
Du khách nước ngoài ấn tượng với những chiếc đèn gió.
Theo Hiền Lê (Dân Việt)