Dịu hiền em - Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc và thơ

07/12/2021 22:18

Theo dõi trên

Dịu hiền là bài thơ của Phạm Việt Long, ca ngợi sự dịu hiền của người phụ nữ. Đồng cảm với tác giả thơ, nhạc sĩ Phan Văn Bích đã phổ nhạc để có ca khúc Dịu hiền em, một bài hát trữ tình êm dịu, đằm thắm.

Như người ta thường nói, đôi mắt là cửa sổ tâm hồn, Phạm Việt Long đã nhìn vào đôi mắt để nhận ra sự dịu dàng của người con gái: “Dịu hiền là đôi mắt em/Mênh mông sâu thẳm một miền yêu thương”. Không những vậy, tác giả còn nhận ra bản chất của sự dịu hiền, đó là tình yêu thương! Biện pháp chuyển ngữ được tác giả sử dụng để cụ thể hóa một khái niệm trừu tượng: MIỀN yêu thương. Vậy là, ta có thể nhìn thấy, có thể lãng du trên cái miền ấy, như là một miền đất, một miền quê! Có thể do chưa thẩm thấu được ý nghĩa sâu xa của sự chuyển ngữ này, mà ca sĩ đã hát thành NIỀM yêu thương – cũng được thôi, nhưng hẹp quá và thiếu tính biểu trưng!

phan-van-bich-1637327033-1638890248.jpg
Cố nhạc sĩ Phan Văn Bích

Tiếp đó, tác giả nhìn cuộc đời qua con mắt người con gái, thì ôi thôi, đối lập với sự dịu hiền là thói “ghét ghen, danh lợi vẫn thường quanh ta”! Phải nhìn nhận một cách khách quan để thấy rằng, cuộc đời này không chỉ có dịu hiền, mà còn có cả những điều xấu xa, ác độc. Nhìn để thấy, để cảnh giác, nhưng vẫn vững lòng tin, tin ở sức mạnh của sự dịu hiền, sẽ lấn át cái ác độc: “Trước em sẽ phải nhạt nhòa/Như màn đêm trước chan hòa bình minh!”.

Vững tin như vậy rồi, tác giả khẳng định sức mạnh của sự dịu hiền. Ở nguyên bản, đoạn này thuộc thể thơ lục bát. Nhưng, nhạc sĩ đã có sự sáng tạo khi chuyển sang thể thơ tự do, mà vẫn giữ nguyên được ý tứ của cả bài thơ. Bởi vì, thể thơ lục bát, với sự tiếp diễn đều đặn của câu 6 chữ rồi đến câu 8 chữ, tạo nên một giai điệu êm đềm, nhưng nếu cứ lặp đi lặp lại mãi, dễ bị dàn trải, nhàm chán, không có đất để phát triển âm nhạc. Do vậy, với sự ngắt câu llinh hoạt của thể thơ tự do, nhạc sĩ đã tạo nên đoạn nhạc phát triển cực kỳ mạnh mẽ trên nền trữ tình của điệu La thứ. Thơ, nhạc ở đây quấn  quýt, vẽ nên bức tranh sinh động về sự dịu hiền. Với cảm quan của người dân miền nhiệt đới nông nghiêp, cuộc đời luôn luôn gắn với cây cỏ hoa lá, hai tác giả đã ví sức mạnh của sự dịu hiền là sức mạnh vun trồng, dựng xây: “Dịu hiền em/Là nhựa sống cho cây vươn mầm xanh lộc biếc”. Sự ví von mới tinh tế làm sao. Sự dịu hiền vốn âm thầm, lặng lẽ, giống như nhựa cây chạy ngầm trong thân cây, nhưng là nguồn năng lượng vô tận nuôi dưỡng cây từ gốc rễ tới cành, nhành, lá, để cây vươn mầm xanh lộc biếc và rồi sẽ đơm hoa kết trái! Có thể liên tưởng tới ý bên trong của câu thơ, là chính sự dịu hiền làm sinh sôi, nảy nở những gì tốt đẹp nhất của cuộc sống. Tiếp tục với mạch liên tưởng, thơ và nhạc dẫn đến một kết quả tất yếu của sự vun trồng, đó là mật ngọt sẽ trào dâng để tận hiến cho đời. Sự dịu hiền sẽ đem lại cho cuộc đời những gì tốt đẹp nhất! Âm nhạc của Phan Văn Bích trong trường đoạn này có tiết tấu dồn dập như những đợt sóng xô, dạt dào, mãnh liệt để lên cao trào, rồi chậm dần, dàn trải trở lai, chuẩn bị cho sự kết thúc.

Với cộng đồng thì như vậy còn với cá nhân? Chính sự dịu hiền của em sưởi ấm lòng anh, là bến bờ bình yên của anh! Đây là một ý khái quát sâu sắc và chính xác về gia đình, về vai trò của người phụ nữ với người đàn ông. Lao động, đấu tranh giữa cuộc đời đầy ngang trái, bão giông, người đàn ông có lúc cô đơn, giá lạnh, có lúc bị sóng gió dập vùi! Thì đây, gia đình, với người phụ nữ dịu hiền, là nơi đón anh về, chăm sóc, động viên để anh trở lại bình yên, lấy lại sinh lực, tiếp tục xông pha giữa bão tố cuộc đời.

Kết bài, tác giả thơ thể hiện tính nhân văn sâu sắc khi nhắn nhủ người phụ nữ: “Dù đời còn lắm bon chen/Thì em vẫn cứ dịu hiền… nghe em!”, đó là thứ tha, là buông bỏ, là “Lấy nhân nghĩa thắng hung tàn/lấy trí nhân thay cường bạo”! Phù hợp với ca từ, âm nhạc trở lại êm đềm, sâu lắng, chậm dần, nhỏ dần, để rồi đọng lại mãi trong tâm hồn người nghe...

Dịu hiền là đôi mắt em

Mênh mông sâu thẳm một miền yêu thương

Dù đời còn lắm trái ngang

Ghét ghen, danh lợi vẫn thường quanh ta

Trước em sẽ phải nhạt nhòa

Như màn đêm trước chan hòa bình minh!

 

Dịu hiền em

Là nhựa sống cho cây vươn mầm xanh lộc biếc

Dịu hiền em

Là mật ngọt cho đời, cho người mãi thương nhau

Dịu hiền em

Ngọn lửa hồng tỏa lan khi lòng anh lạnh giá

Khi đời anh gặp phong ba

Dịu hiền em đó bến bờ bình yên

 

Dù đời còn lắm bon chen

Thì em vẫn cứ dịu hiền… nghe em!

Phạm Việt Long
Bạn đang đọc bài viết "Dịu hiền em - Sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa nhạc và thơ" tại chuyên mục Văn nghệ sỹ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.