Đình Yên Trường - Di tích lịch sử cấp quốc gia mới được tu bổ đã xuống cấp nghiêm trọng

23/07/2015 11:37

Theo dõi trên

Đình Yên Trường thuộc xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội, là nơi thờ 2 vị tướng trung thần thời Hai Bà Trưng. Đình được Bộ Văn hóa Thông tin nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL) xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia từ năm 1992, hiện do UBND huyện Ứng Hòa tổ chức quản lý theo phân cấp của thành phố.

Đình Yên Trường mới được tu bổ từ năm 2011 nhưng đến nay đã xuống cấp nghiêm trọng: Mái nhà Đại đình bị võng, ngói tụt rơi xuống sân, gỗ trong đình và hậu cung mới thay thế đã bị mối mọt, hai bục chính của đình Đại Bái bị xúc bỏ cào bằng...
 
 
Toàn cảnh Đình Yên Trường
 
5,7 tỷ đồng tu bổ và thời gian 2 năm xuống cấp
 
Năm 2011, đình Yên Trường được tu bổ các hạng mục Đại bái, Hậu cung, Tả - Hữu mạc. Quá trình tu bổ được một thời gian bị dừng lại do một số nguyên nhân. Sau khi Thanh tra Bộ VH,TT&DL nhận được bài thơ "Thánh cũng bó tay" của ông Ngô Quang Khải thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, thành phố Hà Nội phản ánh vào đầu năm 2012, công việc sửa đình mới tiếp tục được duy trì, hoàn thành.
 
Sau 2 năm tu sửa, đến năm 2014, ngôi đình đã có dấu hiệu xuống cấp. Trong thư gửi Bộ trưởng Bộ VH,TT&DL ngày 20/12/2014, ông Ngô Quang Khải viết rõ: "Ngày khởi công cán bộ có nói kinh phí sửa đình là 5 tỷ 7. Thợ thuyền và người dân đều hồ hởi và phấn khởi. Tin trắc rằng với số tiền lớn vậy, đình sẽ được tu sửa đẹp đẽ... Hậu cung đình là nơi Thành hoàng làng ngự. Trước không sao, từ khi thợ thay chỉnh, thay rui mè trên mái, mới đó thôi, không hiểu gỗ nhóm nào mà đã mọt hàng đống, thật đau lòng là vào ngai của các ngài?!!! Đình có 5 gian: Sau khi tu sửa thì mái trước của đình gần năm nay, tàu mái trước bị võng, ngói chờ sụt nếu có mưa to. Và sự việc đã đúng. Đêm 13/12/2014 mái đình chính, phía trước đã tụt gần 2m2 ngói xuống sân...".
 
Trong công văn số 213/SVHTTDL - QLDT ngày 21/1/2015 của Sở VH,TT&DL thành phố Hà Nội gửi UBND huyện Ứng Hòa cũng đã khẳng định: "Hiện nay, mái nhà Đại đình bị võng, ngói sụt rơi xuống sân, có dấu vết rui gỗ bị mọt tại Hậu cung. Bước đầu, đoàn kiểm tra xác định nguyên nhân ngói sụt là do chi tiết tay co đỡ tầu mái và lá mái không đảm bảo cấu trúc nên lá mái không đỡ được ngói lợp, dẫn đến hiện tượng ngói bị xô, sụt rơi vỡ. Vì vậy, phản ánh của ông Ngô Quang Khải là có thật".

Dân phản ánh: Đình sau khi được tu bổ có hạng mục không đúng với hiện trạng ban đầu
 
Theo nguồn thông tin phản ánh nhận được, phóng viên đã trực tiếp về thôn Yên Trường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa để tìm hiểu. Tại đây, cụ Mai Danh Lộc (người được người dân tin tưởng giao trông nom đình) cùng nhiều người dân cho biết: Đình có 5 gian. 2 gian đốc có 2 bục gồm một bên Tước và một bên Sỉ. Bên Tước dành cho chức sắc trong làng, ngày hội làng, anh em, con cháu là cán bộ của Nhà nước, có học hàm, học vị được làng mời ngồi dự hội để làm gương cho lớp trẻ trông vào học tập, phấn đấu mang danh về làng. Bên Sỉ là trọng người cao tuổi trong làng. Ngày xưa các cụ xây, đến khi sửa đình họ cho xúc bỏ cào bằng. Đó là nỗi đau với làng! Trước tết, làng đã phải bỏ ra 24.181.000 đồng để sửa sang, tôn tạo 2 bục Tước và Sỉ. Trong phía cung cấm, chỗ "các ngài ngồi" mưa bị dột, các cụ trong làng bàn cách mua bạt về để căng. Gỗ thay thế không đảm bảo chất lượng nên bị mối mọt nhiều.
 


Mái đình bị võng, sụt



Thực trạng các gỗ được thay để tu bổ đình đều bị mọt

Trước thực trạng trên, người dân thôn Yên Trường (đại diện là ông Ngô Quang Khải) đã nhiều lần có đơn thư phản ánh lên các cơ quan có thẩm quyền, bày tỏ nguyện vọng sửa chữa những chỗ hư hỏng, sớm khắc phục tình trạng xuống cấp của một Di tích lịch sử cấp quốc gia... Cụ thể: Ông Ngô Quang Khải đã lần lượt có đơn gửi tới Thanh tra Bộ VHTTDL, Cục Di sản Văn hóa.
 


Công văn của Sở VHTTDL thành phố Hà Nội gửi UBND huyện Ứng Hòa



Văn bản của Thanh tra Bộ VHTTDL đề nghị Sở VHTTDL thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý công tác tu bổ, tôn tạo di tích đình Yên Trường



Công văn của Sở VHTTDL thành phố Hà Nội đề nghị UBND huyện Ứng Hòa giải quyết đơn thư của ông Ngô Quang Khải



Văn bản của Cục Di sản Văn hóa chuyển đơn thư của ông Ngô Quang Khải đến Sở VHTTDL thành phố Hà Nội để giải quyết
 
Cùng với đó, Thanh tra Bộ VHTTDL đã có văn bản số 121/TTr-VHGĐ ngày 19/12/2014 và Cục Di sản Văn hóa có văn bản số 19/DSVH-DT ngày 13/1/2014 chuyển đơn thư của ông Ngô Quang Khải đến Sở VHTTDL thành phố Hà Nội đề nghị xem xét, giải quyết. Sở VHTTDL thành phố Hà Nội có công văn số 213/SVHTTDL-QLDT ngày 21/1/2015 về việc đình Yên Trường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa xuống cấp đề nghị UBND huyện Ứng Hòa chỉ đạo chủ đầu tư, các đơn vị thi công, tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát phối hợp kiểm tra, đề xuất phương án kỹ thuật để sửa chữa những chỗ hư hỏng và bố trí kinh phí sớm khắc phục tình trạng trên, đảm bảo an toàn, kịp phục vụ nhân dân trong dịp Tết Nguyên Đán năm Ất Mùi 2015...
 
Hội làng tổ chức vào mùng 8 tháng giêng hằng năm nhưng năm nay, hội làng đã không thể tổ chức do hiện trạng đình làng vẫn chưa được khắc phục. Đến nay đã qua tết Nguyên Đán rất lâu, hiện trạng đình Yên Trường xuống cấp vẫn còn bỏ ngỏ, đời sống văn hóa tinh thần của người dân chưa được đáp ứng, hoạt động tu sửa đình Yên Trường trên thực tế chưa diễn ra.
 
Cụ Mai Danh Lộc- cụ từ trông nom đình Yên Trường, lo lắng khi nhiều tháng ngày qua đi mà đình vẫn chưa được sửa chữa. Cụ chia sẻ: "Sân đình buổi chiều có nhiều trẻ con đến chơi, mái đình bị sụt ngói, võng xuống, rủi ra nó mà sập xuống sẽ vào đầu các cháu nên lo về sự an toàn cho các cháu lắm".
 
Với thực trạng xuống cấp nghiêm trọng hiện nay của đình Yên Trường, xã Trường Thịnh, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, rất mong chính quyền địa phương sát sao quan tâm, sớm có biện pháp khắc phục, triển khai hoạt động sửa chữa nhằm bảo tồn Di tích lịch sử quốc gia đang bị xuống cấp nghiêm trọng chỉ sau 2 năm trùng tu, tôn tạo; phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa tinh thần của người dân; góp phần gìn giữ nét đẹp không gian văn hóa dân tộc.
 
Trần Nhung

Bạn đang đọc bài viết "Đình Yên Trường - Di tích lịch sử cấp quốc gia mới được tu bổ đã xuống cấp nghiêm trọng" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.