Thanh Chương

"Đình làng Xứ Đoài, những điều còn - mất"

17/12/2015 14:56

Theo dõi trên

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều ngôi đình ở xứ Đoài được đồng loạt trùng tu và để lại những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa.



 Ảnh minh họa - Nguồn: internet

Khoảng 10 năm trở lại đây, nhiều ngôi đình ở xứ Đoài được đồng loạt trùng tu và để lại những hậu quả đáng tiếc, đặc biệt là vi phạm nghiêm trọng Luật Di sản văn hóa. “Không trùng tu sẽ chết dần, trùng tu thì chết ngay lập tức” - nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân nói về tình trạng những ngôi đình làng hiện nay. Thiếu công nghệ trùng tu và nhận thức chưa đúng về di sản cốt lõi của văn hóa làng là nguyên nhân khiến sau khi trùng tu, đình còn - hồn mất. Văn hóa làng là cốt lõi của văn hóa Việt Nam từ thế kỷ XIX trở về trước, và đình là cốt lõi của văn hóa làng, là nơi tích tụ văn hóa làng. Theo nhà phê bình mỹ thuật Nguyễn Quân, kiến trúc Việt Nam đóng góp cho thế giới cũng là cái đình - kiến trúc gỗ nguyên cây lớn và là ngôi nhà có 4 chức năng được giữ đầy đủ cho đến thời hiện tại: hoạt động tôn giáo, nhà văn hóa, nhà hành chính và hoạt động kinh tế. Đây là đặc điểm không nước nào có. “Các nhà quản lý, nghiên cứu cần có nhận thức về tầm cỡ quốc gia của đình làng, việc trùng tu phải giữ nguyên bản. Giả định đình xứ Đoài được các nhà văn hóa nhìn như cố đô Huế, và trùng tu giống như hoàng cung Huế thì tình hình sẽ khác...”.

"Đình làng Xứ Đoài, những điều còn - mất" Là chủ đề cuộc hội thảo do Sở VH-TT Hà Nội phối hợp với Nhóm Đình làng Việt diễn ra vào ngày 15/12, tại Bảo tàng Hà Nội. Hội thảo tập trung bàn về những vấn đề xung quanh giá trị của đình làng xứ Đoài, công việc Tu bổ, quản lý, quảng bá đình làng xứ Đoài. Tham dự Hội thảo có các nhà nghiên cứu, nhà quản lý về di sản của Trung ương và Hà Nội.

Thông qua hình ảnh, dẫn chứng thực tế và ý kiến phân tích của các nhà nghiên cứu, quản lý văn hóa và đại diện cộng đồng dân cư ở những nơi có di tích đình làng tiêu biểu, bức tranh đình làng Xứ Đoài hiện lên chân thực, gần gũi. Cụ thể, đình Tây Đằng, Chu Quyến, Quang Húc (Ba Vì), Mông Phụ, Cam Thịnh (Sơn Tây), Đình Giá (Hoài Đức)… có giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc vô cùng độc đáo, còn tồn tại đến ngày nay là một trong những "thắng lợi lớn" của ngành Văn hóa cũng như cộng đồng. Bởi, đình làng còn là không gian văn hóa và các sinh hoạt văn hóa nhằm gắn kết cộng đồng, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân vẫn còn. Tuy nhiên, sau khi tu bổ, tôn tạo, một số ngôi đình không còn giữ được nét đẹp kiến trúc vốn có, khiến cho di tích trở nên xa lạ với cộng đồng, đó là sự mất mát không nhỏ... Các đại biểu kiến nghị ngành Văn hóa phối hợp với các ngành chức năng sớm đưa ra quy chuẩn về trùng tu di tích; tăng cường tuyên truyền, giới thiệu giá trị, ý nghĩa của di tích tới cộng đồng, giúp cộng đồng nâng cao ý thức, trách nhiệm giữ gìn.

Những ngôi đình làng đã tồn tại từ đời này qua đời khác, là dấu ấn sâu đậm của biết bao nhiêu thế hệ, mỗi ngôi đình là một bảo tàng, nó gắn bó mật thiết với cộng động, chính vì vậy, công việc bảo vệ, tu bổ và phát huy giá trị của đình làng trách nhiệm thuộc về người dân gắn bó với nó.

Xứ Đoài có cảnh quan thiên nhiên đẹp, nhiều công trình tín ngưỡng tôn giáo có kiến trúc đẹp, đặc biệt là đình làng. Nhằm phát huy giá trị di tích đình làng xứ Đoài, Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ cần quy hoạc và đưa hệ thống đình làng vào các tuyến tham quan du lịch phục vụ khách trong nước và quốc tế, điều này vừa phát huy giá trị di sản, vừa tăng nguồn kinh phí để đầu tư trở lại cho việc bảo tồn di tích.

Theo Di Sản Xanh

Bạn đang đọc bài viết ""Đình làng Xứ Đoài, những điều còn - mất"" tại chuyên mục Văn hóa - Văn nghệ. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.