Đình làng Giẽ Thượng trong tâm thức của người dân Phú Xuyên

09/12/2016 07:46

Theo dõi trên

Đình làng Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Hà Nội là một ngôi đình chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, khoa học và lịch sử.

Đình làng Giẽ Thượng trong tâm thức của người dân Phú Xuyên

Từ lâu, trong tiềm thức của mỗi người dân Việt Nam, mỗi khi nói về làng xã không ai quên nhắc tới ngôi đình làng, bởi đó là sự kết tinh trí tuệ, công sức, sự thịnh vượng, niềm kiêu hãnh của làng xã, nơi chứng kiến và diễn ra các hoạt động lớn nhỏ của cả làng, là nơi các chàng trai, cô gái gửi gắm, bầy tỏ tâm tình.

Đình làng trang trọng và thiêng liêng, nó gần như là đại diện, là biểu tượng của quyền lực làng xã. Nhưng đình làng lại là nơi tụ họp mọi người trong mọi sinh hoạt cộng đồng. Đình làng trở thành một nơi thân quen gần gũi, là nơi ở, là cuộc sống của những người nông dân Việt Nam. Đình làng xưa - nét đặc trưng tiêu biểu nhất của làng quê Việt Nam. Đình là biểu hiện sinh hoạt của người Việt Nam, nơi "cân bằng" phép tắc của cuộc sống cộng đồng, nơi khai diễn những nét tài năng, tư duy của dân làng, nhất là về tín ngưỡng, nơi để thờ thần Thành Hoàng làng, người có công với dân, cứu nước, giữ nước hoặc giúp dân nghề nghiệp sinh sống. Nhìn quanh đình làng, ta sẽ thấy lòng tri ân, trọng nghĩa, trọng tài, ''uống nước nhớ nguồn'' của người Việt Nam.



Toàn cảnh đình làng Giẽ Thượng.

Đình làng Giẽ Thượng thuộc thôn Giẽ Thượng, xã Phú Yên, huyện Phú Xuyên, Tp. Hà Nội có niên đại vào khoảng thế kỷ XVII và đã được Bộ văn hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia năm 1997 bởi những giá trị lịch sử kiến trúc nghệ thuật của nó.

Đình làng Giẽ Thượng thờ thành hoàng là Quảng Bác Uyên Dung Đại Vương. Thần là con vua Hùng thứ 8 là Huy Vương và Tiên Dung Châu cung phi chính thất. Thần là một trong năm người con của nhà vua đã lập được nhiều chiến công chống giặc ngoại xâm, giữ gìn nước Văn Lang, được nhà vua tuyên dương công trạng. Khi hóa các triều đại đời sau ghi nhớ công lao tôn phong vào hạng Thượng đẳng thần.

Giá trị kiến trúc nghệ thuật

Đình làng Giẽ Thượng còn chứa đựng nhiều giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể nhất định. Trong đại bái và trung cung của đình Giẽ Thượng có một số hoành phi và câu đối cổ. Gian giữa hậu cung là nơi đặt khám thờ chứa long ngai và bài vị của Thành hoàng. Tại chính điện và hai gian tả hữu vẫn giữ được những mảng chạm khắc gỗ điêu luyện với những hoạt cảnh đời thường xen lẫn các đề tài tiên nữ, voi, nghê, rồng, mây lửa v.v., trông cực kỳ sinh động. Trên cao có treo bức trần gỗ trang trí rất đẹp, giống như ở đình làng Giẽ Hạ. Ngoài ra còn có một lư hương cổ tạc bằng đá liền khối khá tinh xảo đặt trên hương án.



Những mảng chạm độc đáo tại đình.

Nhiều hiện vật có niên đại thế kỷ XVII như: ngai thờ, đồ thờ. Ngoài ra ở giai đoạn muộn hơn vào thời Nguyễn ở phía trên trần phần tiếp nối giữa Đại đình và Hậu cung có bức vẽ màu với đề tài rồng ẩn hiện trong mây.

Trong đình có nhiều tác phẩm điêu khắc gỗ từ thời Lê Trung Hưng, đặc trưng cho nghệ thuật tinh tế và độc đáo của các ngôi đình làng thuộc vùng đất phía Nam kinh thành Thăng Long. Năm 1996 đình Giẽ Thượng được Bộ Văn hóa và Thông tin xếp hạng là Di tích lịch sử – nghệ thuật quốc gia.

Lễ hội đình làng Giẽ Thượng được tổ chức vào ngày 12/6 âm lịch hàng năm, dân làng và khách thập phương về tham dự khá đông vui, họ tế lễ, tham gia trò chơi, trò diễn và những trò vui chơi thể thao giải trí.

(Theo langvietonline.vn) 

Hương Giang
Bạn đang đọc bài viết "Đình làng Giẽ Thượng trong tâm thức của người dân Phú Xuyên" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.