Điều chỉnh cấp độ khoanh vùng bảo vệ di tích Cố đô Huế: Giải pháp xử lý những vấn đề thực tiễn

01/11/2016 14:19

Theo dõi trên

Việc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô (BTDTCĐ) Huế không muốn giữ di tích Lục Bộ của triều Nguyễn trong danh sách di sản khu vực I đang là chủ đề được quan tâm. TS. Phan Thanh Hải – Giám đốc Trung tâm BTDTCĐ Huế khẳng định, thông tin như vậy là chưa đầy đủ và thiếu chính xác; đồng thời, cung cấp những nội dung cụ thể hơn.



Bản vẽ khoanh vùng bảo vệ di tích Lục Bộ hiện nay

Bắt đầu câu chuyện của Lục Bộ, TS. Phan Thanh Hải cho rằng, để giải thích vấn đề này, chúng ta cần hiểu một cách đầy đủ về vấn đề dân cư sống trong các khu vực di tích, từ quá trình hình thành đến tình trạng hiện nay.

Đối với Thừa Thiên Huế - nơi có một đô thị lịch sử với hệ thống di tích dày đặc, việc người dân sống trong vùng di tích không những có số lượng lớn, phân bố địa bàn rộng mà còn tác động không nhỏ đến môi trường khu di tích và chính sách phát triển địa phương. Từ năm 1945, triều Nguyễn chấm dứt vai trò lịch sử, toàn bộ hệ thống kiến trúc cung đình trở thành di tích lịch sử và việc quản lý quần thể di tích triều Nguyễn thuộc về chính quyền miền Nam. Đây là giai đoạn dân cư tràn vào sinh sống trong các khu di tích một cách ồ ạt, không ít di tích đã bị tàn phá, thậm chí bị xóa sổ hoàn toàn.

Năm 1993, Quần thể di tích cố đô Huế chính thức được ghi tên vào danh mục Di sản Thế giới, tình hình quản lý khu di tích Huế được quan tâm và cải thiện rất nhiều theo chiều hướng rất tích cực. Từ năm 2003 đến nay, Trung tâm BTDTCĐ Huế nghiên cứu và điều chỉnh hệ thống khoanh vùng bảo vệ di tích theo Luật Di sản Văn hóa; đồng thời, phối hợp tích cực với các cấp chính quyền giải tỏa các hộ dân cư sống trong khu vực I di tích, nhất là những khu vực ảnh hưởng trực tiếp đến diện mạo cảnh quan đô thị. Tuy nhiên, cho đến nay, tình hình dân cư sống trong vùng di tích vẫn đang là bài toán khó giải quyết đối với Thừa Thiên Huế, khi đưa ra những quyết sách phát triển kinh tế - xã hội có liên quan đến di sản văn hóa triều Nguyễn.

Liên quan đến thông tin điều chỉnh khu vực di tích Lục Bộ trong hồ sơ tái đề cử Quần thể di tích cố đô Huế, dự kiến đệ trình UNESCO vào năm 2018, TS. Phan Thanh Hải cho biết, đó không phải là sự buông lỏng quản lý. Trái lại, là cách giải quyết vấn đề hợp lý, hợp tình, phù hợp với thực tiễn để quản lý di tích tốt hơn, đồng thời tạo điều kiện cho cuộc sống người dân.

Lục Bộ là công sở của 6 bộ: Lại - Hộ - Lễ - Binh - Hình - Công của triều Nguyễn, nằm ở phía đông bên ngoài Hoàng thành. Đầu thế kỷ XX có thêm bộ Học, bố trí ở phía đông bộ Lễ. Khu vực này rộng hơn 5,5 ha, vốn đã bị thực dân pháp đốt cháy năm 1885 trong vụ Thất thủ kinh đô. Sau năm 1945 đến năm 1975, phần lớn khu vực này bị triệt giải hoặc bị các cơ quan công quyền và dân cư chiếm cứ, xây dựng nhà cửa. Đến tháng 10/2016, Lục Bộ có 249 hộ dân, 12 cơ quan, cơ sở thuộc nhà nước quản lý. Phần lớn các hộ dân tại đây đều đã xây dựng nhà cửa kiên cố và sinh sống qua vài thế hệ. Năm 1991, khi khoanh vùng bảo vệ di tích, Thừa Thiên Huế đã đưa toàn bộ khu vực này vào khoanh vùng bảo vệ I, điều đó gây ra muôn vàn khó khăn cho công tác quản lý và cuộc sống của người dân trong khu vực này. Vì theo quy định của Luật Di sản văn hóa, khu vực I là vùng lõi, bất khả xâm phạm. Đối với di tích cấp quốc gia đặc biệt như Huế, mọi thủ tục xây dựng, sửa sang trong khu vực này phải có sự đồng ý bằng văn bản của Thủ tướng Chính phủ (hoặc Thủ tướng ủy quyền cho Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch).

Từ thực tiễn của công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa Quần thể di tích Cố đô Huế hơn 20 năm qua đã nảy sinh những yêu cầu mới, đòi hỏi phải có sự điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, trong hồ sơ tái đề cử cho quần thể di tích Cố đô Huế, Trung tâm BTDTCĐ Huế dự kiến sẽ bổ sung một số di tích, một số khác mở rộng khoanh vùng bảo vệ; đồng thời, khoanh vùng lại một số điểm di tích theo hướng giới hạn lại để phù hợp với thực tiễn hiện nay, tạo điều kiện cho cuộc sống người dân và cho sự phát triển, nhưng không làm ảnh hưởng đến giá trị nổi bật toàn cầu của di sản Huế -  trong đó có khu vực Lục Bộ.

“Qua nghiên cứu thực tế, chúng tôi dự kiến sẽ đề xuất Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ giữ lại khu Thượng thư đường bộ Lại và bộ Công trong khu vực I. Đây là 2 khu vực còn giữ được một số công trình gốc, xây dựng thời Thành Thái. Toàn bộ phần còn lại sẽ chuyển thành khu vực II, vì không còn yếu tố gốc, và dân cư đã xây cất nhà cửa, sinh sống từ lâu”, TS. Phan Thanh Hải cho biết.

(Theo khamphahue.com.vn)

Đồng Văn
Bạn đang đọc bài viết "Điều chỉnh cấp độ khoanh vùng bảo vệ di tích Cố đô Huế: Giải pháp xử lý những vấn đề thực tiễn" tại chuyên mục Di sản. Chuyên trang của Tạp chí điện tử Văn hóa và Phát triển.