Bánh mướt Diễn Châu
Nhắc đến Diễn Châu không ít người sẽ nghĩ ngay đến món bánh mướt cực ngon và hấp dẫn ở nơi đây. Diễn Châu có rất nhiều làng làm bánh mướt nổi tiếng. Những chiếc bánh trắng, mịn được làm từ bột gạo, hấp chín trên nồi hơi rồi cuốn lại, thêm ít hành khô phi mỡ thơm lừng. Quy trình làm bánh mướt cũng cần sự khéo léo từ đôi bàn tay. Những bàn tay thoăn thoắt khuấy bột, gạt bánh, cuốn bánh nhanh, khéo để miếng bánh chín không bị nát ra và được cuộn tròn thành từng chiếc dài. Bánh mướt thường được bán theo đĩa hoặc theo tùy vào người mua, nhưng bán theo từng một chục (tức là 10 chiếc bánh trở lên) như nếu bạn mua ở chợ có thể rẻ hơn với 10.000 đồng/chục bánh.
Cháo lươn
Nghệ An vốn nổi tiếng với lươn. Thậm chí ở Hà Nội hay Sài Gòn người ta vẫn thường mở những quán ăn Lươn Nghệ An để nói đến xuất xứ của loài lươn nổi tiếng. Vậy nên khi đến Nghệ An không thể không thưởng thức món cháo lươn cực hấp dẫn. Lươn được luộc lên, xé nhỏ thịt, còn nước luộc thì được dùng để nấu cháo. Khi ăn, người ta cho thịt lươn đã xé nhỏ vào bát, cho gia vị, hạt tiêu rắc đều rồi khuấy chúng với nhau. Thịt lươn luộc vừa ngọt vừa mềm rất ngon, thêm một chút nồng của hạt tiêu nữa. Cháo lươn không chỉ là một món ăn ngon mà còn có rất bổ dưỡng đối với người gầy. Giá tiền có thể chênh lệch từ 25.000 - 40.000 đồng/bát cháo.
Khoai xéo
Có lẽ đây chính là món ăn cực kỳ dân dã và giản dị của người dân xứ Nghệ. Nghệ An là mảnh đất nghèo, mùa hè thì gió Lào quạt khô khốc, mùa tháng 8 thì bão về. Thế nên cuộc sống người dân vô cùng vất vả. Cũng nhờ thời tiết ấy nên vùng đất Diễn Châu - Nghệ An đất cồn và đất thịt rất phù hợp để trồng khoai lang.
Những củ khoai sau khi được dỡ, sẽ được rửa sạch sẽ, gọt sạch vỏ, thái thành từng miếng nhỏ, phơi khô dưới nắng. Đến những ngày mưa bão, bắc nồi khoai lên bếp, thêm ít nếp, đỗ rồi nấu khoai xéo thì ngon hết xảy. Với món khoai xéo thì đây chính là đặc sản của Diễn Châu vì ở đó đất tốt, khoai tơi và ngon. Bình thường bạn có thể mua khoai xéo ở các khu chợ Diễn Châu với giá 5000 đồng/nắm khoai.
Mùng muối
Đừng nghĩ rằng nó chẳng là gì nhé, một người bạn Hà Nội của tôi đã xuýt xoa khen ngợi với tôi rằng Nghệ An nhà tôi có món mùng muối khiến cậu ấy khó quên nhất. Món mùng muối thường xuất hiện rất nhiều ở các chợ lớn nhỏ của Nghệ An. Những dọc mùng được phơi héo, cắt miếng vừa ăn, rửa sạch và muối. Khi muối thường cho thêm đường, muối. Sau khi mùng đã chín, người ta vắt sạch nước, trộn gia vị vừa ăn, ít đường, ít gia vị nêm, trộn thêm ít lá chanh, vài cọng giá và vài lát ớt sẽ khiến cho đĩa mùng vừa bắt mắt, vừa thơm và ngon hơn.
Quả thật sau khi nghe người bạn ấy nhận xét, tôi đã để ý hơn đến món ăn dân dã ấy. Mỗi lần về quê tôi đều không quên ghé chợ cóc bên đường, mua vài ba nghìn mùng muối, bởi với tôi nó chính là vị đậm đà của quê hương. Mùng muối là món ăn giản dị và dân dã, thường được bán ở chợ. Nếu muốn bạn có thể mua từ 3.000 đồng trở lên là có thể thưởng thức được món ăn đơn giản này.
Mực nhảy nướng Cửa Lò
Cửa Lò không những là địa điểm du lịch mà còn là nơi đầu mối hải sản của Nghệ An. Ở đó có cả chợ hải sản với rất nhiều cá tôm tươi, là lựa chọn hàng đầu của các du khách khi muốn mua hải sản làm quà. Tuy nhiên để thưởng thức hải sản Cửa Lò thì có lẽ món mực nhảy nướng Cửa Lò là khiến nhiều người nhớ nhất.
Những con mực còn tươi nguyên nhảy tanh tách được chọn lọc rất kỹ, sau đó sẽ khứa vài ba đường rồi nướng ngay trên bếp lửa. Mùi mực thơm lừng mà thịt mực vừa ngọt vừa ngon. Ngoài ra đến Cửa Lò, du khách có thể thuê thuyền thúng để đi câu mực, sau đó nhờ nhà hàng nướng mực chính tay mình câu được cũng rất tươi và ngon nữa. Với món ăn này đương nhiên bạn có thể thưởng thức ở Bãi biển Cửa Lò với giá cũng khá rẻ chỉ với khoảng 300.000 đồng/cân từ 15 - 20 con mực tươi nguyên ngon. Còn nếu bạn muốn mua làm quà có thể đến với Chợ hải sản Cửa Lò nằm trên đường ngang số 6, phường Thu Thủy, Cửa Lò để mua với giá tốt.
Bánh ngào
Đây chính là món bánh gắn liền với tuổi thơ của những đứa trẻ miền quê nghèo này. Bởi vì chỉ những ngày Tết đến thì mới được thưởng thức món bánh này. Ngày Tết, bà và mẹ lại chuẩn bị sẵn bột nếp, đúng đêm 30 sẽ làm bánh ngào. Những viên bánh tròn tròn, luộc vào nước sôi đến khi trong và nổi lên mặt nước là bánh chín. Dùng muôi lỗ vớt bánh ra, cho qua nước lạnh để bánh không dính vào nhau. Sau đó, cho mật vào nồi, thêm ít để dậy mùi, đun sôi mật, thả bánh vào và tiếp tục đun sôi.
Ăn miếng bánh vừa mềm vừa dẻo vị nếp, quyện với mật và cay cay nồng nồng của gừng khiến cho cái lành lạnh của đêm 30 Tết biến tan. Chỉ còn cái ấm áp của bếp lửa, ngọt ngào của mật và dẻo của bánh ấm dần trong mỗi tấc da thớ thịt. Thế nhưng để thuận tiện cho các du khách thưởng thức món bánh này thì chúng không chỉ được làm vào dịp Tết mà các ngày thường vẫn có thể thưởng thức được vị đậm đà ấm áp này. Để thưởng thức món bánh này có thể đến Chợ Quang Trung với giá từ 10.000 đồng/ bát trở lên hoặc ăn hàng rong từ 10.000 - 15.000 đồng/bát.
Nhút Thanh Chương
Ai cũng thường thuộc làu câu: “Nhút Thanh Chương - Tương Nam Đàn”. Bởi vì những món ăn này quá nổi tiếng mỗi khi nhắc đến Nghệ An. Nhút Thanh Chương được làm từ những vật liệu cực đơn giản đó là mít xanh hoặc xơ mít chín và muối trắng. Mít đang ở trên cây, người ta hái xuống, gọt sạch vỏ ngoài, rửa cho hết nhựa rồi bỏ vào nong hoặc nia, dùng dao băm hoặc thái thành từng sợi. Sau đó cho muối trộn đều rồi bỏ vào cối giã sơ qua, dùng tay vò cho mềm ra. Cuối cùng bỏ vào vại sành khoả đều trên bề mặt, bỏ vỉ vào dằn đá cho nén xuống, đổ nước muối loãng vào cho ngập vỉ, đậy nắp che bụi, ủ khoảng 5 - 6 ngày. Sau khi chín chúng lại mang đến món ăn vừa ngon, vừa giòn, lại có chút chua chua ăn rất thích thú. Và từ nhút cũng có thể chế biến được rất nhiều món ăn để ăn với cơm như nhút chấm nước mắm, nhút để nấu canh hay nhút xào đều rất ngon miệng.
Tương Nam Đàn
Tương Nam Đàn là món nổi tiếng của vùng đất xứ Nghệ. Nguyên liệu chính gồm nếp, ngô, đậu nành (hay còn gọi là đậu tương). Cách làm món nước tương này khá công phu và phức tạp. Công đoạn đầu tiên của quy trình làm tương là làm mốc. Mốc được làm từ hạt ngô. Đây được xem là công đoạn khó nhất trong quy trình làm tương, quyết định cơ bản sự thành bại của sản phẩm. Công đoạn tiếp theo là chế biến đỗ tương. Công đoạn ngạ tương thường được thực hiện vào đêm khuya, người làm tương đem mốc và muối trộn vào chum nước đỗ đã phơi và dùng thanh tre khuấy đều, sau đó che đậy chum tương cẩn thận. Ngạ tương xong, hàng ngày vào buổi sớm, người làm tương mở chum, dùng thanh tre khuấy đều để nước, đỗ và mốc luôn được hòa tan vào nhau. Tương Nam Đàn ăn có vị mặn pha ngọt, nếu chấm có dính mẻ đậu thì có vị bùi và đậm đà khó quên. Nếu muốn ăn tương ngon thì phải chọn quán đảm bảo chất lượng là tương Nam Đàn mới ngon đậm vị.
Cam Xã Đoài
Cam Xã Đoài là một loại đặc sản của vùng đất Nghi Lộc. Loại cam này được trồng và thu hoạch vào dịp gần Tết. Cam thơm, ngon, mỏng vỏ và rất nhiều nước. Cam xã Đoài có hai loại: Cam lót (tên địa phương) là giống cam hình quả giống quả nhót. Cam bầu hay cam bù (gọi theo phương ngữ), là loại cam hình quả bầu. Cam khi mới chín có màu vàng rồi chuyển sang sẫm dần nhưng luôn giữ được vẻ tươi tắn, ngoài có lớp the mỏng, chỉ cần khẽ xây xát là đã thoát một mùi thơm đặc biệt, bổ ra màu vàng óng, ăn rất thơm ngon. Nếu đem ngâm với rượu sẽ cho một sản phẩm rượu thơm, vị ngọt thanh, có thể dùng làm món khai vị hoặc bồi dưỡng sức khỏe cho sản phụ.
Bánh gai xứ Dừa
Bánh gai xứ Dừa là đặc sản vốn đã nổi tiếng từ lâu đời ở xã Tường Sơn, huyện Anh Sơn. Món bánh gai ở đây ngon không kém bánh gai Thanh Hóa và Nam Định. Nguyên liệu làm bánh gồm bột nếp, đậu xanh, đường, lá gai, mật và lá chuối khô. Lá chuối sau khi thu mua về phải phân loại lau chùi từng lá cho sạch sẽ, xay nếp thành bột, đậu xanh ngâm nước giã vỏ, hái lá gai tươi về giã nát hoặc lá gai khô thì cho vào máy xay ra hoặc đâm, nghiền thật mịn rồi trộn đều với bột nếp. Sau khi nên bột nên hồ, người làm bánh sẽ cho nhân đậu và một ít cùi dừa vào cho có vị thơm đặc trưng riêng của bánh gai xứ Dừa, lúc này người ta dùng lá chuối gói lại rồi xếp vào đầy nồi và bắc lên bếp để hông cách thuỷ, sau khoảng vài tiếng đồng hồ bánh chín đều rồi vớt ra.
Bánh đa vừng Đô Lương
Đô Lương từ lâu đã nổi tiếng với nghề làm bánh đa truyền thống. Với nguyên liệu hoàn toàn tự nhiên, như gạo, vừng đen, và gia vị các loại khác, người dân ở nơi đây đã tạo nên loại bánh đa có hương vị đặc trưng. Trước đây người dân làng Vĩnh Đức tráng bánh bằng bột gạo nước, trộn với vừng đen. Nay để tăng thêm vị thơm ngon, người ta cho thêm gừng, hạt tiêu, tỏi giã nhỏ, trộn vào bột gạo để tráng. Để có một chiếc bánh đa thơm ngon, hấp dẫn, người làm bánh kỳ công từ khâu chọn gạo. Gạo sau khi ngâm một đêm, nhặt sạch lúa, sạn sau đó mới nghiền nhỏ thành bột nước. Bột gạo nước đảm bảo vừa đủ, tạo nên độ sền sệt đủ để tráng một lớp lên chiếc vỉ làm từ vải, trên nồi nước sôi. Cho vừng đen (rửa sạch đã ráo nước, phơi khô) rắc đều lên cả hai mặt bánh. Bánh đa khi đã tráng chín được trải nhẹ tay trên vỉ nứa để nguội rồi mới đem phơi.
Sản phẩm của làng nghề nổi tiếng thơm ngon, nên không chỉ người tiêu dùng trong nước mà Việt kiều ở nước ngoài như: Đức, Cam pu chia, Lào, Singapore, Hàn Quốc, Nga… ưa thích, nên tiêu thụ rất tốt.